Xuất hiện “xe vua” do quan chức đứng sau

Trạm cân tải trọng xe tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chỉ hoạt động tới 12h trưa, sau đó dời đi cho xe quá tải hoạt động (Ảnh chụp cuối tháng 6/2014). Ảnh: Sỹ lực
Trạm cân tải trọng xe tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chỉ hoạt động tới 12h trưa, sau đó dời đi cho xe quá tải hoạt động (Ảnh chụp cuối tháng 6/2014). Ảnh: Sỹ lực
TP - Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô, hầu như địa phương nào cũng có đoàn “xe vua” được bảo lãnh bởi người có chức vụ tại địa phương. Địa phương phát hiện xe quá tải ít chẳng qua do kiểm tra ít hoặc chỉ kiểm tra xe chở đúng tải, thậm chí không chở gì.

Phạt cả thanh tra kém năng lực


Tại tọa đàm Chống tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe (báo Giao thông tổ chức chiều 28/7), ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Vấn nạn xe quá tải không chỉ làm hư hỏng hệ thống đường bộ, còn tạo môi trường kinh doanh vận tải bất bình đẳng, doanh nghiệp kinh doanh đứng đắn chịu thiệt thòi.

“Hầu như địa phương nào cũng có 1 đoàn “xe vua” được bảo lãnh bởi quan chức tại địa phương, từ đó hình thành nhóm lợi ích, tìm mọi cách chống lực lượng thực thi công vụ, chủ trương cơ quan quản lý”, ông Thanh nói. Sau 6 tháng ra quân cân tải trọng xe, ông Thanh cho rằng, đừng vội vàng thỏa mãn thành tích bước đầu. Giờ “xe vua” không còn quá lộ liễu, thách thức cơ quan công quyền, dư luận, nhưng vẫn tìm cách trốn tránh, lách trạm cân.

Ông Thanh đánh giá cao những tỉnh phát hiện nhiều xe quá tải, còn những địa phương phát hiện ít xe quá tải chẳng qua do kiểm tra ít, chỉ kiểm tra xe đúng tải trọng, thậm chí xe không chở gì. 

Theo người đứng đầu Hiệp hội Vận tải ô tô, cùng với phạt nặng lái xe, phải phạt nặng lực lượng thanh kiểm tra, trạm cân để lọt xe quá tải. “Trạm trước để lọt, trạm sau bắt được chỉ xử lý lái xe rồi cho qua, đây là tiêu cực. Lực lượng thanh tra nói để lọt xe do chuyên môn kém, như thế không được, phải xử phạt cả người nhận mình kém năng lực do không hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta phải nói thẳng với nhau như vậy”, ông Thanh nói. 

Ông Thanh đề xuất phải có cơ chế, chính sách để kiểm soát tải trọng lâu dài, hiệu quả, như đặt trạm cân tại các trạm thu phí BOT, và có cơ chế để chủ đầu tư dự án BOT được quyền từ chối cho xe quá tải vào đường do mình đầu tư; có cơ chế xử phạt nguội, phạt lũy tiến (xe chạy vượt tải càng xa phạt càng nặng)…

Vì lợi ích địa phương? 

Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT Thạch Như Sỹ cho biết, hiện người đứng đầu trạm cân là thanh tra, phải chịu trách nhiệm toàn bộ, nhưng người có quyền dừng xe lại là cảnh sát giao thông. “Nếu xe quá tải qua trạm mà cảnh sát giao thông không dừng xe để kiểm tra, lực lượng thanh tra có muốn kiểm tra cũng không làm gì được”, ông Sỹ nói. Chưa kể, quy định chỉ cho phép dừng 3 xe một lúc, nếu đoàn từ 4 xe trở lên thì những xe đi sau vô tư qua trạm không bị kiểm tra. 

Thậm chí, có tình trạng một số tỉnh vì lợi ích kinh tế địa phương nên tạo điều kiện cho xe quá tải hoạt động. “Có lãnh đạo địa phương nói với tôi, nếu làm gắt gao cũng không được, sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách, hoạt động doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Như vậy, ngay cả lãnh đạo tỉnh cũng chưa thông”, ông Sỹ nói.

Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc cân tải trọng xe rất dễ phát sinh tiêu cực, nên Bộ luôn chỉ đạo lực lượng thực hiện đúng chức trách của mình. Trong 6 tháng triển khai ra quân cân tải trọng xe, dư luận đang đặt vấn đề về tiêu cực trong xử lý xe quá tải trọng. Điều này do đâu, phối hợp chưa tốt hay có trường hợp cố tình để lọt xe quá tải, cò mồi trạm cân…

Để xử lý triệt để xe quá tải, Thứ trưởng Thọ cho biết, sẽ tăng cường xử phạt xe vi phạm, ngoài xử phạt lái xe sẽ xử phạt cả chủ phương tiện, đơn vị bốc xếp hàng lên xe.

Theo Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt, 6 tháng năm 2014, lực lượng này đã kiểm tra gần 215.000 xe ô tô tải, xử phạt 47.000 trường hợp chở quá tải (chiếm 22% số vi phạm); xử phạt nộp kho bạc nhà nước 106 tỷ đồng, tạm giữ hơn 1.800 phương tiện.

MỚI - NÓNG