Xuất hiện nhiều hồ sơ giả trong công nhận người có công

Ông Đào Ngọc Dung Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB-XH làm việc về công tác giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng.
Ông Đào Ngọc Dung Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB-XH làm việc về công tác giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng.
TPO - Qua mỗi đợt vận dụng để giải quyết, công nhận người có công với cách mạng thì xuất hiện tình trạng hồ sơ giả, không ít trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước để trục lợi cá nhân, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, tạo bức xúc đối với người có công với cách mạng.

Ngày 23/2 Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức hội nghị triễn khai kế hoạch kỉ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017) và công tác giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng.

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cả nước tồn đọng khá lớn hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng. 

Đặc biệt, qua mỗi đợt vận dụng để giải quyết thì xuất hiện tình trạng hồ sơ giả, không ít trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước để trục lợi cá nhân, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, tạo bức xúc đối với người có công với cách mạng.

Thống kê của ngành LĐ-TB&XH, cả nước vẫn còn hơn 4.480 hồ sơ đề nghị công nhận còn tồn đọng vì nhiều lý do khác nhau, gồm 2.635 hồ sơ đề nghị công nhận thương binh và 1.845 hồ sơ liệt sĩ. Số liệu trên chưa tính số liệu của tỉnh Hà Tĩnh và Tây Ninh.

Trước tình hình đó thì, Bộ LĐ-TB-XH  đã chủ trương thí điểm triển khai việc xem xét, xác nhận người có công với cách mạng.

Tính đến cuối tháng 11/2016, các địa phương được chọn làm điểm đã kết thúc nhiệm vụ theo đúng kế hoạch. 5 tỉnh thành phố được chọn làm điểm là: Lai Châu, Bắc Cạn, Thái Bình, Đà Nẵng và Long An đã hoàn thành việc tổng hợp hồ sơ thí điểm, trong đó do số lượng hồ sơ tồn đọng khá lớn nên tỉnh đã chọn huyện Hưng Hà thí điểm giải quyết hồ sơ liệt sĩ, huyện Quỳnh Phụ thí điểm cử tri, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ cho triển khai đồng thời theo kế hoạch hướng dẫn của Cục người có công.

Bộ trưởng Lao động thương binh xã hội Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các cơ quan chức năng xử lý thận trọng, có quy trình. 

“Những địa phương có dưới 50 hồ sơ người có công còn tồn động sẽ tập trung giải quyết triệt để, những địa phương có trên 50 hồ sơ thì giải quyết về cơ bản. Hiện 15 tỉnh có trên 50 hồ sơ, 35 tỉnh có dưới 50 hồ sơ tồn đọng…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

MỚI - NÓNG