Người anh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm

Người anh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm
TP - “Anh Tuấn” trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm chính là cựu thủy thủ tàu không số Trần Ngọc Tuấn nay đã gần 80 tuổi, sống tại phố Đặng Tất (Nha Trang, Khánh Hòa).

> Chuyện kể 'huyền thoại biển'

Ông Trần Ngọc Tuấn ngày nay. Ảnh: Nguyễn Huy
Ông Trần Ngọc Tuấn ngày nay. Ảnh: Nguyễn Huy.
 

Máu hòa sóng nước

Hơn 40 năm trôi qua nhưng ký ức bi tráng về trận quyết tử còn vẹn nguyên. Đêm 27-2-1968, 4 chiếc tàu nhận lệnh xuất bến. Tàu do thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và Chính trị viên - Bí thư Chi bộ Trần Ngọc Tuấn chỉ huy gồm 17 thuyền viên với nhiệm vụ chở 37 tấn vũ khí vượt biển vào huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi).

Gió lạnh thốc từng cơn, tàu lầm lũi đè sóng thẳng hướng vào Nam. Trên bầu trời, mặc tiếng máy bay địch gầm rú tuần tiễu, các thuyền viên tàu không số cải trang tàu đánh bắt cá, lòng vòng trên biển suốt 3 ngày đêm. Gần tuần lễ, tàu vào tới vùng biển Quảng Ngãi.

0 giờ 50 phút ngày 1-3-1968, tàu cách bờ khoảng 20 hải lý. Bất ngờ cả vùng biển Quảng Ngãi bị xé toang, 4 tàu chiến của địch hung hãn bao vây. Những loạt pháo sáng, pháo kích…dồn dập đổ vào tàu không số. Địch khép dần vòng vây.

“Tôi động viên từng anh em giữ vững tinh thần chiến đấu. Trong giờ phút ấy không ai lo sợ”, ông Tuấn kể. Liên tiếp những loạt đạn pháo từ 4 chiến hạm vẫn bắn cấp tập. Cùng lúc 10 tàu cao tốc loại nhỏ xuất hiện, mỗi đợt hai chiếc lao vào tấn công bên mạn phải.

Các chiến sĩ vẫn bền gan, linh hoạt cho tàu luồn lách khỏi các đợt pháo cối, chờ tàu địch vào gần hơn và đồng loạt nã đạn. Một số tàu chiến của địch hư hỏng, bốc cháy. Địch càng hung hãn tăng thêm máy bay xả đạn.

Tàu không số chao đảo, máu các chiến sĩ hòa biển khơi. Giọng ông Tuấn nghẹn lại: “Nhiều chiến sĩ hi sinh ngay trên tàu. Pháo thủ Võ Nho Tòng trúng đạn, chiến sỹ Vũ Văn Ruệ bị thương nặng, ngã xuống sàn nhưng tay vẫn giữ chặt bánh lái đến lúc hi sinh… Anh em còn lại bền gan chống trả suốt 3 tiếng”.

Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng buộc phải ra lệnh hủy tàu, quyết không để phương tiện, vũ khí rơi vào tay địch. Các thủy thủ lao mình xuống biển…

Tàu không số vượt đường Hồ Chí Minh trên biển
Tàu không số vượt đường Hồ Chí Minh trên biển.
 

Ân tình với Đặng Thùy Trâm

Ông Tuấn nhẹ nhàng lật từng trang Nhật ký Đặng Thùy Trâm. “Sách gối đầu giường của ông ấy đấy, cứ đọc đi đọc lại. Có cả đoạn viết về ông và đội tàu không số”, bà Nguyễn Thị Đệ, vợ ông Tuấn nói.

“Vậy là chiều nay các anh lên đường, để lại cho mỗi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: Những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương.

