Bản thân tuổi trẻ đã là một tố chất

Bản thân tuổi trẻ đã là một tố chất
Năm 2008, khi mới 26 tuổi, được hội đồng phản biện Trường Quốc gia cầu đường Pháp (ENPC) đánh giá xuất sắc luận án tiến sĩ nghiên cứu đặc tính của đất sét dùng để chứa chất thải hạt nhân trong lòng đất - Lê Trung Tĩnh đang là cái tên được nhiều người chú ý
Bản thân tuổi trẻ đã là một tố chất ảnh 1
Lê Trung Tĩnh

Lê Trung Tĩnh: Tôi đang là kỹ sư tại công ty SYSTRA, một trong những công ty thiết kế xây dựng hàng đầu thế giới. Công việc chủ yếu của tôi là tư vấn, thiết kế nền móng và phần ngầm cho các công trình giao thông như đường xe lửa cao tốc, tàu điện ngầm, cầu treo và dây văng.

Trong số các công trình tôi đang tham gia có dự án Métro ở Hà Nội, tàu điện cao tốc trên không tại Mecca (Saudi Arabia), cầu dây văng tại New Delhi (Ấn Độ)…

Học là để thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu

Nếu được nói điểm đặc biệt nhất ở bản thân mình, thì điều đó là...?

Điểm nổi bật nhất của bản thân? Thật khó. Thật tình tôi tự thấy không có điểm gì quá nổi bật. Nếu có thì có thể đó là khả năng hòa đồng và hội nhập trong mọi môi trường và cộng đồng. Tôi thích nói chuyện, trao đổi ý kiến, tâm tình với tất cả những người quanh mình.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa tôi và các bạn cùng lứa có lẽ ở chỗ tuy là dân kỹ thuật nhưng tôi rất để ý đến các vấn đề từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội. Tôi quan tâm đến các kiến thức liên ngành và không bao giờ nghĩ mình sẽ bó hẹp cuộc sống trong một lĩnh vực duy nhất.

Một "bí kíp" học tốt của anh thời đó là gì?

Chẳng có gì cao siêu: học thật chắc các kiến thức cơ bản, tập trung, và luôn nghĩ đến việc tự làm mới mình.

26 tuổi đã là tiến sĩ, xem ra mọi thứ đến với anh có vẻ trơn tru?

Vâng, tôi có rất nhiều may mắn so với nhiều bạn và những người đi trước.

Tôi may mắn học được rất nhiều từ gia đình, ba mẹ tôi luôn xem việc học là cách để thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu. Tôi nghe kể rằng những năm khó khăn, khi có chính sách kinh tế mới đưa người về nông thôn, ba mẹ tôi luôn bảo phải cố bám lấy nơi có ánh đèn điện để tôi và các anh tôi được đi học. (Anh của Lê Trung Tĩnh cũng là một tiến sĩ trẻ - PV). Tôi cũng luôn có những người thầy và người bạn tuyệt vời.

Một sinh viên nghèo ở tận Sóc Trăng đến một tiến sĩ của trường hạng nhất ở Pháp về ngành xây dựng. Con đường này diễn ra như thế nào?

Tôi học xong đại học, có học bổng đi Pháp học thạc sĩ, sau đó có học bổng làm tiến sĩ. Năm học thạc sĩ ở Pháp rất căng do kiến thức mới so với những gì học đại học ở Việt Nam, tôi và những người cùng học nghĩ nếu tiếp tục thêm một năm như thế thì tụi tôi sẽ điên.

Những năm làm tiến sĩ, nhất là năm đầu, cũng có nhiều khó khăn do mình chưa quen với môi trường nghiên cứu. Thời gian này nghĩ lại tôi mới thấy khi học đại học ở Việt Nam, sinh viên bị mất thời giờ nhiều vào các môn học không thiết thực trong việc áp dụng vào thực tiễn. Trong khi đó tôi lại không được trang bị các khả năng như tư duy độc lập và phản biện cần thiết để giải quyết một vấn đề thực tế. Điều này làm tôi mất khá nhiều thời gian trong quãng thời gian đầu làm tiến sĩ.

Tuy nhiên, tôi nghĩ khi đã học đại học rồi thì một thanh niên cũng đã khá trưởng thành và đã xác định được mục tiêu cuộc đời của mình. Khó khăn nhất đối với tôi là những năm cấp hai, cấp ba, khi tôi bắt đầu hành trình khám phá bản thân mình và đưa nó vào thế giới xung quanh. Thời gian này tôi đọc rất nhiều sách, sách giúp tôi rất nhiều trong hai việc trên.

