Thật giả tình cảm giữa thư ký và sếp

Thật giả tình cảm giữa thư ký và sếp
Trong con mắt những cô gái trẻ, người đàn ông cấp trên có thể nhiều tuổi hơn những chàng trai thường đeo đuổi tán tỉnh họ nhưng ông ta lại có những ưu thế mà các chàng trai thường không có.

Theo nhật ký đàm thoại của một trung tâm tư vấn hôn nhân ở Hà Nội thì mối quan hệ yêu đương giữa sếp và nhân viên dưới quyền không phải là chuyện hiếm. Đặc biệt là mối quan hệ giữa sếp và nữ thư ký.

Nếu nhìn hiện tượng này một cách đơn giản, người ta dễ tin rằng ông sếp đó có "nhóm máu D" còn nữ thư ký thuộc loại lẳng lơ chẳng ra gì.

Nhưng các nhà tâm lý người Pháp cho rằng hiện tượng này có nguyên nhân của nó.

Khi thư ký chủ động

Nếu so sánh "tương quan lực lượng" giữa vợ và nữ thư ký có thể thấy cô nữ thư ký có nhiều ưu thế mà người vợ không có. Không phải chỉ vì cô ta đẹp hơn vợ, bởi vì ở những nước phát triển vợ sếp thường không phải đi làm nên họ có nhiều thời gian chăm sóc dung nhan hơn.

Ưu thế đáng kể nhất ở nữ thư ký là họ luôn đồng quan điểm với sếp trong khi các bà vợ thường chẳng mấy khi thống nhất với chồng.

Không những thế, nữ thư ký còn phải luôn "suy nghĩ bằng cái đầu của sếp", thậm chí sếp có thể giao cho thư ký viết thay mình, ông ta chỉ cần duyệt lại và ký.

Khi hai người đã tâm đầu ý hợp tới mức ấy lại làm việc cùng nhau mỗi ngày hàng chục giờ đồng hồ, nhiều hơn cả thời gian ông ta sống với vợ, lại biết rất rõ niềm vui, nỗi buồn của nhau thì sự nảy sinh tình cảm là điều không khó hiểu lắm.

Trong con mắt những cô gái trẻ, người đàn ông cấp trên có thể nhiều tuổi hơn những chàng trai thường đeo đuổi tán tỉnh họ nhưng ông ta lại có những ưu thế mà các chàng trai thường không có.

Đó là sự điềm đạm chín chắn và đầy năng lực của người đàn ông có quyền uy. Mà chúng ta biết rằng tình yêu của người con gái thường bắt đầu từ sự cảm phục.

Liên là cô gái 28 tuổi chưa chồng. Là một cô gái xinh đẹp, làm nhân viên văn phòng có không ít chàng trai đeo đuổi nhưng trong trái tim cô chỉ có mỗi hình ảnh sếp ngự trị, khiến cô từ chối tất cả các mối quan hệ khác.

Khi chuyên gia tâm lý giải thích rằng tình yêu phải có từ hai phía mới đem lại được hạnh phúc cho cả hai người thì Liên khẳng định sếp cũng có tình ý với cô. Hỏi cái gọi là "tình ý" ấy được biểu hiện như thế nào, cô đưa ra những bằng chứng rất vu vơ.

Chẳng hạn "hôm nay anh ấy nhìn em cười âu yếm và hỏi: "Em có khoẻ không?" một cách rất quan tâm". Hoặc sáng nay anh ấy đi qua phòng em tự nhiên rẽ vào hỏi mượn em cái bút để ký vào một văn bản, sau đó đưa trả em với một nụ cười đầy ngụ ý.

Cô gái yêu anh giám đốc đến nỗi hôm nào đến cơ quan không thấy xe anh đỗ ở sân là trong lòng cô đã cảm thấy buồn. Bất kể giấy tờ gì cần sếp ký, cô đều tranh lấy việc đưa lên phòng sếp để được gặp mặt trong phút chốc và nếu được sếp hỏi han, hay nói vài câu bông đùa thì cô vui suốt cả ngày.

Đó là chưa kể những cô gái có ý định "cưa sếp" với mục đích không trong sáng. Cho nên đứng trước những cám dỗ như thế không phải người đàn ông nào cũng chiến thắng được bản thân.

Và khi thư ký là "nạn nhân"

Tuy nhiên không ít trường hợp người chủ động tấn công lại là sếp. Theo một điều tra của Viện thăm dò dư luận Pháp, có tới hơn 20% phụ nữ làm công ăn lương, tức là nhiều triệu phụ nữ của quốc gia này thú nhận đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc.

