Cậu học sinh "tấn công'' vào thế giới di động

Cậu học sinh "tấn công'' vào thế giới di động
Một học sinh lớp 11 đã hoàn thiện phần mềm "Hệ thống tra cứu bản đồ Đà Nẵng trên ĐTDĐ" thu hút được sự chú ý lớn của giới chuyên môn tại cuộc thi "Phần mềm sáng tạo hướng tới tương lai".
Cậu học sinh "tấn công'' vào thế giới di động ảnh 1
Trao giải tổng kết Hội thi Tin học trẻ không chuyên

Đó là em Nguyễn An Khương, học sinh lớp 11A3, trường PTTH Lê Quý Đôn, thành phố Đà Nẵng.

Nếu như hầu hết các thí sinh tham gia phần thi này - nằm trong khuôn khổ Hội thi Tin học trẻ không chuyên - đều tập trung vào việc thiết kế một trang web với nội dung phục vụ kiến thức học tập trong nhà trường, thì An Khương đi theo một hướng khác.

Ý tưởng của cậu hướng đến đối tượng phục vụ là những du khách đang tập trung ngày càng nhiều ở thành phố Đà Nẵng. Phần mềm tiện ích này sẽ giúp họ tiết kiệm chi phí du lịch, đồng thời dễ dàng tìm được những địa điểm cần thiết trên bản đồ.

Ông Hồ Sĩ Đàm, Phó Trưởng ban thường trực Hội đồng Giám khảo nói: "Thực ra, ý tưởng tra cứu bản đồ không phải là mới. Tuy nhiên, với mức độ của một học sinh xuất phát từ chỗ phục vụ cho chính thành phố quê hương, tức là mang cái yếu tố xã hội, có ý thức phục vụ quê hương, thành phố của mình...

Bản đồ này cho đến bây giờ, tôi nghĩ rằng có thể ở mức nào đó đã phục vụ được khách du lịch, có thể tìm đường đi trong thành phố một cách khá hơn, nhanh hơn".

Nguyễn An Khương cho biết: "Ngày nay, em nhìn thấy có rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài trên đường phố của Đà Nẵng. Một trong những khó khăn của họ là vấn đề tiết kiệm chi phí đi lại. Xuất phát từ những ý tưởng đó, em đã quyết định viết nên phần mềm này".

Để thiết kế phần mềm này, An Khương đã sử dụng những công cụ lập trình rất mạnh như Servelet, VB6, Reta... mà theo đánh giá của Ban Giám khảo, ngay đến những sinh viên năm thứ 3 ngành CNTT cũng khó mà sử dụng thành thạo.

Khán giả theo dõi đã bị chinh phục hoàn toàn trước một sản phẩm sáng tạo vượt ngoài tầm của một học sinh trung học. Phần mềm này rất dễ sử dụng.

Chỉ cần kết nối với máy chủ qua ĐTDĐ, nhập vị trí xuất phát và đích đến, phần mềm sẽ tự động tìm ra đường đi tốt nhất giữa 2 điểm trên bản đồ, sau đó hiển thị trên màn hình điện thoại dưới dạng chữ và hình vẽ. Sẽ có một bộ phận liên tục cập nhật thông tin về độ tắc đường, hoặc đường hỏng hóc để hướng dẫn tốt nhất cho du khách.

An Khương cho biết: "Phần mềm của em gồm có 2 phần. Ban đầu, người dùng chỉ cần cài một cái ứng dụng dành cho điện thoại để kết nối vào server. Sau khi cài xong, thông qua truy cập GPRS, điện thoại lấy thông tin và server sẽ trả lại kết quả để thể hiện trên màn hình điện thoại di động.

Ngay từ khi còn học cấp 2, cậu bé An Khương đã biết "khôn khéo" dùng thuật toán trong chương trình THPT để giải những bài toán hóc búa. Cậu nhận ra rằng, máy vi tính là thứ công cụ giúp thực hiện công việc chính xác với tốc độ nhanh nhất.

Khương bắt đầu niềm đam mê tin học bằng những phần mềm đơn giản cho bộ giải phương trình trên máy tính, một số tiện ích trong các trò game và bây giờ là "Hệ thống tra cứu bản đồ Đà Nẵng trên ĐTDĐ",  phần mềm lớn nhất mà Khương thực hiện từ trước đến nay.

Sau 3 tháng miệt mài, sản phẩm của Khương được gia đình, thầy cô, bạn bè hết sức hưởng ứng. Phòng kỹ thuật tin học Đà Nẵng là nơi các thầy giúp đỡ Khương đặt máy chủ.

Thầy giáo Nguyễn Khánh, Chỉ đạo viên của đội là một trong những người đầu tiên sử dụng phần mềm và cổ vũ cho Khương. Thầy Khánh cho biết: "Hiện nay, rất nhiều thiết bị mobile và ứng dụng này có thể giúp cho người sử dụng không cần phải đi du lịch vẫn có thể áp dụng được cái phần mềm như vậy".

Dự định của Khương là tiếp tục hoàn thiện phần mềm sáng tạo này và đem phổ biến rộng rãi, không chỉ ở TP Đà Nẵng mà bất cứ thành phố nào trên đất nước Việt Nam, thậm chí ra ngoài nước.

Bên cạnh đó Khương đang tích cực tập trung vào ngoại ngữ và tin học. Khởi đầu với 523 điểm Toefl, An Khương đang cố gắng nâng cao trình độ ngoại ngữ để giành học bổng về ngành Công nghệ thông tin ở California, Hoa Kỳ.

Luôn luôn tuân theo khẩu hiệu "Không có gì không thể làm được", mong muốn lớn nhất của Khương là sau khi được đào tạo sẽ trở về thành phố Đà Nẵng quê hương để tiếp tục sáng tạo, phát triển các sản phẩm phần mềm và đưa vào ứng dụng thực tế, phục vụ sự phát triển chung của thành phố.

MỚI - NÓNG