Nghe anh Tuấn ra lệnh: “Tất cả ba lô lên đường!”. Những chiếc ba lô vụng về may bằng những tấm bao Mỹ đã gọn gàng trên vai, mọi người còn nấn ná đứng lại trước mình bắt tay chào mình một lần cuối. Bỗng dưng một nỗi nhớ thương kỳ lạ đối với miền Bắc trào lên trong lòng mình như mặt sông những ngày mưa lũ và… mình khóc ròng đến nỗi không thể đáp lại lời chào của mọi người. Thôi! Các anh đi đi, hẹn một ngày gặp lại trên miền Bắc thân yêu”.

Ông Tuấn nhớ lại: “Sau lệnh hủy tàu, 14 anh em còn lại đồng loạt lao xuống biển. Anh Kiểm bị địch bắn trúng, sóng cuốn trôi. Mọi người cập bờ, băng rừng núi, tránh sự tuần tra của địch để đến được làng Quý Thiện (xã Phổ Hiệp). Hơn 5 ngày dưới sự che chở của dân làng trong căn hầm bí mật, địch mất dấu vết nên bỏ cuộc. Rời Quý Thiện, các chiến sĩ tiếp tục cắt rừng, đi miết ngày đêm. Đúng lúc anh em mệt lả thì phát hiện trước mặt là cơ sở bệnh xá. Cơ sở chật hẹp, còn thiếu thốn nhưng y bác sĩ hết lòng chăm sóc, đùm bọc”.

“Gặp bác sĩ Trâm chắc bác có nhiều kỷ niệm?”, chúng tôi hỏi. “Lúc đó, tôi chỉ biết nữ bác sĩ ấy tên Trâm, đẹp, dịu dàng, luôn tận tình chăm sóc, điều trị cho anh em. Thỉnh thoảng Trâm làm thơ viết văn tặng chiến sĩ... Nhớ nhất là lúc chia tay sau hơn 1 tháng điều trị tại bệnh xá.

Ngày 10-4-1968, bác sĩ Trâm tiễn chúng tôi thật xa. Dù là người ra lệnh “tất cả ba lô lên đường”, tôi vẫn cố nán lại, bịn rịn chia tay mảnh đất, con người nặng nghĩa tình. Bác sĩ Trâm mắt rưng rưng, nắm tay chúng tôi thật chặt, kèm lời nhắn nhủ: Khi Bắc - Nam sum họp, hẹn gặp các anh trên miền Bắc thân yêu”, ông Tuấn kể.

“Chiến tranh tàn khốc mãi mãi biến cuộc chia tay ấy thành ngày chia ly vĩnh viễn”, giọng người cựu binh tàu không số nghèn nghẹn.

Cuối tháng 7-1968, cả đội tàu về đến Hà Nội. Các chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ mới. Sau này, ông Tuấn chuyển sang làm cán bộ Đại học Thủy sản và nghỉ hưu. Nhiều lần lân la dò hỏi tin tức của nữ bác sĩ Trâm, ông như đứng tim khi nghe tin bệnh xá Đức Phổ bị tàn phá trong đợt tập kích tháng 6-1972. Đặng Thùy Trâm hi sinh.

Bài 3: 40 năm tìm gặp nữ giao liên

Thi tìm hiểu Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, T.Ư Đoàn phối hợp Bộ Tư lệnh Hải quân đã phát động cuộc thi tìm hiểu Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển từ ngày 15-8 và bắt đầu nhận bài dự thi từ ngày 15 đến 30-9.

Ngoài giải thưởng bằng tiền, cá nhân đạt giải đặc biệt, giải nhất sẽ được T.Ư Đoàn xem xét mời tham gia hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2012. Mọi thông tin liên quan tới cuộc thi được đăng trên báo điện tử Tiền Phong, Thanh Niên và Sinh viên Việt Nam...

Hội thảo khoa học

Bộ Quốc phòng vừa cho biết ngày 22 và 23-9 tại Hải Phòng sẽ diễn ra hội thảo khoa học Đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam; dự kiến có 250 đại biểu tham gia với hàng chục tham luận.

Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, nhấn mạnh hội thảo góp một tiếng nói quan trọng vào thực hiện chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày mở con đường huyền thoại này.

Một trong những vấn đề cơ bản mà hội thảo đề cập là làm rõ hơn sự độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung và Hải quân nói riêng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG