Hồi sinh từ ‘cái chết trắng’

Hồi sinh từ ‘cái chết trắng’
Bằng nghị lực, ý chí cùng sự giúp đỡ của gia đình và cộng đồng, nhiều người sau cai nghiện đã vươn lên, làm lại cuộc đời

Hồi sinh từ ‘cái chết trắng’

Bằng nghị lực, ý chí cùng sự giúp đỡ của gia đình và cộng đồng, nhiều người sau cai nghiện đã vươn lên, làm lại cuộc đời

Giữa cái nắng oi ả, anh Trần Văn Lành vẫn cần mẫn lau chùi từng cửa kính tại một công trình xây dựng ở trung tâm TPHCM. Hình ảnh một thanh niên khỏe mạnh, chăm chỉ làm việc đối lập hoàn toàn với hình ảnh ốm yếu, gầy gò, suốt ngày chìm trong nghiện ngập 5 năm về trước.

Anh Trần Văn Lành đang vẽ hoa văn trang trí cho các tòa nhà
Anh Trần Văn Lành đang vẽ hoa văn trang trí cho các tòa nhà.
 

Biết cố gắng, xã hội không bỏ mình

Nhớ lại khoảng thời gian từ trường cai nghiện trở về, anh Lành tâm sự: “Đây là thời gian rất khó khăn. Nhưng chính trong môi trường đó, thấy những người đồng cảnh ngộ, nhiều người còn trẻ vô rồi mất, tôi quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời.

Khó khăn hơn nữa là giai đoạn hồi gia. Ánh mắt kỳ thị của mọi người làm tôi sợ và mặc cảm ghê gớm. Ghé nhà ai chơi, chủ nhà lúc nào cũng nhìn, sợ mình lấy cắp đồ. Rồi đi chơi với bạn, phụ huynh luôn “theo dõi” vì sợ con mình bị rủ rê nghiện ngập. Có một thời gian tôi sợ đến mức không dám ra đường, không dám làm gì hết”.

Những mặc cảm, tự ti ấy không ít lần khiến anh Lành lung lay ý chí. Nhưng rồi giai đoạn khó khăn cũng nhanh chóng trôi qua khi anh được gia đình đón nhận, bảo bọc. Ông Trần Văn Hiệp, cha của anh Lành, cho biết: “Có sai lầm, vấp ngã thì nó cũng là con của mình. Mình làm cha, làm mẹ mà không dang tay đón nhận thì sao xã hội đón nhận. Giờ tôi rất mừng vì con tôi đã làm được, từ bỏ ma túy và làm lại cuộc đời”.

Từ lúc tái hòa nhập cộng đồng tới nay, anh Lành đã 3 lần vay tiền của Ngân hàng Chính sách Xã hội, mua thêm dụng cụ để mở rộng dịch vụ vệ sinh tại gia. Nhờ ý chí vươn lên làm lại cuộc đời của anh, sau 5 năm đã có kết quả. Không những mở dịch vụ vệ sinh, tận dụng năng khiếu vẽ, anh còn nhận vẽ hoa văn trang trí cho các tòa nhà, vẽ tượng.

“Thật khó để mọi người tin là mình đã cai được ma túy. Muốn mọi người tin mình không phải là chuyện một sớm một chiều nhưng tôi không lấy đó làm bi quan, chán nản. Tôi cố gắng sống tốt hơn từng ngày. Xã hội sẽ không chối bỏ mình nếu mình biết cố gắng” - anh Lành bộc bạch.

“Hãy tìm sẽ thấy, có đi sẽ đến”

Không như anh Lành, nhiều người khác lại không đủ tự tin quay về với gia đình sau khi cai nghiện mà chọn Cụm Công nghiệp Nhị Xuân, huyện Hóc Môn - TPHCM để lao động và sống cuộc đời có ích, có ý nghĩa hơn.

Về Cụm Công nghiệp Nhị Xuân từ tháng 11-2007, chị Tô Ánh Tuyết thổ lộ: “Từ lúc sa ngã, rơi vào con đường nghiện ngập ma túy, nếm trải, chịu đựng bao thăng trầm, thử thách, ánh mắt gièm pha, soi mói của người đời nên tôi rất chán nản, buông xuôi, không chút tự tin. Bằng nghị lực, tôi đã cố gắng vượt qua quá khứ đau buồn để quay về với cuộc sống đời thường.

Cụm Công nghiệp Nhị Xuân đã giúp tôi hồi sinh, cho tôi sống lại với chính mình, bằng chính sức lao động của mình”. Hiện chị Tuyết đang làm công nhân may, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, chị gửi về nhà hơn 2 triệu đồng cho đứa con trai duy nhất ăn học.

“Việc cai nghiện rất khó, cần kiên nhẫn, cố gắng lắm mới được và cũng cần rất nhiều thời gian. Hãy đi từng bước, từng bước đạt kết quả thì nghị lực từ đó sẽ tăng dần lên. Không vấp ngã là tốt nhưng vấp ngã rồi mà biết tự đứng dậy thì còn tốt hơn. Hãy tìm sẽ thấy, có đi sẽ đến” - chị Tuyết chia sẻ.

Đồng hành với chị Tuyết ở Cụm Công nghiệp Nhị Xuân còn có chị Hà Thụy Hồng Vân. Chị Vân cho biết ở đây chị được xem như một người lao động bình thường bởi mọi người rất hòa đồng, không có sự kỳ thị, phân biệt. Chính điều đó đã giúp chị vượt qua những ngần ngại ban đầu và cho chị cơ hội làm lại cuộc đời.

Hiện tại, chị Vân đang làm công nhân may ở Công ty Tường Vân với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Nghĩ về khoảng thời gian chìm trong nghiện ngập, Vân hối tiếc: “Sự hiếu thắng, nông nổi của tuổi trẻ đã đưa tôi đến với con đường ma túy. Giờ nghĩ lại, tôi thấy giai đoạn đó thật khủng khiếp”.

Cần lắm sự bao bọc của gia đình, xã hội

Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cho biết đối với những người từng nghiện ma túy, từ bỏ cám dỗ từ “cái chết trắng” thật sự là một cuộc chiến dai dẳng, nguy cơ tái nghiện là rất lớn, đòi hỏi bản thân người nghiện phải có ý chí và quyết tâm cao độ.

Thế nhưng, điều đó vẫn chưa đủ nếu thiếu đi tình thương, trách nhiệm cùng sự động viên tinh thần từ những thành viên trong gia đình và sự đón nhận của cộng đồng. Đây là những yếu tố đóng vai trò quan trọng để những người từng lầm lỡ có cơ hội trở về với cuộc sống đời thường, vượt qua mặc cảm, tự tin, phấn đấu vươn lên trở thành những người công dân có ích cho xã hội.

Tạo việc làm cho người sau cai

Theo Sở LĐ-TB-XH TPHCM, tính đến cuối năm 2012, trên địa bàn TPHCM có 2.718 người thuộc đối tượng quản lý sau cai nghiện; 17.170 người tái hòa nhập cộng đồng hiện đang cư trú tại địa phương. Đã có 19.313 người sau cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng được hỗ trợ nhập hộ khẩu; 1.797 lượt người được vay vốn để tự tạo việc làm với tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn của các đoàn thể tại địa phương; 908 người được giới thiệu vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp…

Theo Người Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.