Xuyên rừng tìm Ngọc cẩu cường dương

Nấm Ngọc cẩu mọc nhiều trên đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Nấm Ngọc cẩu mọc nhiều trên đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Loại nấm Ngọc cẩu vốn giá chỉ vài chục nghìn đã bị thổi lên cả triệu bạc khiến nhà nhà ở Cốc Pài bỏ việc lên rừng tìm nấm.

Tin đồn nấm Ngọc cẩu có khả năng tăng cường sinh lý nam giới, hồi xuân nữ giới rộ lên từ giữa năm 2014, vì thế mà đến nay ở Hà Giang vẫn còn những phong trào vào rừng tìm nấm Ngọc cẩu về bán với giá cao.

Bỏ nương tìm nấm

Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy ở hầu hết các bản làng của huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Vị Xuyên đều có phong trào lên rừng tìm nấm Ngọc cẩu. Một loài nấm bình thường vốn chỉ có giá vài chục nghìn giờ lại được "thổi" lên với giá cả triệu bạc đã kéo theo những phong trào bỏ nương tìm nấm chưa từng có.

Ở ngay thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) cũng có rất nhiều người bỏ công bỏ việc lên rừng tìm nấm. Không chỉ có bà con các dân tộc như Mông, Dao, Nùng, Tày, Cờ Lao, mà ngay cả người Kinh ở đây cũng lập những nhóm nhỏ lên rừng tìm "thần dược".

Ông Ly Văn Kén ở thị trấn Cốc Pài đã vỡ bẫm vào năm ngoái khi ông cùng con cháu vào rừng và có ngày tìm được cả chục cân Ngọc cẩu. Ông bảo: "Trước nấm còn nhiều, mình lại biết chỗ nó mọc nên dễ kiếm. Giờ thì chắc hết rồi nên đi cả ngày đường rừng mà vẫn khó thấy".

Chúng tôi theo chân ông Kén vượt qua những ngọn núi cao ở xã Tả Nhìu và cả xã Nấm Dẩn vào đến tận bản Nấm Chanh, Nấm Trà nhưng tuyệt nhiên không phát hiện một cụm Ngọc cẩu nào. Ông Kén bảo, trước ở ven những con suối ở Nấm Dẩn gần khu vực bãi đá cổ thì có rất nhiều, nhưng do người dân đi khai thác triệt để nên giờ nấm không kịp mọc.

Những người dân ở Xín Mần cho biết, nấm Ngọc cẩu có nhiều nhất trên dãy Tây Côn Lĩnh. Nấm thường sinh sôi nhiều nhất vào tháng 10 và tháng 11 âm lịch hằng năm. Lúc này, Ngọc cẩu đã đủ tuổi, quả nấm và hoa nấm đã đủ tươi để thu hái. Nếu không nhanh chóng khai thác thì nấm sẽ chuyển sang màu đen và thối rữa.

Nấm Ngọc cẩu giống dương vật chó nên không sợ bị nhầm với bất cứ loài nấm nào khác có trong rừng. Chúng mọc theo cụm, mỗi cụm nấm đều có củ giống súp lơ. Có cụm nấm nặng tới 3kg và to như cái xoong. Cũng có cụm nấm chỉ bằng cái bát nhỏ trồi lên khỏi mặt đất.

Từ giữa tháng 6/2014 đến thời điểm hiện tại, rất nhiều người ở Hà Giang đã bỏ công bỏ việc chỉ đi tìm nấm. Từ cơn sốt "thần dược" Ngọc cẩu, nhiều người đã phát tài vì khai thác đúng "mỏ nấm" và bán cho đầu mối thu mua với giá cả triệu bạc một cân.

Xuyên rừng tìm Ngọc cẩu cường dương ảnh 1 Khi đỉnh điểm, Ngọc cẩu lên 3,5 triệu đồng/kg. 

Thần dược nên giá phải cao

Không tin vào mức giá 3,5 triệu đồng/kg nấm Ngọc cẩu, chúng tôi xuôi xuống thị trấn Bắc Quang gặp những người thu mua ở ven đường gần trụ sở UBND huyện. Chị Ly Thị Lưu đi xe máy từ Cốc Pài xuống chở theo một thùng xốp Ngọc cẩu đứng chờ xe gửi hàng xuống Hà Nội.

Chị Lưu khẳng định: "Thời điểm tháng 10/2014 thì đúng là bọn em bán với giá 3,5 triệu đồng/kg. Rồi giá Ngọc cẩu giảm xuống còn 2 triệu đồng, 1 triệu đồng và đến bây giờ là 500.000đ/kg. Em mới thu mua được chục cân và gửi xuống cho một nhà thuốc dưới Hà Nội".

