Teen hết tiêu xa xỉ vì bão giá

Teen hết tiêu xa xỉ vì bão giá
Những thói quen xa xỉ phải gác lại, ăn tiêu dè sẻn, “bye bye” những quán café đắt đỏ… là cách để teen vượt qua thời kì "bão giá".

Teen hết tiêu xa xỉ vì bão giá

> Học cách xài tiền thông minh

Những thói quen xa xỉ phải gác lại, ăn tiêu dè sẻn, “bye bye” những quán café đắt đỏ… là cách để teen vượt qua thời kì "bão giá".

Giá cả leo thang, teen phải bỏ thói quen ăn tiêu xa xỉ. Ảnh minh họa
Giá cả leo thang, teen phải bỏ thói quen ăn tiêu xa xỉ. Ảnh minh họa.

Chứng kiến mẹ mình đi chợ buổi sáng, mua đồ ăn cho cả nhà mà hết veo 100K, Mai Hoa (sn 1994) không khỏi choáng váng. Cô bạn nhớ rằng, ngày trước, chỉ cần 50-70K, bốn người trong nhà đã có bữa ăn đầy đủ, tươm tất. Còn giờ thì sao? 100K với bốn lạng thịt, hai bó rau, một chút cà, dưa, hết! Thấy mẹ chần chừ ở hàng hoa quả, đắn đo muốn mua ít táo về ăn tráng miệng, nhưng người bán hét tới 40K/kg nên đành thôi, Hoa thương mẹ muốn rớt nước mắt. Từ hôm đó, Hoa không còn mè nheo xin mẹ tăng tiền tiêu vặt, mà âm thầm tìm kiếm một công việc part-time hợp lý.

Cơn bão giá kéo theo vật giá cứ leo thang ầm ầm đã không còn là chuyện của riêng người lớn. Giờ đây, teen cũng biết “thấm” thế nào là “Cầm đồng tiền trong tay, chưa kịp tiêu gì đã hết veo rồi." Từ những thứ nhỏ nhặt như chuyện ăn vặt mỗi ngày: nem chua rán tăng thành 4-5K/cái, cốc trà chanh giờ cũng 8K, bánh mỳ ít có cái dưới 10K (trừ bánh mỳ không), cho đến bát phở, bún cũng rủ nhau “leo núi” thành 30, 40K. Vặt vãnh như thế cũng sẵn sàng ngốn của teen gần trăm bạc, chưa kể tới các hoạt động khác như đi chơi, xem phim, mua sắm… Giá thì đắt đỏ gấp đôi, trong khi số tiền phụ huynh cho, hoặc teen tự kiếm ra thì chỉ có hạn đã khiến nhiều bạn trẻ “méo mặt” mỗi khi rút ví.

Hè vừa rồi, dù làm part-time với mức lương 3 triệu/tháng, nhưng Minh Anh (sn 1993) vẫn cảm thấy sự ngột ngạt mà cơn bão giá mang lại. Đi làm rồi ăn trưa ở cửa hàng luôn, nhưng năm nay, bữa ăn trưa cùng các anh chị cùng làm không còn được thoải mái như năm trước. Một suất cơm văn phòng cộng thêm đồ uống đã hết 50-60K mà chỉ có vài miếng thịt mỏng dính, cơm cũng ít, canh thì loãng toẹt, ăn vào chỉ no độ… hai tiếng đồng hồ. Cô bạn đành phải tiết kiệm bằng cách chuẩn bị cơm ở nhà đem đi, để cuối tháng lãnh lương không còn cảm giác thiếu trên, hụt dưới. Hết giờ, Minh Anh ít lang thang café, quán xá ăn uống với bạn như trước, bởi “Giờ ăn cái gì ngon một tí cũng phải 400, 500K trở lên, chia ra mỗi đứa ít nhất cũng tầm 100K rồi. Trước còn thi thoảng tụ tập ở mấy quán đẹp đẹp như Highlands, nhưng giờ cũng nghỉ luôn. Đắt đến mức nhiều lúc chẳng muốn ra đường nữa!”, cô bạn chia sẻ.

Hường Ngân, một teen trường TP thì kể chuyện cả tháng nay chưa dám mon men đến các shop thời trang, mặc dù nhà Ngân ở ngay Hàng Nón, con phố tấp nập cửa tiệm quần áo, phụ kiện dành cho teen. Khi nào “thèm” quá, cô nàng lên mạng ngắm nghía những topic bán đồ thời trang trên mạng chứ không thể vung tay mua một lúc hai, ba cái ngoài shop như trước. Lý do thật đơn giản: “Bắt đầu từ tháng này, mẹ tớ giảm tiền tiêu vặt xuống còn 300K/tuần. Hình như việc làm ăn của bố mẹ cũng bị ảnh hưởng nên tớ đành chịu, không dám xin thêm." Đợt trước, Ngân còn là khách quen của tiệm nail, rồi hấp tóc, gội đầu tạo kiểu liên tục. Thế nhưng giờ thì các thói quen ấy cũng phải “tạm dừng vô thời hạn”.

Giá xăng tăng còn khiến mỗi lần vạch báo xăng chuẩn bị đỏ là mặt mũi teen mình cũng… đỏ theo. Đổ đầy bình thì đi tong luôn 100K, nhiều bạn chỉ đổ 50K cho có cảm giác đỡ xót, rồi hạn chế luôn thói quen lượn lờ, dạo mát. Bình “béo”, một teenboy trường Đống Đa kể: “Hè năm nay tớ chỉ mua đĩa về xem phim ở nhà, không đi xem ngoài rạp nữa. Mấy thằng bạn cũng thế, chẳng đứa nào hào hứng lượn lờ ngoài đường như năm ngoái. Đi ra đường cái gì cũng tốn, tốn xăng, tốn tiền ăn uống. Khi nào có việc gì thì mới xách xe ra thôi!”. Thậm chí một cậu bạn của Bình đã phải “cất” xe LX ở nhà, chuyển sang đi xe khác cho đỡ tốn xăng.

Quả thực, với cơn bão giá đang hoành hành, teen không còn cách nào khác là hạn chế lôi “em ví” ra ngoài liên tục, xem xét chi tiêu sao cho hợp lý, gác lại những thói quen ăn chơi tốn kém... bởi vì chẳng biết khi nào thì cơn bão khó chịu này mới chấm dứt. Thay vì mong chờ một ngày đẹp trời giá cả đồng loạt xuống thang, teen mình cứ tập thói quen “sống chung với bão” để biết quý trọng giá trị của đồng tiền thì sẽ tốt hơn rất nhiều đấy!

Theo Pháp luật & xã hội

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.