Ở nước ta chưa có con số cụ thể nhưng chắc chắn nạn quấy rối tình dục nơi công sở cũng đang trở thành nỗi lo sợ thường trực của nhiều phụ nữ hơn là chúng ta tưởng.

Không chỉ những cô gái ngây thơ hoặc trình độ thấp mới dễ bị "bắt nạt", điểm lại những khách hàng gọi đến tư vấn có thể thấy độ tuổi trung bình của những phụ nữ bị quấy rối là 33.

Họ làm công ăn lương đàng hoàng, nhiều người đã có gia đình và được đào tạo chu đáo. Nhưng khi người lao động tìm kiếm công ăn việc làm càng khó thì các ông chủ càng thả sức tung hoành.

Tuy nhiên động cơ quấy rối không giống nhau. Có kẻ tự sủng, quấy rối để thể hiện sức mạnh của mình. Có kẻ sa đọa, quấy rối cho thoả mãn lòng ham muốn.

Nhưng dù thuộc loại nào, nói chung bọn họ thường chỉ giở trò tại nơi làm việc, nơi có điều kiện thể hiện uy quyền và chính mối quan hệ bất bình đẳng này kích thích họ. Họ hả hê khi thấy phụ nữ tức mà không dám phản kháng như khẳng định quyền uy của họ.

Nhiều khi chính những hành vi nhằm khuất phục nạn nhân đem lại khoái cảm cho họ mạnh hơn cả ham muốn tình dục.

Kh.27 tuổi làm phiên dịch của giám đốc K.51 tuổi đã có vợ và 2 con. Khi cô mới vào làm, ông chủ tỏ vẻ ân cần như bố với con, thăm hỏi mọi chuyện riêng tư, đôi lúc vuốt tóc, đứng áp sát người cô.

Cho đến một hôm, ông ta bảo cô ở lại làm thêm giờ, thực ra là để có cơ hội nói chuyện khoe khoang những thành tích chinh phục nữ trước đây, với "khả năng đàn ông hơn người" của mình.

Chị Nh. 33 tuổi làm nhân viên y tế trong một phòng khám tư nhân chủ là một bác sĩ 57 tuổi có vợ và 2 con đã lớn. Sáng sáng người vợ thường cùng chồng đi ăn sáng rồi lái ô tô đưa chồng đến chỗ làm, sau đó mới ra sàn nhảy.

Ông chủ hay tận tình hướng dẫn tay nghề cho Th. nhưng mỗi khi làm động tác thị phạm, ông ta lại lấy luôn cơ thể chị làm ví dụ và dừng tay hơi lâu ở những chỗ gợi cảm. Chị Th. luôn phải nói về chồng mình hay vợ ông ta để nhắc nhở nhưng ông ta chỉ cười.

Đối phó bằng cách nào?

Trong hầu hết trường hợp, người bị quấy rối thường bằng nhiều cách khác nhau biểu lộ thái độ không đồng tình nhưng kẻ quấy rối không quan tâm. Nếu nạn nhân cự tuyệt thẳng thừng, sếp thường tìm cách răn đe, còn nếu kiên quyết cự tuyệt đến cùng có thể bị đuổi việc.

Chính vì sợ mất việc ảnh hưởng đến cuộc sống, một số chị em đành nhượng bộ phần nào. Cũng có người bị khuất phục, thậm chí có người uất ức nghĩ đến thôi việc.

Ít người dám nói với chồng vì khó có người chồng thông cảm an ủi, trái lại phần lớn còn cho rằng: "Chắc cô phải thế nào lão ấy mới thế chứ!".

Cho nên theo các chuyên gia tâm lý, khi gặp những ông chủ "có nhóm máu D", trước hết chị em phải tự bảo vệ mình bằng cách cí những biện pháp "phòng thủ từ xa", luôn tạo ra một khoảng cách nhất định trong quan hệ.

Chẳng hạn không nhận lời mời đi ăn tối, ăn trưa không bao giờ đi xem phim, hát karaoke nếu chỉ có hai người.

Hãy giữ hết mọi lá thư tỏ tình hoặc gạ gẫm có bút tích của kẻ quấy rối. Từ chối các món quà đắt tiền hoặc nếu bị bắt buộc phải nhận thì giữ nguyên trong hộp và tuyệt đối không sử dụng.

Người bị quấy rối không phải nói ra cho ai ai cũng biết nhưng nên tâm sự với một vài bạn thân trong cơ quan, có thể nhờ đó mà biết được mình không phải là người đầu tiên bị quấy rối và có thêm đồng minh trong cuộc đấu tranh.

Theo Gia đình & Trẻ em

MỚI - NÓNG