Yêu cầu chấn chỉnh những tồn tại trong công tác tiếp dân

TPO - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ, Luật tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, chấn chỉnh những tồn tại và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân.

Theo đó, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải đề cao trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; lấy hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác.

Các Bộ, ngành, địa phương cần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân. Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị  phải lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định của Luật tiếp công dân tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

Thực hiện đầy đủ lịch tiếp công dân định kỳ; tăng cường tiếp dân, đối thoại với dân tại nơi xảy ra vụ việc để giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của dân ngay từ khi mới phát sinh, không để diễn biến  thành “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Cán bộ tiếp công dân phải lắng nghe, tôn trọng dân, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo xảy ra trên địa bàn, giải quyết kịp thời các vụ việc thuộc thẩm quyền; tiếp tục kiểm tra rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài để có biện pháp giải quyết dứt điểm, ổn định tình hình chính trị - xã hội ở địa phương. Trong quá trình giải quyết phải tổ chức đối thoại công khai, mời Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể chính trị - xã hội và Luật sư tham gia.

Trước đó, thực hiện lịch tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh vừa tiếp công dân Trần Quốc Quang ở địa chỉ số 16 - 18, đường Trần Quốc Hoàn, phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh khiếu nại về đất tại Hà Nội. ​

Theo đó, ông Trần Quốc Quang tố cáo Văn phòng Công chứng A9 tại 62 Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội làm sai việc công chứng hợp đồng mua, bán, cho, tặng tài sản liên quan đến mảnh đất của bố mẹ ông tại xóm 6, thôn Hoè Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm), Hà Nội.

Ông Quang tố cáo Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư chậm giải quyết và giải quyết không dứt điểm vụ việc, vi phạm Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại; để cho gia đình ông Trần Duy Thắng xây dựng nhà không có giấy phép.

Ông Quang cũng khiếu nại việc UBND Thành phố Hà Nội không chỉ đạo kiên quyết để Sở Tư pháp hủy bỏ 2 bản công chứng việc mua bán cho tặng tài sản giữa ông Trần Duy Các, bà Khuất Thị Tính với các ông Trần Duy Thắng và ông Lê Văn Tuấn có sai phạm mà Thanh tra Thành phố và cơ quan Cảnh sát điều tra của quận Hoàn Kiếm đã kiến nghị.

Việc không hủy bỏ giấy chứng nhận cấp sai cho ông Thắng và ông Tuấn làm thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của gia đình ông. Đây là vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài, chính quyền địa phương đã có nhiều văn bản trả lời nhưng vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm. 

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát lại quá trình giải quyết đơn tố cáo; báo cáo để Thanh tra Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ thành lập đoàn công tác xem xét đơn vụ việc của công dân.

UBND TP Hà Nội thu thập hồ sơ, tài liệu của Thanh tra TP Hà Nội, Sở Tư pháp, UBND quận Nam Từ Liêm, Phòng Công chứng để Thanh tra Chính phủ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sớm giải quyết trong tháng 10/2014.

MỚI - NÓNG