Y Ngăng dẫn nước về buôn

Nước suối chảy về nhà Y Ngăng. Ảnh: TH
Nước suối chảy về nhà Y Ngăng. Ảnh: TH
TP - Chứng kiến cảnh cây trồng héo trụi vì  khô khát, dân làng ngày hai buổi sáng tối trèo đồi hơn 2km cõng nước về dùng, anh  Y Ngăng Byắ (SN 1974) ở huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã bán bò, vay tiền mua ống dẫn nước về làng.

Hay tin ở buôn Kiều, xã Yang Mao- xã vùng sâu, xa nhất của huyện Krông Bông có anh nông dân người M’nông tốt bụng bỏ tiền dẫn nước từ đỉnh núi về cho dân xài miễn phí, phóng viên tò mò cưỡi xe máy 100km từ thành phố Buôn Ma Thuột đến tận nơi để tận mắt thấy. Thì ra nhà ông “thần nước của buôn” cũng chỉ làm bằng gỗ đơn sơ, nằm ven huyện lộ.

Nghe tôi hỏi vì sao nảy ra sáng kiến, anh Y Ngăng bẽn lẽn cười, kể: Trước đây, gia đình anh cũng thuộc hộ nghèo. Nguồn sống của hai vợ chồng và ba đứa con chỉ có vài sào lúa hứng nước trời. Thương vợ con đói khổ, anh quyết khai hoang trồng cà phê nuôi mộng làm giàu. Cái khó là nước tưới đâu ra? Bởi xưa nay, người M’nông buôn Kiều chỉ sống dựa vào nguồn suối Knil nằm tít trên đỉnh núi, cách buôn gần 2km. Sáng sớm chị em trèo đồi bám núi gùi nước. Chiều đến họ cũng vai mang, tay xách nước về. Nước sinh hoạt đã khó huống gì nước tưới, vụ mùa trong buôn phụ thuộc hoàn toàn vào ý trời.

Y Ngăng ngày đêm suy nghĩ. Ý tưởng lắp ống dẫn nước nhanh chóng bị “dội ngay cú nước lạnh”: dân làng bảo anh điên rồ. Nhưng Y Ngăng vẫn quyết làm. Tháng 6/2008, anh bàn với vợ bán đứt con bò, tài sản có giá trị nhất trong gia đình được 4 triệu đồng, vay thêm bên ngoài tổng cộng 18 triệu đồng mua 38 cuộn dây. “Thấy mình mua ống về làm thật, dân làng tò mò đến xem. Mình thuyết phục mãi họ mới xắn tay vào làm. Suốt ba ngày, hơn 20 thanh niên khỏe mạnh hì hục đào hầm đặt ống. Trời không phụ công người, dòng nước trong veo từ nguồn chảy về, cả buôn reo hò mừng quýnh”- Y Ngăng kể.

Ông Ama Đinh, người góp công lắp đặt, kể: Lúc đặt ống, tôi cứ lăn tăn hỏi: Nước có thể chảy từ trên đỉnh núi bên xuống, nhưng làm sao chảy ngược lên đồi vào nhà mình được ? Y Ngăng bảo được! Tôi vẫn không tin. Y Ngăng liền lấy ống thổi lửa làm bằng tre rỗng hai đầu cho vào thau nước rồi lý giải do lực tác động đẩy nước. Tôi không hiểu mấy nhưng thấy nước trong ống dâng cao hơn so với mặt nước trong thau nên tạm tin. Lắp xong nước chảy về thật, đúng là cái đầu Y Ngăng quá giỏi! ”.

Amí Hoan phấn khởi cho biết: Nhờ nước nhà Y Ngăng, hơn 7 năm nay mới thoát được cảnh tối ngày trèo non vất vả cõng nước. Giờ mình chỉ lấy đủ nước nấu nướng, còn tắm giặt thì kéo chồng, con cháu sang đây cho tiện.

Năm 2011, Y Ngăng láng nền xi măng, xin ống cống bê tông của một đơn vị làm đường qua buôn gắn thành bể chứa cho bà con lấy nước dễ dàng. Hỏi chuyện tiền nong, chị H’Jông Ksơr (vợ anh Y Ngăng) lắc đầu: Ai cũng nghèo, mình lấy về dùng, tiện thể cho họ dùng luôn. Chỉ cần bà con có ý thức giữ gìn vệ sinh, đảm bảo nguồn nước trong sạch”.

 Từ ngày dòng nước từ suối Knil chảy về, buôn Kiều như khởi sắc hẳn. Hai bên triền đồi bạt ngàn cà phê, những vạt lúa dưới đồi xanh tươi mơn mởn, vụ mùa bội thu, dân bản thoát cảnh “lạy trời ban mưa”.

MỚI - NÓNG