Thiếu đam mê, cuộc sống không còn thi vị

Thiếu đam mê, cuộc sống không còn thi vị
Câu chuyện của Chử Bích Phương khơi gợi lên suy tư ở nhiều người về sống có ước mơ, có đam mê và quan trọng hơn là đốt lên ngọn lửa đam mê để đi đến cùng mơ ước đó.

TS tâm lý Trần Thị Giồng:

Thiếu đam mê, cuộc sống không còn thi vị

> Thủ khoa kép bỏ 'Harvard Việt Nam' sang nông nghiệp

Câu chuyện của Chử Bích Phương khơi gợi lên suy tư ở nhiều người về sống có ước mơ, có đam mê và quan trọng hơn là đốt lên ngọn lửa đam mê để đi đến cùng mơ ước đó.

TS tâm lý Trần Thị Giồng. Ảnh: Q.Linh
TS tâm lý Trần Thị Giồng. Ảnh: Q.Linh.

Với 40 năm làm công tác nghiên cứu và giảng dạy, tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng chia sẻ với PV:

- Tôi cho rằng không phải ai, bạn trẻ nào cũng có thể làm được như Bích Phương. Phải là người có bản lĩnh và quyết đoán mới dám chuyển hướng cuộc đời mình. Có ước mơ và để đạt được ước mơ, thực hiện đam mê còn là cả quá trình, nhưng cô bạn ấy đã bắt đầu và biết cách bước đi trên con đường chinh phục và hiện thực hóa ước mơ của mình.

* Có phải ai cũng từng có ước mơ, cao vọng nào đó, điều gì đó khi còn trẻ?

- Không hoàn toàn như thế đâu. Thực tế nhiều năm giảng dạy tôi thấy rằng không phải bạn trẻ nào cũng có ước mơ. Rất nhiều lần tôi đề nghị các bạn trong những lớp khác nhau viết ra giấy điều mình mơ ước nhưng không ít bạn chẳng thể viết được. Điều này rất đáng tiếc vì thật sự có những bạn chỉ biết sống tới đâu hay tới đó, nếu không muốn nói là thụ động với chính mình.

Nhưng sống là phải biết ước mơ và đi đến cùng mơ ước đó vì người có nhiều ước mơ và quyết liệt thực hiện điều đó luôn là người dễ thành công. Ước mơ nên hiểu là điều ao ước, những cột mốc dự định thực hiện trong đời và phải khoa học, có tổ chức. Có vậy bạn mới biết sắp xếp đâu là điều ưu tiên phải làm trước, điều làm sau. Mà ước mơ phải phù hợp khả năng đang có và thực tế nữa. Nói cách khác, ước mơ phải rõ nét chứ mơ quá sức, mơ điều không tưởng thì không phải là ước mơ mà là viển vông. Khoa học chứng minh óc thực tế luôn là một trong những tố chất của người thành công.

* Thụ động, không có ước mơ và không sống đến cùng vì niềm đam mê của mình ở giới trẻ có phải do họ chịu nhiều tác động từ thực tế cuộc sống quá thực dụng như hiện nay?

- Dĩ nhiên thực tế cuộc sống phải có tác động ít nhiều nhưng tôi cho rằng phần lớn phụ thuộc cá tính mỗi người. Có những bạn chỉ biết lớn lên, đi học, đi làm kiếm tiền chứ chưa bao giờ phác họa tương lai của mình sẽ thế nào. Khi biết phác họa tương lai tức là bạn biết cách hoạch định cuộc sống của mình, biết tìm cách đạt đến điều mình mong ước.

Cũng đừng vội trách người trẻ chỉ biết sống thực dụng. Áp lực cuộc sống, vòng xoay cơm áo gạo tiền đôi lúc tạo ra ước mơ ở tầm vật chất hơn là ở tầm tinh thần. Người trẻ thấy và chỉ mơ những cái trước mắt vì những điều họ nghe thấy hằng ngày. Có thể họ sẽ đạt mục tiêu nào đó nhưng tôi cho rằng như thế cuộc sống sẽ thiếu thi vị. Bởi cuộc sống ngoài thực tế cũng nên hướng về cái cao đẹp, mang tính phẩm chất tinh thần sẽ thú vị hơn chứ.

* Để nuôi dưỡng ước mơ và ngọn lửa đam mê trong mỗi người trẻ, theo bà điều gì là cần thiết và quan trọng?

- Trước hết, phải có người gieo mầm ước mơ cho các bạn. Người đó có thể là cha mẹ, thầy cô và rộng lớn hơn là xã hội. Không đợi đến khi lớn chúng ta mới khơi gợi mà nên làm từ khi còn là đứa trẻ. Đứa trẻ cần được “mớm” từ nhỏ và nó sẽ nhạy cảm hơn trước những thông tin liên quan đến điều được định hướng ấy. Có nhiều cha mẹ nghĩ rằng con phải làm điều này, điều nọ theo sự sắp đặt của họ mới là thương con, nhưng thực tế lại đang làm khổ con.

Rộng lớn hơn là những tác động của xã hội. Chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi cái được nghe và thấy. Điều đó đòi hỏi cần có nhiều điển hình tích cực được giới thiệu và nhân rộng trong xã hội. Chính những tấm gương ấy sẽ tạo ra động lực, kích thích người trẻ biết đam mê và sống đến cùng đam mê của họ.

Cuối cùng, quan trọng nhất chính ở tự thân mỗi bạn. Khi đã được gieo mầm, đã được tác động thì việc ươm mầm cho ước mơ ấy lớn lên thế nào, đạt kết quả ra sao hoàn toàn phụ thuộc nỗ lực của chính bản thân. Đó là một quá trình lâu dài, liên tục mà gia đình không thể không song hành cùng con em mình.

Có còn ngọn lửa đam mê?

Câu chuyện của Chử Bích Phương trở thành một hiện tượng khi dám từ bỏ hai trường đại học danh giá là Y Hà Nội và Ngoại thương để thi lại và đậu thủ khoa Đại học Nông nghiệp ngành công nghệ sinh học (khối A và B) trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua. Chử Bích Phương đã dám từ bỏ những điều mình đang có - mà nhiều người ao ước - để đi cùng đam mê của mình.

Rất nhiều người trẻ từng có ước mơ nhưng có bao nhiêu người đủ bản lĩnh và đam mê đi cùng ước mơ? Bao nhiêu người phải để cho người lớn dẫn dắt cuộc đời mình? Bao nhiêu người để mặc cuộc đời trôi dạt, tồn tại chứ không phải sống?...

Sống có cần phải có đam mê? Làm sao nuôi dưỡng đam mê, đi đến cùng đam mê và liệu đam mê có làm cho cuộc sống mỗi người tốt hơn, cuộc đời thi vị hơn?

Theo Quốc Linh
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.