Trở về tìm dấu... quê hương

Trở về tìm dấu... quê hương
TP - Háo hức tìm hiểu văn hóa, lịch sử Việt Nam bằng những câu hỏi thơ ngây, hơn 20 đứa con mang dòng máu Việt - Hàn vừa có chuyến hành trình trở về quê hương.

Những đứa con mang dòng máu Việt - Hàn:

Trở về tìm dấu... quê hương

Lee Ah Ram, 15 tuổi, học sinh trường trung học Sol Mue, thành phố Uijeongbu (tỉnh Gyeonggi), mải mê ngắm quả mãng cầu với ánh mắt tò mò. Lee nói em chưa bao giờ được ăn quả này, vị ngọt mát của nó rất hấp dẫn. Lee sinh ra và lớn lên ở Hàn Quốc, dù có 5 lần về thăm quê cùng mẹ nhưng đây là lần đầu tiên em tham gia một chương trình tìm hiểu Việt Nam.

“Em rất háo hức. Hàng ngày em thường được mẹ kể nhiều về miền quê có những cánh đồng xanh, có nhiều dòng sông”, Lee tâm sự. Đi học, được bạn bè quan tâm và hỏi nhiều về Việt Nam, Lee tận dụng những thông tin có được theo lời kể của mẹ để giới thiệu với bạn bè.

Sau lần này, một khát khao bùng cháy trong Lee. “Em muốn trở về Việt Nam làm việc, đơn giản vì em yêu mến nơi này, thấy cuộc sống bình yên. Em sẽ theo học ngành kinh doanh hoặc truyền thông”. Để hiện thực hoá mong muốn này, Lee đang chăm chỉ học tiếng Việt cùng mẹ tại nhà và học thêm trong một trung tâm dạy tiếng Việt tại Hàn Quốc.

Không giống với Lee, đây là lần đầu tiên về Việt Nam của hai chị em Yoon Hyo Woon (17 tuổi) và Yoon Ji Woon (14 tuổi) đến từ thành phố Icheon, tỉnh Gyeonggi. Cả hai chị em Yoon đều sinh ra ở Hàn Quốc. Mẹ của Yoon sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền Nam Việt Nam. Hai chị em chỉ biết quê mẹ qua những câu chuyện kể. Yoon Hyo Woon nói, có lẽ vì hay hình dung theo những lời mẹ kể nên em thấy Việt Nam rất thân thuộc.

Còn Yoon Ji Woon ấn tượng về Việt Nam với những món ăn mẹ nấu. “Bánh bao và các món ăn mẹ làm rất ngon, em cũng được mẹ nói nhiều về các đặc sản. Lần này về được ăn phở, em rất thích, sẽ kể lại cho mẹ nghe”, Yoon Ji Woon khoe. Chị em Yoon cho biết, mẹ chủ yếu ở nhà nội trợ, chỉ có bố đi làm trong lĩnh vực vận tải để nuôi sống gia đình.

Chăm chú lắng nghe bài giảng về Việt Nam, các em liên tiếp đưa ra câu hỏi trong cuộc trò chuyện ở Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Các em hỏi ông tổ người Việt là ai, Thủ đô Hà Nội có từ bao giờ, Việt Nam có những anh hùng nào, trò chơi nào được các bạn thanh thiếu nhi yêu thích... Ông Keum Gi Hyung, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, lần lượt trả lời câu hỏi, giới thiệu với các em về Vua Hùng, về Hà Nội mới qua 1.000 năm tuổi, về các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt- Hàn...

Các em cũng được giới thiệu về các trò chơi thả diều, chơi chuyền, trốn tìm của thiếu nhi Việt Nam. Trong buổi tìm hiểu về quan hệ ngoại giao hai nước, văn hoá Việt Nam, hơn 20 em đã lên mạng bình chọn cho đảo Jeju (Hàn Quốc) và Vịnh Hạ Long của Việt Nam được trở thành kỳ quan thiên nhiên mới thế giới.

Các bạn trẻ mang dòng máu Việt - Hàn trở về thăm quê Ảnh: Hải Yến
Các bạn trẻ mang dòng máu Việt - Hàn trở về thăm quê Ảnh: Hải Yến.

Kết nối

Đây là lần thứ hai Tổng cục du lịch Hàn Quốc, tổ chức phi chính phủ Global Together (Hàn Quốc) và Tập đoàn hàng không đa quốc gia Hàn Quốc (KAC) đưa các em nhỏ có dòng máu Hàn - Việt về thăm quê mẹ hoặc bố ở Việt Nam. Ông Lee Jong Myoung, Trưởng nhóm cống hiến xã hội (KAC), cho biết từ năm 2010, KAC đã tổ chức hai lần cho các cặp vợ chồng, con cái về thăm Việt Nam.

“Thế hệ thứ hai ngày càng có vai trò quan trọng, là cầu nối ngay trong gia đình và giữa hai đất nước. Về Việt Nam lần này chúng tôi mong muốn các em hiểu biết đầy đủ hơn về nơi sinh ra của mẹ (hoặc bố) và nhận thức rõ vai trò đại sứ kết nối của mình”, ông Lee nói.

Giám đốc Keum cho rằng điều đáng quý là các em đều háo hức tìm hiểu về Việt Nam; chương trình giống như một buổi về thăm quê giúp các em thêm tự hào, quyết tâm học tiếng Việt tốt hơn và cố gắng đóng góp vào sự phát triển của quê hương.

Về sự việc cô dâu Việt mới bị sát hại ở Hàn Quốc, ông Lee Jong Myoung bày tỏ: Sự việc đau lòng này rất ít xảy ra và thật không may đối với cô dâu Việt Nam. Tôi nghĩ sự khác biệt về văn hóa có ảnh hưởng đến mâu thuẫn trong gia đình. Ông Lee cũng hy vọng đóng góp công sức nhỏ bé, góp phần xoa dịu nỗi đau bằng cách cố gắng tổ chức nhiều hoạt động trong việc giúp những người Hàn lấy vợ (chồng) người Việt tìm hiểu về văn hóa Việt Nam để họ kết nối được với nhau bền vững hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG