Hai nữ sinh dũng cảm bắt cướp

Hai nữ sinh dũng cảm bắt cướp
TP - Giữa đường vắng, chứng kiến cảnh giật đồ, hai nữ sinh Hà Nội quyết đuổi theo, tóm gọn tên cướp. Giành lại được đồ cho người bị hại nhưng hai nữ sinh không dám công khai danh tính vì sợ bị trả thù.

> Hai nữ sinh dũng cảm đuổi, bắt cướp

Nhiều nữ sinh học võ cổ truyền Vovinam. Ảnh: T.L
Nhiều nữ sinh học võ cổ truyền Vovinam. Ảnh: T.L.

Chúng tôi gặp hai nữ sinh này sau khi việc bắt cướp của các bạn được đăng trên báo. Nhân vật chính nhiệt tình kể lại chuyện nhưng yêu cầu viết tắt tên, không chụp ảnh bởi "còn một thằng cướp nữa chưa bắt được, sợ bị trả thù".

Phương Thùy (20 tuổi, sinh viên Cao đẳng Truyền hình) kể, sáng 14 - 10, Thùy cùng em họ Kiều Lý, (18 tuổi, sinh viên Đại học Công nghiệp) đang đi trên đường thuộc địa phận xã Dị Trạch, huyện Hoài Đức (Hà Nội), nhìn thấy phía trước có một cô gái đi xe đạp, trên giỏ xe có một chiếc túi (sau này mới biết đó là chiếc túi đựng máy vi tính).

Bỗng xuất hiện hai thanh niên đi xe máy, giảm tốc độ quan sát rồi vọt lên cướp chiếc túi. Cô gái đi xe đạp bất lực đứng khóc. Thùy lập tức tăng tốc đuổi theo.

Ngày 24 - 10, Công an huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội đã làm các thủ tục đề xuất khen thưởng đối với hai nữ sinh dũng cảm tham gia truy đuổi, phối hợp bắt đối tượng cướp giật tài sản.

“Lúc đầu mình chỉ muốn biết biển số xe, báo cho công an” - Thùy nhớ lại. Thấy có người đuổi theo, hai tên cướp rồ ga phi bạt mạng. Thùy cũng phóng theo. Em gái ngồi sau sau sợ quá, bảo chị đừng đuổi nữa. Thùy bảo: “Em nhắm mắt lại” và rượt đuổi hai tên cướp.

Đuổi được một đoạn khá xa, có lẽ xe hết xăng, hai tên cướp nhảy khỏi xe, dắt bộ. Thùy phóng xe đến gần, thấy có người đàn ông đang đi ngược chiều, Thùy chỉ về hai tên kia hô: “Cướp, cướp!”.

Người đàn ông quay lại, hai tên cướp mất bình tĩnh. Một tên lao vào Thùy. Thấy có nguy cơ bị tấn công, Thùy hô lớn hơn, nói rõ hơn là hai tên kia cướp túi người đi đường.

Mọi người xung quanh bắt đầu sẵn sàng trợ giúp Thùy, một tên luống cuống vứt lại chiếc túi định bỏ chạy nhưng người dân đã bao vây bắt giữ. Tên còn lại bỏ chạy, trốn thoát.

Lúc bị người dân bắt, tên cướp đã xin xỏ nhưng chị em Thùy cương quyết đưa tên này về đồn công an. Sau đó, hai chị em quay xe lại đón bạn nữ bị cướp về đồn để công an lấy lời khai.

Cơ quan điều tra đã xác minh, làm rõ hai đối tượng cướp giật là Ngô Hữu Thực (SN 1990, ở Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội) và Nguyễn Văn Điệp (SN 1990, ở Tây Tựu, Từ Liêm - hiện chưa bắt được).

Thực thừa nhận đã gây ra 2 vụ cướp giật điện thoại di động vào tháng 5, tháng 7-2012 ở gầm cầu Thăng Long và cầu vượt Dịch Vọng.

“Thấy cảnh cướp giật hoặc kẻ mạnh ỷ thế bắt nạt người yếu là em ghét lắm”, Thùy nói.

Năm 2011, Thùy từng bị cướp 2 lần. Một lần, cô bị giật túi xách. Lần đó Thùy giật lại được. Lần khác, cô đang chở mẹ, bị một tên lao đến giật dây chuyền. Hôm đó Thùy định đuổi theo nhưng mẹ ngăn lại.

Thùy khẳng định: “Nếu gặp cướp giật, mình sẽ vẫn đuổi theo, chủ yếu ghi được biển số xe của bọn cướp rồi báo cho công an. Trong hoàn cảnh đó, tuỳ cơ ứng biến, mình làm được gì thì cứ làm, không thể khoanh tay nhắm mắt được”.

* Tên hai nữ sinh đã thay đổi

Trường Phong

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH KHXH & NV TPHCM): Đừng gặp nạn trên chính tinh thần đó

Trong chương trình giao lưu trực tuyến Tìm mô hình và thiết chế hoạt động cho hiệp sĩ đường phố được tổ chức mới đây tại TPHCM, TS Nguyễn Minh Hoà cho biết, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế nảy sinh nhiều tội phạm, lực lượng công an không thể phủ kín 24/24 giờ nên xã hội rất cần mô hình hiệp sĩ. Đó là cánh tay nối dài của công an.

“Họ cần được đặt tên, có cơ quan quản lý, được huấn luyện, có chế độ và quy chế hoạt động rõ ràng để tránh “vi phạm pháp luật một cách hồn nhiên”. Nếu cứ để các hiệp sĩ hoạt động chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện thì có thể họ sẽ gặp tai nạn trên chính tinh thần đó”, ông Hòa nói.

Á hậu 2012 Dương Tú Anh: Cần lắm những hiệp sĩ đường phố

Đọc các bài viết, tìm hiểu thông tin về những “hiệp sĩ đường phố”, Tú Anh cảm phục và vô cùng trân trọng hành động nghĩa hiệp.

Hai nữ sinh dũng cảm bắt cướp ảnh 2
Dương Tú Anh.

Các anh mỗi người một hoàn cảnh, trong đó có những người gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng đều có chung một hành động là kiên quyết tiêu diệt cái ác và bảo vệ cuộc sống bình yên của mọi người.

Xã hội chúng ta cần lắm những tấm lòng như thế, những con người như thế. Thực sự, những việc làm trượng nghĩa của các hiệp sĩ là tấm gương sáng để tuổi trẻ noi theo.

Hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến: Cứu người trong tình trạng nguy khốn

Để lấp vào khoảng trống luật pháp, bảo vệ những người yếu thế. Vai trò của hiệp sĩ là hoàn toàn tự nhiên, được xã hội thừa nhận một cách đương nhiên.

Hai nữ sinh dũng cảm bắt cướp ảnh 3
Hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến.

Hiệp sĩ có quyền tự do làm những gì pháp luật không cấm để cứu người trong tình trạng nguy khốn. Hiệp sĩ cũng là một công dân, có quyền và nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh trật tự xã hội.

Có khác chăng, hiệp sĩ lanh lẹ hơn, tự nguyện làm những việc mà nhiều người không dám làm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.