Theo anh, điều gì là khó nhất trên đời đối với một người trẻ?

Tôi không phải là triết gia, tôi cũng không dám tự nhận mình đủ trải nghiệm để có thể có những nhận xét tổng quát như vậy về tuổi trẻ. Tuy nhiên, nếu có thể nói, tôi xin mượn đại ý của ông Phạm Công Thiện, khi 30 tuổi, nhận xét về chính mình: "tôi không ngờ lúc 18 - 19 tuổi tôi lại thông minh dễ thương như vậy … ". Theo tôi thì không gì quá khó đối với người trẻ, vấn đề là họ thấy được điều đó thôi.

Và tố chất nào để chinh phục điều đó?

Bản thân tuổi trẻ đã là một siêu tố chất rồi.

Ở thời điểm này, ước lớn nhất của anh (muốn hiện thực hóa nó) là điều gì?

Tôi mong ước một đất nước Việt Nam giàu có, mạnh mẽ, mỗi người dân đều cảm thấy thoải mái, tự do, an toàn và hạnh phúc. Tôi hy vọng sẽ góp một phần nhỏ vào việc thực hiện mơ ước này.

Ngoài thời gian dành cho công việc, anh còn tham gia các hoạt động nào khác ?

Ngoài công việc chuyên môn, tôi tham gia điều hành một số hội nhóm ở Pháp, ví dụ như hội GCMM (viết tắt từ tiếng Pháp : Xây dựng cơ học  và vật liệu). Mục tiêu của hội là giao lưu, trao đổi kiến thức thông qua các buổi hội thảo và góp phần truyền tải tri thức trong ngành về Việt Nam thông qua việc góp ý, phản biện các dự án tại Việt Nam.

Tôi cũng là thành viên của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông (http://www.seasfoundation.org/). Mục đích của Quỹ là nâng cao và quảng bá kiến thức cũng như khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu về tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông, chuẩn bị các chứng cứ lịch sử và pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp và vận động sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam.

Tôi cảm thấy viết cũng là một hình thức trao đổi và học hỏi, viết về một vấn đề đòi hỏi phải đọc nhiều và rèn luyện khả năng trình bày dễ hiểu và chặt chẽ. Tôi rất thích đọc các bài của các bạn trẻ nói lên ý kiến của mình. Ước gì ngày càng có nhiều bài viết như vậy.

Phải chăng một người trẻ muốn có tư cách của một trí thức, thì những việc như anh làm là bình thường?

Tôi thấy trong vấn đề này trách nhiệm đang được đặt trên đôi vai thanh niên. Tuổi trẻ Việt Nam không thể phó thác cho ai cả vì Chính phủ Việt Nam không là ai khác mà chính là bạn, là anh, là chị trong tương lai.

Thật ra thanh niên Việt Nam có thể làm được nhiều trong vấn đề này vì chúng ta có một sức mạnh tuyệt đối: lẽ phải. Sức mạnh này chỉ có tác dụng nếu : [1] ta biết đến nó (tức phải nghiên cứu: tìm, nghe, đọc, hiểu…), [2] ta phải dùng nó một cách khôn ngoan (tức phải đấu tranh: viết, nói... một cách hòa bình).

Hơn bao giờ hết, thanh niên Việt Nam cần đoàn kết lại để cất cao tiếng nói đòi hỏi sự công bằng, bảo vệ chủ quyền đất nước một cách duy lý và khôn ngoan. Nếu chúng ta im lặng, ai sẽ đứng ra bảo vệ công lý cho Việt Nam? Mà mọi sự im lặng thì thật là đáng sợ.

Bài toán chất thải hạt nhân

Luận án tiến sĩ của anh tại Trường Quốc gia cầu đường Pháp (ENPC) nghiên cứu đặc tính của đất sét dùng để chứa chất thải hạt nhân trong lòng đất. Anh có thể giới thiệu qua về đề tài này?Tại sao anh chọn nó để nghiên cứu?

Luận án tiến sĩ của tôi nghiên cứu đặc tính cơ-thủy - nhiệt học của đất sét dùng làm lớp cách tự nhiên trong các đường hầm chứa chất thải hạt nhân dưới lòng đất. Đây là dự án nghiên cứu hợp tác giữa Pháp và Bỉ. Hiện nay các nước này đã và đang đào các đường hầm ở rất sâu, từ 250 đến 500 m để chứa chất thải hạt nhân. Đề tài chứa chất thải hạt nhân dưới lòng đất đang là tiêu điểm nghiên cứu của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu.

Tôi chọn đề tài vì thấy nó hay, có vẻ thực tiễn liên quan phần nào đến nhu cầu sắp tới ở Việt Nam, và ENPC cũng là trường tốt.

Anh nghĩ thế nào về năng lượng hạt nhân và việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử?

Năng lượng hạt nhân vẫn là nguồn năng lượng tương đối "sạch" so với các nguồn có thể khai thác khác hiện giờ. Song song với việc giải quyết vấn đề năng lượng, việc tiếp cận với nguồn điện hạt nhân cũng thúc đẩy các ngành khoa học mũi nhọn khác như khoa học vật liệu, điều khiển học phát triển. Để đáp ứng yêu cầu an toàn khắt khe của điện hạt nhân, việc quản lý nhân sự và tổ chức công việc cũng sẽ được cải tiến, minh bạch và cụ thể trách nhiệm hơn. Đó là những điều tốt cần thiết cho Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là một dự án lớn và quan trọng về nhiều mặt nên chúng ta cần xem xét thật kỹ nhiều yếu tố. Ví dụ, việc tính toán lợi ích kinh tế của điện hạt nhân không chỉ dựa vào chi phí xây dựng và vận hành nhà máy mà còn phải kể đến chi phí xử lý chất thải, trả lãi suất vay tiền từ nước ngoài để đầu tư, và chi phí tháo dỡ nhà máy,… Tất cả các khâu trước, trong và sau dự án đều phải công khai, minh bạch, rõ ràng trách nhiệm.

Nhưng điều làm nhiều người quan tâm là giải quyết chất thải từ các nhà máy này như thế nào?

Chất thải luôn là vấn đề đau đầu trong phát triển điện hạt nhân.

Chất thải hạt nhân quan trọng nhất là các thanh nhiên liệu. Sau khi tháo dỡ khỏi lò phản ứng, các thanh này thường được ngâm trong bể nước cạnh lò để làm nguội, tiếp đến được lưu giữ trong các kho có vỏ bảo vệ từ 25 đến 50 năm. Sau đó, các thanh sẽ được chuyển đi tái chế hoặc chôn cất lâu dài dưới lòng đất.

Việc lưu giữ lâu dài chất thải hạt nhân dưới lòng đất không phải là chuyện dễ và có thể làm một sớm một chiều. Bỉ đã bắt đầu nghiên cứu đề tài này từ hơn 30 năm nay mà hiện giờ chỉ mới đang ở giai đoạn thử nghiệm. Do đó, tôi nghĩ Việt Nam cũng nên đặt vấn đề tư vấn xử lý chất thải với đối tác tương lai sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Có khá nhiều nước xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tuy nhiên không phải nước nào cũng có kinh nghiệm về việc này. Trung Quốc và một số nước Đông Âu là những nước như vậy.

Ở thời điểm này, xét với những điều kiện của VN, nếu được tư vấn cho Thủ tướng về chuyện này, với tư cách là một chuyên gia, anh sẽ nói điều gì?

Hiện có rất nhiều người Việt là chuyên gia trong lĩnh vực điện hạt nhân trên thế giới. Nếu được, tôi đề  nghị hãy tập hợp và lắng nghe họ trong một tiểu ban cố vấn trực tiếp cho Thủ tướng. Tùy theo chuyên môn của từng người mà phân đoạn nội dung tư vấn thích hợp. Những người này hiện là vốn quý của Việt Nam trên toàn thế giới, tập hợp họ lại không phải dễ. Tuy nhiên, nếu việc này được tiến hành trên tinh thần thực sự cầu thị, hợp tác, không phân biệt, vì đất nước, tôi nghĩ sẽ ít người từ chối.

Lựa chọn đối tác để xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một việc cực kỳ hệ trọng. Ra quyết định nên lựa chọn dựa trên các tiêu chí khoa học, an toàn, và kinh tế chứ không bị các yếu tố khác chi phối. Quy trình lựa chọn nên công khai, minh bạch và rõ ràng cho người dân được biết. Vì dù được ai thực hiện, thì đây là dự án mà chính người Việt và con cháu chúng ta phải trả tiền, cũng chính chúng ta là người hưởng lợi nếu dự án thành công hoặc gánh chịu hậu quả khôn lường nếu ngược lại.

Xin cảm ơn anh!

Theo Sinh viên Việt Nam

MỚI - NÓNG