Xuồng ba lá vang bóng một thời

Ghe chở gỗ sao để đóng ghe vừa cập bến xưởng.
Ghe chở gỗ sao để đóng ghe vừa cập bến xưởng.
TP - Những chiếc xuồng ba lá, ghe tam bản không chỉ từng là phương tiện đi lại chủ yếu và là “cần câu cơm” của bao người dân, còn là một biểu tượng về sức sống trong suốt chiều dài lịch sử của vùng bưng biền Đồng Tháp Mười. Giữa những cánh đồng thẳng cánh cò bay, có một làng nghề đóng xuồng, ghe tồn tại hàng trăm năm qua. Qua muôn nỗi thăng trầm, người dân nơi đây vẫn bám và giữ nghề của cha ông.

Men theo con lộ cặp mé sông Thong Dong đến làng đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) vào giữa trưa nắng gắt, gặp người đàn ông trạc ngoài 40 tuổi, đầu trần, mặt mũi tay chân lấm lem, đang điều khiển chiếc ghe chở đầy những cây gỗ to di chuyển khó khăn dưới lòng lạch cạn nước. Khi ghe cập bến, người lái thuyền vội bước lên xưởng mộc không tên, vừa uống ngụm nước vừa lấy tay lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt, rồi thở phào. Đó là anh Nguyễn Nhựt Linh (43 tuổi), chủ một xưởng chuyên đóng xuồng, ghe ở rạch Bà Đài. Anh Linh tự giới thiệu: “Gia đình tôi đóng ghe đã mấy đời rồi, tôi là đời thứ tư”.

Những người giữ lửa

Anh Linh kể: “Khi xưa, gia đình tôi không có gạo ăn, phải đi mót khoai để bán lấy tiền mua gạo. Tới năm 12-13 tuổi tôi mới được đi học lớp 1. Cũng vì nghèo nên tôi phải bỏ học ra đời bươn chải sớm và bắt đầu làm quen với nghề đóng ghe, xuồng bằng cách học lỏm”. Anh cho biết, sau khi cưới vợ, anh làm thuê cho một số xưởng đóng ghe, xuồng tại địa phương: “Thời đó, nghề này phát triển lắm, ai mà biết làm là mấy xưởng đóng ghe nhận vào làm ngay, làm đến tận khuya, giành nhau mà làm vì ăn theo sản phẩm”- anh Linh nhớ lại.

Sau vài năm tích cóp được số vốn, vợ chồng anh mở xưởng đóng tại nhà. Lần đầu làm chủ gặp nhiều khó khăn, do vốn ít không mua nổi máy xẻ ván nên khi mua cây xong, anh Linh phải chở đi cưa thành từng tấm be. Theo anh Linh, lúc xưa ở đây đóng đa dạng các loại từ ghe tam bản, xuồng ba lá đến ghe vài chục đến hàng trăm tấn. Nhưng hiện nay hầu như chỉ đóng ghe tam bản và đa số các xưởng đóng theo đơn đặt hàng, không còn đóng đại trà rồi chờ người tới mua như trước đây. “Một tháng xưởng tôi lãnh đóng trung bình 30 chiếc, nhiều nhất thì 40 - 50 chiếc, chủ yếu mối từ nhiều năm nay đặt hàng. Hàng đặt tới đâu làm tới đó, tôi không dám đóng dư sợ không bán được sẽ lỗ”. Anh Linh cho biết, hiện nay gỗ đóng ghe chủ yếu là gỗ sao vườn. Để chuẩn bị đủ gỗ, anh thường đi khắp nơi tìm mua gỗ cây rồi chở về xẻ thành ván dự trữ.

Xuồng ba lá vang bóng một thời ảnh 1 Anh Nguyễn Nhựt Linh tại xưởng đóng ghe xuồng của mình.

Gia đình ông Hồ Văn Liệt (55 tuổi) có 3 đời đóng ghe, xuồng. Bản thân ông cũng là thợ kỳ cựu. Theo lời ông, để hoàn thành một chiếc ghe tam bản phải trải qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ. Ví như, khi xẻ ván be thì phải thật chuẩn với độ dày, độ dài và chiều ngang theo yêu cầu của khách. Công đoạn búng mực là quan trọng nhất. Phải dùng cây rập để đo và búng mực cho chính xác. Xẻ xong, để cho những đôi be đều nhau, người thợ phải dùng đinh đóng 2 tấm be áp với nhau rồi bào nhẵn, sau đó uốn trên lửa cho cong 2 đầu rồi mới đem ráp lại. Mỗi chiếc ghe tam bản được ráp bằng 9 tấm be, mũi ghe được nối bằng 1 miếng ván vuông bào nhẵn, lườn ghe đóng những cây cong để ghe được chắc hơn. Cuối cùng là trét chai (một loại keo chống thấm, rò rỉ nước) đem phơi khô để ghe không vô nước là có thể sử dụng.

Cạnh lò lửa nóng rực, bà Năm, vợ ông Liệt đang cắm cúi hơ những tấm be. Bà Năm góp chuyện: “Uốn be cũng phải canh từng chút, vừa canh lửa, vừa canh be. Lúc nào cũng phải để lửa liu riu để không làm cháy be. Cho tấm be vừa bào xong vào dưới thanh sắt chặn phía trên lò lửa sau đó lấy tay từ từ đè tấm be một cách nhẹ nhàng cho có độ cong thích hợp. Công đoạn này không thể thay thế bằng phương pháp khác”.

Xuồng ba lá vang bóng một thời ảnh 2 Bà Nguyễn Thị Năm khéo léo uốn những tấm be bên lò lửa.

Một thời vang bóng

Những người dân ở dọc theo con rạch Bà Đài cho biết, khoảng 5 năm nay, nơi đây dần thưa thớt tiếng cưa xẻ, đóng đinh, bào gỗ… Cảnh mua bán xuồng, ghe nhộn nhịp ngày nào giờ cũng không còn. Số lượng hộ gia đình làm nghề đóng ghe xuồng nơi đây cũng đã giảm mạnh. “Hồi xưa, sáng ra chợ là ghe xuồng đậu tấp nập dưới bến, chiếc này nối đuôi chiếc kia. Đàn bà đi chợ, đàn ông ngồi giữ ghe nói chuyện qua lại vui lắm, giờ thì không còn nữa, người ta toàn đi xe máy”- anh Linh nói, đồng thời cho biết, thời còn hưng thịnh, người mua tranh nhau đặt hàng. Vì vậy, mỗi năm bán cả ngàn chiếc là chuyện bình thường. Bây giờ một năm, trung bình anh chỉ làm và bán được 300 chiếc. Cũng theo anh Linh, ngày xưa người ta mua ghe xuồng bằng vàng, những người nghèo thì đổi bằng heo, bò. Thời trước, công thợ rất rẻ, nhưng xuồng ghe bán có giá. Hiện nay cây rẻ, nhưng chi phí vận chuyển, tiền thợ lại cao, tính ra mỗi chiếc chỉ lời khoảng vài trăm đồng nên cũng khá chật vật.

Ông Nguyễn Hoàng Khoa (70 tuổi), một người từng có thâm niên hơn 30 năm đóng xuồng, ghe và hiện đang sống ở rạch Bà Đài. Ông cho biết, do không có vốn mở xưởng nên ông phải đi làm thuê hết xưởng này tới xưởng khác. Tiền lương tính theo sản phẩm làm ra nên hồi còn khỏe, mỗi ngày ông ráp cả chục chiếc, mỗi chiếc được 15 ngàn đồng, đủ sống cho cả vợ chồng con cái. Khoảng chục năm trở lại đây, do không còn đủ sức để theo nghề nên ông chuyển sang đi giăng câu thả lưới. “Mùa nước nổi, tối nào tôi với ba, bốn đứa cháu trong xóm cũng rủ nhau đi thả lưới. Tới ngã ba sông, mỗi người tủa đi một hướng, khuya về gặp lại, xuồng ai cũng bộn cá. Hồi đó xuồng ghe nhiều lắm, người ta đi chợ hay đi buôn bán gì cũng đi bằng xuồng. Sáng sớm đi bán cá, thấy người ta bơi xuồng đi chợ đông như xe chạy trên lộ bây giờ”-ông nhớ lại. Giọng ông đang hào hứng, bỗng chùng xuống: “Mấy năm nay, lũ không về nên không có cá, xuồng ghe bỏ không. Lớp trẻ thì đi làm công ty, một số thì đi học, người thì đi thuê đất trồng cam quýt có tiền nhiều hơn, còn già như tôi thì chỉ biết ngồi chờ, ai kêu gì làm nấy”.

 “Việc làm và bán xuồng ghe ngày xưa rất đắt, nhưng hiện giờ muốn tàn rồi”- ông Liệt thốt lên. Ông kể, cách đây vài năm, ghe đóng ế không ai mua, ông một mình giồng 5 – 6 chiếc đem qua chợ Cần Thơ bán. Hai, ba ngày không ai mua, tiền trong túi không có, đói khát, mưa gió cầm cự không nổi nên ông đành quay về”.         

Thích ứng

Anh Linh cho biết, khách hàng của anh giờ đây không còn là những người giăng câu thả lưới mùa nước nổi hay những phụ nữ miệt vườn sáng sáng bơi xuồng, ghe đi chợ. Thay vào đó, ghe, xuồng làm ra để phục vụ cho các chủ ao tôm, cá ở các tỉnh miệt dưới như Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu... Phần khác được khách hàng dùng làm phương tiện phục vụ khách tham quan tại các khu du lịch sinh thái.

Bà Nguyễn Cẩm Hồng (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau), một khách hàng nhiều năm của làng đóng xuồng, ghe ở Long Hậu cho biết, bà được những người họ hàng ở Sa Đéc giới thiệu nên tìm đến đây đặt hàng. “Cách đây khoảng 5 năm, khi mới bắt đầu nuôi tôm công nghiệp, tôi đặt mua 3 chiếc thuyền tam bản. Xài thấy bền nên cách đây một năm, khi mở rộng thêm vài vuông tôm nữa, tôi mua thêm ghe ở Long Hậu. Ngoài ra, tôi còn giới thiệu cho bạn bè mua, ai xài cũng khen”.

Ông Trần Văn Hùng–Chủ tịch UBND xã Long Hậu cho biết, làng đóng xuồng, ghe ở xã có từ cả trăm năm nay. Trước đây, thời điểm ăn nên làm ra nhất có 142 hộ làm nghề này, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 40 hộ. Những hộ còn trụ lại chủ yếu đóng ghe nhỏ, bởi ghe có tải trọng lớn hiện thường được làm bằng sắt vì chi phí rẻ và thời gian sử dụng lâu hơn ghe gỗ.

Ông Hùng cho biết, nhiều hộ ngưng đóng ghe đã chuyển sang làm xuồng thủ công mỹ nghệ để bán cho khách du lịch. “Để duy trì làng nghề, chúng tôi cũng khuyến khích người dân duy trì các mối tiêu thụ ghe xuồng. Về lâu dài, chúng tôi sẽ đề nghị tỉnh hỗ trợ phát triển xuồng thủ công mỹ nghệ để sau này lưu truyền cho con cháu”- ông Hùng nói.

MỚI - NÓNG