Chơi màu Tây Ban Nha trên lụa Việt

Chơi màu Tây Ban Nha trên lụa Việt
TP - Vợ chồng Laura Fontan và Diego Cortizas bước vào làng thời trang Việt Nam, với niềm say mê cực độ chất liệu thuần Việt và hi vọng mỗi bộ trang phục là một câu chuyện.

Lụa, tafta pha màu Tây Ban Nha

Cái tên Chula gây chú ý vài năm nay, khi các bộ sưu tập đầy màu sắc của vợ chồng anh Diego xuất hiện ở nhiều chương trình thời trang lớn, nhỏ. Gần nhất và lớn nhất, tại Tuần lễ thời trang Xuân hè 2012, Diego và Laura một lần nữa khẳng định sự độc và lạ của thương hiệu thời trang nghe ngồ ngộ- Chula (tiếng Tây Ban Nha nghĩa là Đẹp).

Lụa, tafta, organza là chất liệu ưa thích của hai nhà thiết kế người Tây Ban Nha này. Chân ướt chân ráo, lại chọn chất liệu truyền thống Việt Nam, Diego bảo anh chị gặp khó khăn hơn so với đồng nghiệp bản xứ.

Bây giờ, Diego và Laura tự tin vì quen với thuộc tính từng loại lụa, tafta hay organza. Điều làm Diego thích thú là dù cùng là gam màu, nhưng chất liệu có ánh, độ chênh màu khác nhau: Sự kết hợp các sắc màu tạo tương phản độc đáo. Còn Laura nghĩ, lụa trên sân khấu vô cùng trang nhã, mặc trong đời thường vẫn đẹp rạng ngời.

Màu sắc là thế mạnh của Chula. Các mẫu thiết kế mang đậm âm hưởng của những màu nóng đặc trưng của Tây Ban Nha, Brazil, Mexico. Tông sặc sỡ đi với nhau, hoặc nóng lạnh kết hợp tạo độ tương phản luôn được Diego khai thác triệt để. Mỗi màu sắc đều là ý tưởng của nhà thiết kế.

Diego và Laura đến Việt Nam vì tình yêu và lòng say mê thời trang
Diego và Laura đến Việt Nam vì tình yêu và lòng say mê thời trang.

Lấy ngay chiếc áo nền trắng, có đường uốn sóng biển Laura đang mặc, Diego giải thích về ý tưởng màu sắc trong thiết kế của anh: “Chiếc áo này lấy ý tưởng biển, những đường viền là gợn sóng, người chèo thuyền phải chọn màu phù hợp. Ba màu xanh khác nhau được lựa chọn làm miếng đáp họa tiết, bởi nếu chỉ một màu xanh, người ta dễ hiểu đó là hoa văn có sẵn”.

Triết lý thời trang

Diego bảo, nghề kiến trúc sư với những môn học như thiết kế đồ họa, điêu khắc, vẽ… cho anh kỹ năng khó ngờ khi anh bắt tay vào thiết kế. Nó giúp đường vẽ, hình khối trên sản phẩm Chula thực sự lạ.

Triết lý thời trang của Chula thế này: Thiết kế những trang phục độc đáo và thuần khiết, phát triển thế giới đồ họa của sắc màu, đường nét riêng biệt vượt ra khỏi những xu hướng đang thống trị trên các sàn diễn thời trang. Với Chula, mỗi thiết kế đều là riêng biệt vì sự giới hạn về số lượng sản phẩm.

Sự độc, lạ đánh vào tâm lý khách hàng. Cùng loại váy, nhưng miếng đáp khác nhau tùy theo sở thích và tính cách khách hàng, nên chẳng sản phẩm nào trùng nhau cả.

Quan niệm mỗi sản phẩm đều có câu chuyện ẩn đằng sau, Laura và Diego muốn trang phục và người mặc phải thuộc về nhau. Chẳng hạn, Nữ hoàng Tây Ban Nha Sophie mặc chiếc váy đen Chula, họa tiết ngọn hải đăng màu cam trong dịp Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu, cũng mang thông điệp hi vọng trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng.

Chula = Việt Nam

Laura bảo, bây giờ nói đến thương hiệu Chula là nói đến hãng thời trang Việt Nam: Công ty ở Việt Nam, sử dụng chất liệu Việt, hướng đến khách hàng Việt.

Sau 7 năm chọn Việt Nam làm điểm dừng, họ có 3 đứa trẻ xinh xắn: Con gái Carmen 6 tuổi, hai cậu em Pablo 5 tuổi và Yago 2 tuổi. Bố mẹ chúng tự hào: “Bọn trẻ nói tiếng Việt giỏi lắm”.

Vào năm 2004, vợ chồng anh chỉ định đến thăm anh trai đang sống, làm việc ở đây và dự đám cưới. Thế rồi họ yêu mến nơi đây và chọn ở lại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG