Phạm tội xong chỉ sợ bố đánh

Phạm tội xong chỉ sợ bố đánh
TP - Đó là lời bộc bạch của Hà Văn Vượng (SN 1995) - phạm nhân mang tội hiếp dâm trẻ em đang thụ án trong trại giam Thanh Xuân (Thanh Oai, Hà Nội). Vượng gây án khi đang học lớp 9. Vượng kể, gây án xong, chẳng sợ gì, chỉ sợ bị bố đánh.

> Một giây nóng nảy, đánh chết người tình của mẹ
> Một phút 'anh hùng rơm' trả giá bảy năm tù
> Trải lòng sau song sắt: Mất tuổi xuân sau cuộc 'giải cứu'

Quản giáo hướng dẫn phạm nhân làm việc. Ảnh: T.LA
Quản giáo hướng dẫn phạm nhân làm việc. Ảnh: T.LA.

Bắt chước phim “đen”

Chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống như cái nhìn được cho là đểu, một xích mích tại cuộc sinh nhật… nhiều thanh niên sẵn sàng đánh nhau và cướp đi mạng sống của người khác. Tội ác đến từ đâu? Đi tìm lời giải cho câu hỏi này, phóng viên Tiền Phong đến Trại giam Thanh Xuân (Thanh Oai, Hà Nội), gặp một số phạm nhân trẻ đang cải tạo tại đây và ghi nhận sự trải lòng của họ.

Ngồi nói chuyện với phóng viên, Vượng ngại ngùng vò gấu áo. Vượng là người dân tộc Thái, quê ở Mai Châu (Hòa Bình), vào trại từ tháng 4/2011.

“Anh này trẻ nhất trong trại”, người quản giáo giới thiệu. Vượng quay sang, bẽn lẽn cười. Người quản giáo nói thêm: “Trẻ thế mà phạm tội hiếp dâm đấy”. Vượng cười, tay vẫn mân mê chiếc áo tù. Theo hồ sơ vụ án, Vượng phạm tội hiếp dâm một em bé 4 tuổi - hàng xóm của Vượng.

Có lẽ một phần vì ngượng, phần vì không quen tiếp xúc người lạ và còn quá trẻ nên Vượng nói rất ít. Vượng kể, lúc ở trường, thấy bạn bè trong lớp xem phim “đen”, kể chuyện với nhau nên muốn bắt chước. “Về nhà, em ra chợ mua phim về xem. Hôm đó bố mẹ em đi vắng”, Vượng kể. Khi đang xem phim, thấy em bé hàng xóm đi ngang qua, Vượng không kiềm chế được, liền kéo vào nhà và giở trò đồi bại.

Em chỉ sợ… bố đánh

“Một lúc sau thì cô hàng xóm đi tìm em bé. Em sợ quá, trốn loanh quanh ở trong xóm”, Vượng kể. Vượng nhớ lại, lúc đó rất hoảng sợ, nhưng không phải sợ bị đi tù mà là “sợ bị bố đánh đòn”. Vượng bảo, không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật. “Bố em nóng tính lắm, lại hay uống rượu và quát mắng nên em sợ”, Vượng thật thà. Tuy thế, Vượng kể, do là con một trong nhà nên dù bố mẹ là lao động tự do, Vượng vẫn được nuông chiều.

 “Ra tù em sẽ không làm liều nữa. Em biết đó là hành vi vi phạm pháp luật rồi. Bạn rủ xem phim đen em cũng không xem. Em sẽ khuyên bạn, không nên xem và không nên hành động như em”.  

Phạm nhân Hà Văn Vượng

Gây án xong, Vượng vẫn đi học bình thường. Đến ngày thứ 12, lúc đến trường, thầy giáo bảo: “Em Vượng sẽ tạm nghỉ học mấy ngày”. Lúc đó Vượng mới biết, hành vi của mình là nghiêm trọng. Liền sau đó, Vượng bị bắt. “Lúc vào trại em sợ lắm! Ngại nữa. Mọi người nhìn thấy em cũng không nói gì cả”, Vượng kể. Hôm xét xử, Vượng bị tuyên phạt 4 năm tù. “Em nghe nói, khung hình phạt của em lên đến 12 năm. Sau đó chỉ bị tù 4 năm, em thấy vui”, Vượng nói.

Những ngày trong trại, Vượng bảo, nhớ bố mẹ, bạn bè, thầy cô. Cứ mỗi khi nhớ nhà, Vượng lại khóc. Vượng nhớ cuộc sống ngoài xã hội, có bố mẹ, thầy cô và bạn bè. “Lúc đó, em chưa nghĩ được nhiều. Em hối tiếc lắm, đáng lẽ không nên hành động như vậy”. Suốt từ đầu cuộc nói chuyện, đến lúc này mới thấy Vượng có suy nghĩ chín chắn.

Ngoài mức án 4 năm tù, gia đình Vượng phải đền bù thiệt hại cho gia đình em bé 6 triệu đồng. “Em cũng không biết bố mẹ chạy tiền ở đâu. Có khi phải bán trâu, bán ngô”.

Vượng cải tạo chăm chỉ, nên được xét giảm án 2 lần. “Cậu này sắp được ra rồi. Có lẽ đợt 30/4”, người quản giáo nói. Vượng quay sang cười bẽn lẽn. “Ra tù, em sẽ đi học tiếp. Cũng sợ các bạn trêu lắm, nên chắc em xin bố mẹ cho chuyển trường”, Vượng chia sẻ.

Gần 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục mỗi năm

Theo kết quả tổng kết Đề án IV trong chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm về tình trạng xâm hại trẻ em của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an, trong 5 năm (2006-2010) có gần 8.000 vụ xâm hại trẻ em. Cơ quan chức năng bắt giữ hơn 9.600 đối tượng. Đáng chú ý, xâm hại tình dục trẻ em chiếm 58,8% số vụ xâm hại trẻ em, trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Tính bình quân, một năm có gần 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục.

Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do sự buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình. Đồng thời, các văn hóa phẩm độc hại trên internet cũng tác động mạnh đến các suy nghĩ, hành vi lệch lạc của một bộ phận giới trẻ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.