Chúng tôi chuyển sang một mối hàng thu mua Ngọc cẩu khác. Khi ngỏ ý muốn mua vài cân về ngâm rượu thì được chủ hàng cho biết 500.000đ/kg. Mua thì đặt tiền cân hàng, không mua thì thôi, không lằng nhằng. Người mua không được phép chọn hàng tươi hay không tươi, đó là quyền của người bán.

Chúng tôi cật vấn anh này thì anh trả lời: "Thần dược nên phải giá cao. Bây giờ muốn mua cũng khó chứ đừng kêu ca giá cao giá thấp. Tết sắp đến rồi, người ta ầu ầu đi mua Ngọc cẩu về biếu sếp nên hàng hiếm lắm. Không tin lên các bản hỏi xem có ai tìm được nữa không?".

Theo tiết lộ của anh bạn ở Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Quang, ở Hà Giang đã có nhiều người phát tài nhờ Ngọc cẩu. Thời điểm giá cao, họ vào rừng hái được và thu lời cả chục triệu đồng sau mỗi chuyến đi. Bây giờ Ngọc cẩu đã hết mùa, cũng đã bị triệt phần rễ nên các đầu nậu thu mua cũng không lấy đâu ra hàng để bán. 

Xuyên rừng tìm Ngọc cẩu cường dương ảnh 2 Nhiều gia đình bỏ nương vào rừng tìm nấm. 

Có nấm đực và nấm cái

Ở Hoàng Su Phì chúng tôi bắt gặp lương y Lều Đức Minh lặn lội từ Ba Vì (Hà Nội) lên mua nấm Ngọc cẩu. Ông Minh bảo: "Có nhiều khách hàng ở Hà Nội lên Ba Vì đặt mua vị thuốc này để tăng cường sinh lý nhưng ở Ba Vì thì làm gì có. Tôi phải lên đây để tìm mua và phối với các vị thuốc khác theo đơn đặt hàng".

Ông Minh cho biết, Ngọc cẩu có hai loại, nấm đực và nấm cái. Nếu ai không tinh chỉ chọn ngâm rượu bằng nấm đực thì coi như vứt. Phải mua đủ 2 loại đực - cái để phối với nhau thì mới có tác dụng.

Theo quan sát của chúng tôi, Ngọc cẩu đực và cái khá giống nhau, đó là có hình "của quý" loài chó. Nhưng nấm đực thì trơn, đỏ tươi và không có màng. Còn Ngọc cẩu cái lại có hoa màu trắng lấm chấm xung quanh củ nấm. Tuy nhiên, hầu hết các nơi bán nấm Ngọc cẩu chỉ toàn nấm đực, rất ít nấm cái.

Theo lương y Lều Đức Minh, thực chất tác dụng Ngọc cẩu cũng không phải là bịa đặt. Ngọc cẩu đực có tác dụng mạnh cho nam, Ngọc cẩu cái có tác dụng giúp nữ giới hồi xuân, tăng nội tiết tố. Hai loại nấm này khi được phối hợp với các loại dược liệu khác sẽ tạo ra bài thuốc tự nhiên khá hữu hiệu mà Đông y đã ghi chép.

Nguy cơ tuyệt chủng

Một trong những khu rừng nổi tiếng với nhiều dược liệu là khu bảo tồn rừng đặc dụng Phong Quang khu vực xã Minh Tân (Vị Xuyên). Từ bìa rừng, chúng tôi được Thượng úy Hoàng Tô Long, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Minh Tân dẫn lên rừng tìm hiểu.

Tuy nhiên, đi gần nửa ngày đường, vượt qua cả trăm con dốc, hàng chục con suối vắt ngang núi đá cũng không ai trong nhóm tìm được hình dáng của nấm Ngọc cẩu. Nhiều người bảo, Ngọc cẩu đã đến lúc tuyệt chủng.

Cụ Phàn Văn Tích ở Minh Tân cho biết, Ngọc cẩu trong rừng Phong Quang thì không thiếu. Nhưng không hiểu sao người ta bất chợt lại thích thú loài nấm này đến thế. Con cháu cụ vừa rồi cũng lên rừng tìm nấm, có hôm chúng mang về nửa bao Ngọc cẩu.

Thượng úy Long cho hay, người dân địa phương với tập tục khai thác dược liệu trong rừng để mưu sinh. Phong trào đi tìm Ngọc cẩu có ở địa phương từ giữa năm ngoái nhưng ít ai biết là nó có giá cao như thế. Đến bây giờ khi giá đã hạ xuống thì Ngọc cẩu gần như không còn nữa.

Đề cập đến vấn đề trong việc cấm bà con vào rừng khai thác dược liệu, ông Hoàng Văn Hiệp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Xín Mần cho biết: "Thực sự là rất khó. Tập tục bà con dựa vào rừng để sinh sống đã có từ lâu. Mình cấm người ta vào rừng chặt gỗ thì được, chứ cấm người ta khai thác dược liệu thì không ổn".

Theo Trần Hòa

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Kiến Thức
MỚI - NÓNG