Tìm hiểu hệ thống phanh xe: Phanh đĩa

Tìm hiểu hệ thống phanh xe: Phanh đĩa
TPO – Phanh đĩa được sử dụng phổ biến hiện nay trên ô tô, xe máy và cả xe đạp cao cấp, với hiệu quả phanh tốt hơn so với phanh tang trống.

Phanh đĩa, hay thường gọi là phanh dầu, do sử dụng lực ép thủy lực, tác động lên các má phanh và ép chặt vào phần đĩa phanh. Cấu tạo của phanh đĩa phức tạp hơn, nhưng khép kín hơn, qua đó mang lại hiệu quả phanh cao hơn so với phanh tang trống.

Tìm hiểu về phanh đĩa

Phanh đĩa gồm một đĩa phanh được gắn lên trục quay của bánh xe và quay cùng với bánh xe. Đĩa phanh được đục thêm lỗ, hay xẻ rãnh để gia tăng khả năng tản nhiệt. Đĩa phanh thường được làm bằng vật liệu chịu lực rất tốt, bền bỉ, thường ít bị hư hỏng. Đĩa phanh sẽ bị cào xước bởi hệ thống kẹp phanh, nếu như má phanh đã mòn hết. Đĩa phanh cũng có thể bị cong vênh, nứt vỡ nếu chịu tác động của một lực lớn, như tai nạn xe cộ…

Hệ thống má phanh là một khối thống nhất, gồm 2 má phanh sẽ kẹp 2 bên mặt của đĩa phanh, và kẹp chặt lấy đĩa phanh khi sử dụng. Lợi thế của phanh đĩa so với phanh tang trống là, do tiếp xúc bằng mặt phẳng nên hiệu quả phanh sẽ tốt hơn rất nhiều so với tiếp xúc tròn như phanh tang trống. Hai má phanh cũng sẽ mòn đều nhau hơn, do bề mặt tiếp xúc phẳng.

Phanh đĩa sử dụng dầu để truyền lực lên má phanh. Dầu phanh đĩa thường là loại chuyên dụng, có ghi tên trên nắp cốc dầu phanh.

Các bệnh và bảo dưỡng

Bệnh thông thường gặp nhất của phanh đĩa là dính bụi và nước bẩn. Những dị vật xuất hiện trên má phanh và đĩa phanh sẽ khiến mặt tiếp xúc của phanh không còn bằng phẳng nữa, qua đó mài mòn má phanh rất nhanh. Những dị vật cứng, sắc bằng kim loại thậm chí còn mài mòn đĩa phanh, khiến đĩa phanh có những vệt lõm hình tròn, làm giảm khả năng phanh của hệ thống. Nên chú ý lau rửa đĩa phanh, má phanh khi có điều kiện, hoặc sau khi đi trời mưa, bùn lầy, đi đường xa bụi bẩn.

Nhiều trường hợp, khi dắt xe mà chưa sử dụng phanh, đã thấy xuất hiện tiếng kêu loẹt xoẹt rất khó chịu của phanh đĩa. Trường hợp hay gặp phải nhất là do có quá nhiều bụi bẩn trên bề mặt đĩa phanh, má phanh và trong củ phanh. Hãy xịt nước thật mạnh để bụi bẩn thoát ra ngoài, hoặc tháo cả củ phanh ra lau rửa.

Có thể do đĩa phanh bị cong, dẫn tới cọ vào má phanh tại một số điểm tiếp xúc. Trường hợp này phải thay đĩa phanh mới, vì đĩa phanh không thể nắn lại được nếu đã cong vênh, việc tác động lực nắn có thể khiến đĩa phanh bị gẫy vỡ do cấu tạo khá giòn, cứng.

Cũng có thể do phanh đĩa lâu ngày không bảo dưỡng, dẫn tới kẹt piston làm bó má phanh. Hiện tượng này cần mang ra cửa hàng sửa xe để kiểm tra, có thể phải thay cả củ phanh nếu thợ sửa xe không khắc phục được lỗi do hệ thống phanh bên trong đã hư hại lớn.

Thông thưởng má phanh đĩa sẽ mòn khi xe chạy khoảng 10000 km. Thời gian mòn má phanh có thể đến sớm hơn do sử dụng nhiều, hoặc do di chuyển trên đường nhiều bụi bẩn. Có thể nhìn được vào khe hở để kiểm tra má phanh đĩa, hoặc chạy được khoảng 7000 km bạn mang xe ra thợ để kiểm tra. Có thể dán má phanh với giá rẻ hơn, nhưng chất lượng không tốt bằng thay má phanh mới. Giá cả cho việc thay má phanh mới sẽ khoảng từ 100.000 đồng trở lên tùy chất lượng. Như đã nói, việc thay má phanh rất cần thiết, bởi khi má phanh mòn, phần kim loại của má phanh sẽ làm xước đĩa phanh, đồng thời phanh đĩa không còn có hiệu quả nữa.

Dầu phanh sẽ hao hụt hoặc giảm chất lượng sau khoảng 20000 km. Bạn nên thay toàn bộ dầu phanh thay vì bù thêm dầu phanh cho đủ lượng. Thợ sửa xe sẽ kiểm tra loại dầu bạn cần thay và xả toàn bộ dầu cũ, vệ sinh sạch sẽ sau đó đưa dầu phanh mới vào khay dầu. Nếu không có cửa hàng sửa xe quen, bạn nên mang xe vào hãng để đảm bảo chất lượng và đúng loại dầu phanh. Đồng hồ đo lượng dầu sẽ giúp bạn biết được lúc nào cần thay dầu, hoặc lượng dầu thay mới đã đủ chưa.

Phanh đĩa loại đục lỗ và phanh đĩa loại đặc
Phanh đĩa loại đục lỗ và phanh đĩa loại đặc.

Cách sử dụng phanh đĩa

Phanh đĩa ăn hơn và có hiệu quả hơn phanh tang trống rất nhiều, vì vậy không thể sử dụng phanh đĩa theo kiểu bóp chết như phanh tang trống. Tác động mặt phẳng khiến nếu bạn bóp chết phanh đĩa, bánh xe sẽ bị khóa cứng và chiếc xe sẽ trượt bánh, mất lái, rất nguy hiểm. Việc bóp chết phanh rất thường hay xảy ra ở chị em phụ nữ, ở những trường hợp khẩn cấp chị em thường không có phản ứng nào khác ngoài phải xạ bóp cứng tay phanh, khiến chiếc xe dễ dàng mất lái và đổ xe.

Nên bóp phanh đĩa nhẹ và nhả ra ngay, khi cảm thấy xe bắt đầu giảm tốc thì bóp nhẹ tiếp và tiếp tục bóp nhả khi xe dừng hẳn.

Phanh đĩa ăn hơn nhưng không có nghĩa là an toàn hơn, luôn chú ý sử dụng phanh đĩa sao cho hợp lý, nhất là trong điều kiện đường mưa, trơn trượt hay khi vào cua, để tránh những tai nạn đáng tiếc.

Những chiếc xe ga thông dụng thường có phanh tay bên trái kết hợp cả phanh trước và phanh sau, mang lại sử an toàn cao hơn. Nên sử dụng phanh bên trái thường xuyên để đảm bảo an toàn.

Những chiếc xe thể thao lại sử dụng cả phanh đĩa phía trước và phía sau. Người đi xe thể thao loại này thường có kinh nghiệm và kĩ năng lái xe cũng như phanh xe tốt, những người mới tập nên chú ý kĩ năng phanh xe bóp – nhả để đảm bảo an toàn.

Trên ô tô, những chiếc xe sử dụng phanh đĩa 4 bánh đều được kết hợp với công nghệ chống bó cứng phanh ABS, tự động bóp nhả nhiều lần trong 1 giây nên đảm bảo an toàn.

Nhìn chung, phanh đĩa ăn hơn và hiệu quả hơn, nếu biết cách sử dụng sẽ an toàn hơn so với phanh tang trống. Nhưng sự kết hợp phanh đĩa phía trước và phanh tang trống phía sau sẽ là hợp lý với những chiếc xe máy thông dụng như ở Việt Nam.

Theo Viết
MỚI - NÓNG