Cô gái Việt tuổi 20 độc hành quanh thế giới

Huyền “chíp” với em nhỏ trong trại mồ côi. Ảnh nhân vật cung cấp
Huyền “chíp” với em nhỏ trong trại mồ côi. Ảnh nhân vật cung cấp
TP - Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền chíp), SN 1990, nổi danh trong giới trẻ Việt Nam qua phong trào Free Hugs (ôm tự do) và blog Chip 2.0 bắt đầu độc hành vòng quanh thế giới từ ngày 13/5/2010.

Chút dừng chân trên đất Mẹ trước khi tiếp tục hành trình kéo dài ít nhất 2 năm, Huyền chia sẻ với Tiền Phong những khát khao bỏng cháy và lớn lao hơn nhiều so với bình thường ở một cô gái tuổi đôi mươi.

Huyền “chíp” với em nhỏ trong trại mồ côi. Ảnh nhân vật cung cấp
Huyền “chíp” với em nhỏ trong trại mồ côi. Ảnh nhân vật cung cấp.

Tự nhận mình là người yêu thích công nghệ thông tin, Nguyễn Thị Khánh Huyền nổi trên cộng đồng mạng nhờ những bài viết sắc sảo với blog Chip 2.0. Học lập trình tại Aptech khi đang là học sinh cấp ba, không lấy bằng, Huyền tiếp tục khám phá công nghệ thông tin theo cách riêng. Không thi ĐH, cô gái đến từ miền quê nghèo vùng biển Hải Hậu (Nam Định) quyết định đi làm ngay khi tốt nghiệp lớp chuyên Toán, khối THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Năm 2007, Huyền bắt đầu nổi tiếng với chiến dịch Free Hugs do bạn khởi xướng. Với phương châm Ôm trọn trái tim và yêu thương, phong trào ôm tự do thu hút hàng ngàn bạn trẻ tại các thành phố lớn. “Free Hugs thực ra không xa lạ ở các nước. Nó khuyến khích bạn trẻ thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm đến người khác, đơn giản nhất là những cái ôm không toan tính, vụ lợi”, Huyền cho biết.

Huyền leo núi tại Kuching - Malaysia
Huyền leo núi tại Kuching - Malaysia.

Năm 2009, tổ chức Free Hugs Việt Nam chính thức ra đời, tập trung hoạt động tình nguyện, từ thiện, đào tạo kỹ năng cho các bạn trẻ và giúp trẻ em nghèo, mồ côi với hơn 500 thành viên tại Hà Nội, TPHCM.

18 tuổi, Huyền đầu quân cho những Cty lớn ở trong, ngoài nước khi chưa có bằng ĐH: Huyền từng làm quản lý cộng đồng của Cty truyền thông Vincom, Cty ePi Technologies, Cty Youth Asia của Malaysia. Hỏi Huyền chứng minh khả năng của mình bằng cách nào khi xin việc, cô tròn xoe mắt: “Người ta mời em về làm, có lẽ họ biết đến em một phần qua blog”.

Huyền kể: “Một lần tham gia hội thảo về công nghệ thông tin tại Malaysia, em lên phát biểu. Hội thảo kết thúc, người ta mời em về làm cho Cty tổ chức Hội nghị thượng đỉnh kết nối giới trẻ Đông Nam Á (YES) tại Malaysia”. Huyền cũng là thủ lĩnh của nhóm hơn 90 bạn trẻ Việt Nam đến Malaysia tham gia Hội nghị thượng đỉnh YES vào tháng 11- 2009.

Huyền (ngoài cùng bên trái) cùng lao động Việt Nam tại
Huyền (ngoài cùng bên trái) cùng lao động Việt Nam tại .


Hành trình xin visa

Độc hành được hơn 1 tháng, Huyền cho biết nỗi lo lớn nhất là xin visa vào các nước. Ngày 4-7, Huyền tiếp tục hành trình khám phá thế giới từ Thái Lan. Sau khi có visa sang Ấn Độ, Bangladesh, Huyền lo nhất xin thị thực vào Myanmar. Hỏi người có kinh nghiệm bụi, biết có thể xin visa sang Myanmar từ cửa khẩu của Thái Lan với thủ tục gồm vé máy bay khứ hồi, giấy tờ tùy thân, 30 USD và giấy đặt phòng khách sạn, Huyền bớt lo.

"Tôi thích trượt ván, leo núi. Tôi từng tập quyền anh. Tôi khỏe mạnh hơn nhiều so với một cô gái trung bình. Tôi có thể sống sót trong điều kiện khó khăn, đi bộ hàng giờ liền dưới ánh nắng gay gắt hay đi hàng ngày liền không ngủ. Tôi không bị say xe..." - Nguyễn Thị Khánh Huyền 

“Dù mới có visa Ấn Độ, Bangladesh, em vẫn lên đường theo đúng kế hoạch. Từ cửa khẩu Ấn Độ hy vọng sẽ xin được visa sang Nepal, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ. Biết là khách du lịch sẽ rất khó xin, nhưng em phải cố gắng xoay xở thôi. Cùng lắm em sẽ gửi hộ chiếu về Việt Nam nhờ các Cty du lịch xin hộ”, Huyền tâm sự.

Huyền quyết định đi du lịch bụi vòng quanh thế giới để khám phá, học hỏi và mong muốn có thể áp dụng những thứ mới mẻ của các nước khi trở về. Huyền đặt mục tiêu khám phá ít nhất 50 nước và vùng lãnh thổ, thăm ít nhất một trại trẻ mồ côi ở mỗi nơi, phỏng vấn ít nhất 50 người và gặp thật nhiều người.

Ngay sau khi kết thúc công việc ở Cty Youth Asia (Malaysia), ngày 13-5, Huyền khoác balô đến Brunei bắt đầu hành trình xuyên thế giới. “Ở Brunei, em cảm nhận rõ sự phân biệt giàu nghèo. Họ di chuyển bằng phương tiện ô tô là chủ yếu, đi gần cũng ô tô, rất ít người đi bộ, xe bus phất phơ, lúc có lúc không và cũng không biết khi nào có. Em rất khó khăn trong di chuyển, nhiều lúc đi bộ, lạc đường, nhưng không gặp được ai để hỏi. Ô tô cứ chạy vèo qua. Bài học lớn nhất của em ở Brunei là cách thích nghi với cuộc sống khi không nhận được sự giúp đỡ của người khác”. Gặp người Việt đang lao động ở Brunei, thấy cảnh nghèo và sự kham khổ của họ nơi đất khách, trong Huyền thôi thúc khát khao phải làm điều gì đó để giúp họ, nhưng chưa thể.

Sẵn sàng làm thuê xuyên lục địa, không ngại gian khó để thỏa chí tang bồng, Huyền chíp còn có ý tưởng viết sách để cung cấp thông tin cho người Việt khi đến nước khác. Cuốn sách ấy Huyền tạm gọi là “Du lịch bụi từ A đến Z”

Bài 2: Đi rồi sẽ đến 

MỚI - NÓNG