'Đại học bôn ba' học mãi chưa tốt nghiệp

'Đại học bôn ba' học mãi chưa tốt nghiệp
TP - 'Giáo sư' Cù Trọng 'Xoay' trong chương trình 'Hỏi xoáy - đáp xoay' của Đài Truyền hình Việt Nam biết chơi nhiều loại nhạc cụ, tham gia viết kịch bản cho 4 kỳ 'Táo quân Tết'. Anh là Đinh Tiến Dũng (SN 1981), Phó phòng Truyền thông Cty FPT.

> Cô gái xuất bản tiểu thuyết đầu tay bằng môi

Các bạn trẻ tại một khóa đào tạo kỹ năng sống Ảnh: P.H
Các bạn trẻ tại một khóa đào tạo kỹ năng sống. Ảnh: P.H.
 

Quê Nam Định, Dũng tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp Hà Nội loại trung bình khá. Anh tự nhận mình mải chơi và mê công tác xã hội hơn là vào nghiên cứu cây trồng dù trước đó anh đỗ thủ khoa đầu vào. Ra trường, anh đầu quân về T.Ư Đoàn làm chuyên viên, từng đi giảng kỹ năng sống. Ngẫu nhiên về đầu quân cho FPT, Dũng như cá gặp nước. Anh vẫy vùng từ viết kịch, làm thơ, hát hò, chơi nhạc, phượt, nổi danh ở FPT với nick name Dũng đê tiện (đơn giản vì địa chỉ mail là dungdt).

Gần đây, khán giả biết đến anh với vai giáo sư Cù Trọng Xoay và những clip hài, vui nhộn, khuynh đảo giới trẻ như: xăng tăng giá, bão lạm phát… Trong lúc nhiều người than vãn về thu nhập, anh tự tin với mức lương làm chính, làm thêm giúp anh sống thoải mái với những đam mê bù khú bạn bè, đi du lịch, đàn ca, sáo nhị cho mình và cho sinh viên.

GS Cù Trọng Xoay thường nhận được những câu hỏi về vấn đề gì?

Khán giả của chương trình đủ mọi lứa tuổi và họ hỏi cũng muôn hình muôn vẻ lắm. Từ chuyện yêu đương, học hành, công việc. Tôi bất ngờ là nhiều người trẻ lại quan tâm và hỏi những chuyện lớn, mang tầm vĩ mô như: Làm thế nào để thể hiện lòng yêu nước; trăn trở vì tắc đường, khói bụi, tham nhũng…

Anh trả lời thế nào?

Chương trình đúng như tên gọi của nó: Khán giả hỏi xoáy, giáo sư trả lời xoay. Xoay thế nào cũng được vừa hài vừa nghiêm. Cũng có câu hỏi cần cung cấp thông tin, cũng có câu hỏi chỉ cốt tạo tiếng cười, hài hước. Có lần, một bạn nam 22 tuổi hỏi: Em rất yêu nước, luôn trăn trở với những vấn đề lớn của dân tộc, anh chỉ cho em làm thế nào để thể hiện lòng yêu nước?

Tôi trả lời đơn giản, bạn học tập cho giỏi để có nhiều đóng góp cho xã hội. Nhiều bạn trẻ ngày nay quan niệm phải làm điều gì đó to lớn thì mới thể hiện được mình. Tôi nghĩ, muốn làm việc lớn trước hết phải có những trải nghiệm từ những việc nhỏ. Tích kinh nghiệm, bản lĩnh từ những việc nhỏ mới đủ tầm để làm việc lớn.

Là người trẻ làm việc trong môi trường nhiều người trẻ, anh thấy thanh niên đang thiếu hay yếu điều gì?

Không ít thanh niên đang tự co mình, tách biệt mình với môi trường, đám đông. Đến cơ quan, đơn vị làm việc, họ cắm mũi vào máy tính với những con số, về nhà lại online, chát với đời sống ảo. Họ đang giảm dần sự giao tiếp với môi trường thật, con người thật. Vì thế, kỹ năng giao tiếp, sự tự tin cũng giảm. Theo tôi, rèn kỹ năng chính là bạn phải thả mình vào một môi trường sôi động nhất định.

Môi trường lý tưởng cho người trẻ sống và làm việc phải như thế nào?

Đó là môi trường thân thiện, thoải mái giữa sếp và nhân viên, giữa nhân viên và nhân viên, giữa cái tôi và tổ chức. Ở đó, người trẻ có tiếng nói và thể hiện cái tôi của mình thì họ mới bộc lộ được hết tài năng. Ngoài ra, đơn vị cũng cố gắng tạo môi trường âm nhạc cùng nhau vui hát, qua đó chia sẻ công việc.

Anh Đinh Tiến Dũng
Anh Đinh Tiến Dũng.
 

Khủng hoảng vì nhiều việc

Khá thờ ơ với chuyện học và chuyên môn được đào tạo, vậy mà anh không rơi vào cảnh thất nghiệp?

Thời sinh viên, tôi từng tự bay bổng bằng cảm giác của một ngôi sao. Khi đi ra ngoài thấy nhiều người giỏi, tôi lại xấu hổ, rụt đầu. Tôi từng thất bại nhiều trong học tập, cuộc sống nên ngộ ra một điều, có trải qua thất bại mới có bản lĩnh để thành công.

Bỏ bê học hành nhưng tôi có những đam mê riêng của mình từ thời sinh viên. Tôi đam mê các hoạt động xã hội như: viết kịch bản, làm thơ, hát hò, đàn sáo… Thay vì đi làm gia sư, dạo đó tôi đã biết viết kịch bản thuê, đạo diễn cho vài chương trình nhỏ nhưng đủ để sống và tích lũy kinh nghiệm.

Tôi đam mê phượt, có thời gian là lên đường để trải nghiệm và gặp gỡ những con người, những vùng đất mới. Có lẽ, những hoạt động tưởng chừng ít lợi ích đó đã tạo ra một tôi có thể làm được nhiều việc chăng? Tôi chỉ khủng hoảng vì nhiều việc quá mà thôi.

Vậy theo anh, người trẻ cần năng động, biết nhiều nghề?

Tôi quan tâm đến quá trình trải nghiệm. Tôi nghĩ nếu bạn biết nhiều, tích lũy được nhiều điều từ cuộc sống, sẽ không bao giờ thất nghiệp hoặc nghèo khó.

Trong chương trình, anh luôn tự hào với danh hiệu GS học “ĐH bôn ba”, học mãi vẫn chưa tốt nghiệp. Trường bôn ba anh nói đến khác gì với các trường ĐH hiện nay?

Đó là trường đời, cuộc sống hằng ngày. Ai cũng biết, học trường đó ai cũng là thầy, ai cũng là trò nên học được nhiều điều, biết nhiều thứ mà trường ĐH không dạy. Ở đó cũng không ai chấm điểm, không phải thi học kỳ nên không phải là chúng ta học cả đời không tốt nghiệp sao? Người may mắn, có bản lĩnh tốt sẽ học được nhiều điều tốt từ trường này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG