Người trẻ vẽ Hoàng Sa - Trường Sa qua tư liệu

Giảng viên Trần Văn Quyến với công trình về Hoàng Sa - Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Huy
Giảng viên Trần Văn Quyến với công trình về Hoàng Sa - Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Nghề nghiệp khác nhau, nhưng họ có điểm chung: Trẻ tuổi, miệt mài, đầy nhiệt huyết nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

> 'Vòng tròn bất tử' cho chiến sỹ Trường Sa

Giảng viên Trần Văn Quyến với công trình về Hoàng Sa - Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Huy
Giảng viên Trần Văn Quyến với công trình về Hoàng Sa
- Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Huy.
 

Theo dấu Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa

26 tuổi, thầy giáo trẻ Trần Văn Quyến (quê Xuân Trường, Nam Định) giảng viên trường ĐH Phú Xuân, Huế đã có thời gian dài tự tìm tòi, nghiên cứu về những tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa. Ngay từ thời sinh viên ngành Sử (ĐH Phú Xuân, 2004 - 2008), ngành Hán Nôm (ĐH Khoa học Huế, 2005 - 2009), Quyến được mệnh danh là “con mọt sách”.

Trong căn phòng rộng hơn chục mét vuông được vây tứ phía bằng sách vở, thầy giáo trẻ cẩn thận lưu giữ những tài liệu về biển đảo tại vị trí nổi bật nhất. Quyến bảo: học Sử, đam mê chuyên ngành lịch sử Việt Nam thời cổ trung đại, nên mình sớm quan tâm tới các vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa.

Qua những bằng chứng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa đó, mình có càng thêm tự hào, trách nhiệm với những phần biển đảo - máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc”. Giảng viên Trần Văn Quyến.

 

Gần chục năm nay, sau những giờ học, giảng dạy trên lớp, Quyến đến thư viện, tìm các loại sách, văn bản cổ. Chẳng đếm hết những lần thầy giáo trẻ này ra Bắc, vào Nam, gặp các chuyên gia, nhà lịch sử, đến trung tâm lưu trữ quốc gia để theo đuổi niềm đam mê tìm thêm bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

Quyến bộc bạch: Khi mới bắt tay vào nghiên cứu những hoạt động của đội Hoàng Sa, tôi thấy có nhiều khía cạnh mới mà các tác giả trước đây chưa đề cập, và còn nhiều tư liệu Hán Nôm trong nước có đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa chưa được phát hiện công bố, hoặc chưa được chú ý quan tâm.

Bản quốc địa đồ trong Khải đồng thiết ước là phát hiện đáng chú ý của giảng viên Quyến
Bản quốc địa đồ trong Khải đồng thiết ước là phát hiện đáng chú ý của giảng viên Quyến.
 

Mới đây, công bố của Quyến về cuốn sách Khải đồng thiết ước bằng chữ Hán dạy chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho trẻ vỡ lòng ngay từ thời Tự Đức thứ sáu (1853) gây được sự chú ý lớn (Tiền Phong đã có bài). “Tình cờ trong lần sang nhà người bạn tìm mượn sách Hán Nôm, tôi để ý tới cuốn Khải đồng thiết ước. Sách dạy về sử, lý giải các kiến thức xã hội dưới dạng cơ bản, súc tích như nhiều cuốn sách giáo khoa khác cho trẻ em bậc tiểu học.

Nhưng điều đặc biệt khi đọc đến trang 15 - 16, mình phát hiện tấm Bản quốc địa đồ (bản đồ nước ta) có vẽ Hoàng Sa chử (bãi/quần đảo Hoàng Sa). Đó là bằng chứng khẳng định rõ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam chưa từng được biết đến và công bố” – Quyến kể.

Không dừng lại, Quyến tiếp tục bắt tay vào thực hiện đề tài riêng về chủ đề “Hoạt động của hải đội Hoàng Sa”. Hơn năm trời, thầy giáo trẻ miệt mài đánh vật với các tư liệu cổ, lân la tìm gặp, cập nhật tư liệu các nhà “Hoàng Sa” học: TS Nguyễn Nhã, Nguyễn Quang Ngọc, Phạm Hoàng Quân… để định hướng thông tin, chọn lọc phân tích.

Tại hội thảo chuyên đề biển đảo tổ chức tại Nha Trang tháng 6-2011, đề tài của Quyến thu hút được sự quan tâm của các học giả bởi sự dạy công nghiên cứu, tính khoa học lịch sử. “Có lẽ cùng vì sự gắn bó gần gũi của các tỉnh, thành miền Trung với Hoàng Sa, Trường Sa nên mình quyết định xa quê Nam Định để gắn bó với mảnh đất này” - Quyến tâm sự.

Anh Thiện sưu tập các tư liệu về Hoàng Sa và cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa” (UBND huyện đảo Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng) có phần công sức lớn của anh
Anh Thiện sưu tập các tư liệu về Hoàng Sa và cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa” (UBND huyện đảo Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng) có phần công sức lớn của anh.
 

“Gần lắm Hoàng Sa”

Nhều người dân Đà Nẵng đã quen với hình ảnh chàng trai Huỳnh Đình Quốc Thiện, Trưởng phòng nghiên cứu – sưu tầm (Bảo tàng Đà Nẵng) mang máy chụp, quay phim, ghi âm tới tìm gặp từng nhân chứng, thu thập thêm các tư liệu về Hoàng Sa. Hơn 30 tuổi, nhưng Thiện có tới cả chục năm làm công tác sưu tập tư liệu Hoàng Sa. Theo anh: công việc đòi hỏi phải đi nhiều, gặp nhiều người, nghe, đọc nhiều để có thể kịp thời phát hiện những thông tin tư liệu về Hoàng Sa.

Tốt nghiệp ngành Lịch sử, chuyên ngành Dân tộc khảo cổ (ĐH Khoa học Huế), năm 2001, Thiện công tác tại Bảo tàng Đà Nẵng. Năm 2002, Ban Biên giới Chính phủ muốn xây dựng phòng trưng bày triển lãm tài liệu, hiện vật về Hoàng Sa đặt tại Văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa (số 132 Yên Bái, Đà Nẵng) làm anh rất quan tâm và tại cuộc triển lãm quy mô lớn về Hoàng Sa năm 2004, Thiện lặng người đứng trước các bức hình, thông tin về Hoàng Sa và bằng chứng lịch sử chủ quyền.

“Lòng tôi hối thúc phải tham gia ngay vào công tác sưu tầm, tìm kiếm tư liệu về Hoàng Sa đang được Đà Nẵng chú trọng để góp thêm bằng chứng khẳng định và bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa” - Thiện kể. Từ đó, anh cùng các cán bộ Sở Nội vụ như Lê Đức Nồng, Nguyễn Mính… dành rất nhiều công sức đi gặp các nhân chứng lịch sử Hoàng Sa. Cứ nghe ở đâu có tư liệu là anh lại lên đường.

Nhiều nhân chứng ở TPHCM, Đà Lạt, Hà Nội, anh cùng đoàn đều đến tìm hiểu cặn kẽ. Không ít lần, Thiện xa gia đình cả tháng trời để gặp các nhà “Hoàng Sa học”, đến các trung tâm lưu trữ quốc gia khắp cả nước để bổ sung tư liệu. Thiện cười: Chỉ ra nước ngoài là mình chưa đi được. Chứ lên rừng xuống biển, ra Bắc vào Nam, biển đảo mình đi cả rồi. Miễn ở đâu có thông tin về Hoàng Sa.

“Khi anh tìm được một cái gì mình đang thích, đang muốn sẽ phải sướng run người người. Mỗi lần có thêm tư liệu về Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tôi cũng thế” - anh Thiện bộc bạch.

Một số tài liệu về Hoàng Sa do anh Thiện và đoàn của anh sưu tập trong các đợt tìm kiếm, sưu tập tài liệu về Hoàng Sa
Một số tài liệu về Hoàng Sa do anh Thiện và đoàn của anh sưu tập trong các đợt tìm kiếm, sưu tập tài liệu về Hoàng Sa.
 

Nhớ nhất là những lần đầu tiếp cận các nhân chứng - cựu nhân viên Ty khí tượng miền Trung, lính VNCH từng giữ đảo Hoàng Sa từ những năm 1974 về trước. “Ban đầu họ e dè vì nghĩ mình điều tra này nọ nhưng khi biết tìm hiểu về chủ quyền Hoàng Sa, ai cũng hăng hái cung cấp.

Có người như ông Trần Hữu Cát (sinh năm 1921, Liên Chiểu, Đà Nẵng) tuổi cao sức yếu, đi xe lăn nhưng vẫn nói chuyện hàng giờ không mệt mỏi về những năm tháng công tác tại Hoàng Sa. Hay ông Bùi Văn Khiêm (sinh năm 1929, quê Hải Dương, hiện định cư ở Mỹ) cố gắng bay về Việt Nam lần cuối, tìm đến Đà Nẵng chỉ để được kể về Hoàng Sa, thời ông làm lính Hải quân Hoàng Giang (VNCH) như lời “trăn trối”.

“Có người khóc, người ôm chầm lấy chúng tôi xúc động. Tôi còn nhớ như in lời những họ tâm sự: dù ở thế hệ, hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng Hoàng Sa là máu thịt của Việt Nam. Chúng tôi càng thêm gần nhau vì Hoàng Sa”.

Gần chục năm, niềm hạnh phúc với anh không chỉ là những lần gặp 28 nhân chứng Hoàng Sa, đến vùng đất Lý Sơn (Quảng Ngãi), gặp gỡ tộc họ Phạm - hải đội Hoàng Sa, mà còn bởi phát hiện thêm nhiều tài liệu quý giá góp phần khẳng định bằng chứng chủ quyền: như tờ Sứ vụ lệnh điều động lính Trung đội Hoàng Sa (Tiểu khu Quảng Nam) ra bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa (năm 1961, chuẩn úy Nguyễn Văn Đức), thay quân Hoàng Sa đợt 38, thực hiện các nhiệm vụ đo đạc địa chất, khí tượng, bảo vệ chủ quyền…

“Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình lên Trung tâm lưu trữ Quốc gia Đà Lạt để cập nhật thêm các tư liệu mới về Hoàng Sa mới được công bố tại đây, đồng thời xúc tiến việc thành lập phòng trưng bày chuyên đề Hoàng Sa tại bảo tàng vào cuối năm 2011. Mình chỉ nghĩ tuổi trẻ chưa đủ độ chín nhưng bù lại có sức khỏe, nhiệt huyết để thể hiện trách nhiệm với chủ quyền biển đảo” - anh Thiện ấp ủ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG