“40 năm đấu tranh cách mạng vẫn ga lăng như thường"

“40 năm đấu tranh cách mạng vẫn ga lăng như thường"
TP - Trọng phụ nữ là đức tính của Bác Hồ mà các ký giả quốc tế nhiều lần ca ngợi và chị em trong nước rất cảm phục.

...Giáo sư Phạm Huy Thông có kể lại câu chuyện xảy ra trong một cuộc họp báo tại Paris vào năm 1946:

“Cuộc họp báo khi vãn, nhân trên bàn có trang trí mấy bông hồng. Cụ Hồ đứng dậy lấy một bông hồng tặng chị Fran-xoa-de Corrife vì chị là nhà báo nữ. Tuần báo Regard đã đăng tấm hình Cụ Hồ tặng hoa nữ ký giả Pháp với lời chú thích hóm hỉnh: 40 năm đấu tranh cách mạng vẫn ga lăng như thường!".

Hơn 20 năm sau, khi nghe tin Hồ Chủ tịch qua đời, nữ nhà báo và nhà thơ Fran-xoa-de Corrife đã ôm một bó hoa hồng đến trước đại sứ quán Việt Nam tại Paris mà khóc!

Một phiên dịch người Đức, Iréan Mod, đã ghi trong cuốn nhật ký của mình viết năm 1968:

 “Cụ Hồ cùng Thủ tướng Grotehol đi chào mừng những người có mặt trong lễ đón tiếp ở sân bay. Đến chỗ quần chúng, Người càng vui. Bác chợt thấy một phụ nữ trên đầu đã có hai màu tóc. Người bước lại gần thân mật hỏi:

- Cô đấy à! Cô Rosa?

-Vâng, xin kính chào đồng chí Chủ tịch”!

Người phụ nữ ấy chính là đồng chí Rosa Michel, phóng viên báo L’humanité (Nhân đạo) ở Béclin (Đức), đã từng gặp Bác Hồ ở trụ sở đảng Xã hội Pháp trước năm 1920 và nhiều lần ở trụ sở Quốc tế Cộng sản.

Mùa hè năm 1968, Rosa Michel về Pháp nghỉ, nhưng vừa được tin Bác Hồ sang thăm Cộng hòa dân chủ Đức, đồng chí trở lại ngay vị trí chiến đấu của mình. Được Bác Hồ nhận ra mình, chị Rosa sung sướng nói với mọi người: “Bác Hồ có trí nhớ rất đặc biệt”.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ chắc cũng làm Bác Hồ cảm động nhiều. Dọc đường từ sân bay về thành phố, Người vẫn còn nhắc đến cô Rosa bé nhỏ ngày xưa.

Bác nói với tôi:

“Cô Rosa bé nhỏ thế ấy mà bây giờ đã có cháu kêu bằng bà rồi đấy. Tôi còn nhớ như in hình ảnh của cô Rosa tại một cuộc họp cách đây 33 năm, cô từ Paris đến, mặc chiếc áo lụa màu hồng óng ả, lúc cô lên diễn đàn, người ta chú ý đến cả dáng đi nhẹ nhàng của cô và có cảm tưởng như trước mặt mình là con bướm hồng, chứ không phải là một chiến sỹ! Nhưng rồi cô ấy đã nói và nói rất hay, ai cũng lắng nghe và đều cảm nhận ra rằng đó là tiếng nói của chiến sỹ thực sự”.

Rudolf Platzner, Đại sứ Cộng hòa dân chủ Đức, nhận xét:

“Những năm ấy Bác Hồ nhiều lần tổ chức chiếu phim trong Phủ Chủ tịch và cho mời Đại sứ các nước xã hội chủ nghĩa đến xem. Bác dặn chúng tôi mang cả vợ con đi. Một lần tôi không đưa vợ đi cùng, Bác hỏi bằng tiếng Đức: “Còn cô nàng của chú đâu?”-“Thưa Bác! Nhà cháu mệt”. Bác không tin bèn cho gọi xe đi đón ngay.

Quả thật Bác quý nhà tôi, cứ gặp đâu là cũng cho ngồi gần. Sau này đối với vợ chồng đồng chí Edouard Claodiut cũng vậy. Tôi được nghe kể rằng có lần chị Claođiut đau chân, bị bó bột, nhưng phải có mặt trong buổi đón tiếp nguyên thủ quốc gia.

Giữa đám đông người mà Bác vẫn nhận ra chị ấy bị đau chân, Bác liền nhấc ghế đến cho chị ngồi. Ai cũng cảm phục sự quan tâm hết sức chu đáo của một vị Chủ tịch nước”.

Bước vào thời kỳ lịch sử hiện đại, người đầu tiên trình bày trước thế giới nỗi khổ và nguyện vọng của phụ nữ Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc trong Bản án chế độ thực dân ở thuộc địa và trong diễn văn đọc tại Đại hội nông dân thế giới.

Nguyễn Ái Quốc cũng là người đầu tiên ở xứ này nêu lên khẩu hiệu nam nữ bình đẳng, nêu lên một tư tưởng chính trị cơ bản là nếu không có hàng triệu phụ nữ tham gia cách mạng thì cách mạng không thành công được.

Bác Hồ là vị lãnh tụ chủ trương rằng, trong mỗi cấp ủy, đoàn thể, trong mỗi Ủy ban nhân dân nhất định phải cố gắng đạt một tỷ lệ nữ nhất định. Dự các hội nghị lớn, Bác Hồ lần nào cũng hỏi: Hội nghị có bao nhiêu đại biểu nữ? Và Bác lúc nào cũng mời đại biểu nữ lên ngồi ở những hàng ghế trên.

Chị Hồ Thị Bi, kể lại: Đoàn đại biểu các anh hùng chiến sỹ thi đua miền Nam ra thăm miền Bắc, khi chụp ảnh, Bác bảo chị Hồ Thị Bi và cô Tạ Thị Kiều ngồi hai bên Bác, còn đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí cán bộ cao cấp khác ngồi hàng trước.

Nữ phóng viên báo Phụ nữ là Tuyết Thanh kể rằng: ở Hà Nội, Tết năm nào Bác Hồ cũng đến thăm cơ quan T.Ư Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trước và Bác ghét nhất những người đàn ông đánh vợ.

(*) Tựa do Tiền phong đặt, lược thuật theo cuốn Vĩ đại một con người của GS Trần Văn Giàu.

MỚI - NÓNG