Đánh giá tác động trò chơi 'đánh trận giả'

Đánh giá tác động trò chơi 'đánh trận giả'
Những phản ánh tới báo chí tác động tiêu cực của tour du lịch bắn súng sơn (BSS) tại Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà đến hệ sinh thái, đặc biệt là động vật hoang dã tại đây. Những ngày qua, theo đề nghị của Sở NN&PTNT, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xem xét, đánh giá những tác động của trò chơi mô phỏng đánh trận giả này trước khi quyết định cho tiếp tục hoặc chấm dứt hoạt động.

Đánh giá tác động trò chơi 'đánh trận giả'

> Thêm sân chơi đánh trận giả cho giới trẻ Hà Nội

> Giới trẻ trổ tài bắn súng sơn

Những phản ánh tới báo chí tác động tiêu cực của tour du lịch bắn súng sơn (BSS) tại Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà đến hệ sinh thái, đặc biệt là động vật hoang dã tại đây. Những ngày qua, theo đề nghị của Sở NN&PTNT, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xem xét, đánh giá những tác động của trò chơi mô phỏng đánh trận giả này trước khi quyết định cho tiếp tục hoặc chấm dứt hoạt động.

 Trò chơi BSS tại KBTTN Sơn Trà
Trò chơi BSS tại KBTTN Sơn Trà.

Giao khoán đất rừng để... kinh doanh

Địa điểm tổ chức dịch vụ BSS là khu đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên tại khu vực Hải Đăng, Bãi Bắc, tiểu khu 63 (KBTTN Sơn Trà) được BQL KBTTN Sơn Trà trước đây giao khoán cho ông Phạm Hùng Mạnh (trú P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) để trồng rừng, bảo vệ rừng theo Nghị định 01/CP (ngày 4/1/1995) với tổng diện tích 33ha. Trong quá trình giao khoán, ông Mạnh đã trồng rừng, nuôi cá, trồng cây ăn quả, xây dựng nhà, lều quán, đường nội bộ để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái. Sau đó ông Mạnh đã ủy thác cho con trai là ông Phạm Trường Mai thành lập Cty TNHH Trường Mai để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái trên diện tích đất đã nhận khoán và đặt tên khu này là Nhất Lâm Thủy Trang Trà.

Theo Sở NN&PTNT, việc làm này đã vi phạm hợp đồng giao khoán, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo cơ quan chức năng đình chỉ mọi hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, cuối năm 2012, Cty Trường Mai đã liên kết với Cty TNHH Huy Khánh và Cty CP MDQ tổ chức dịch vụ BSS như đã nói ở trên. Trong văn bản báo cáo UBND TP Đà Nẵng, Sở NN&PTNT cho biết, khu vực BSS là một khoảnh rừng tự nhiên nơi sinh sống của động vật hoang dã, trong đó có quần thể thú linh trưởng quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng là Voọc chà vá chân nâu và Cu li. Hoạt động BSS sử dụng các phương tiện gây ồn, gây ô nhiễm môi trường, mang hóa chất độc hại, chất dễ gây cháy, thải rác trong KBTTN.

Ngày 13/6, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Nhì- Hạt trưởng hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết, theo quan sát của lực lượng kiểm lâm thì BSS có gây ồn, tụ tập đông người, có tiếng nổ, còn viên đạn của súng sơn có độc hại hay không và ảnh hưởng đến môi trường như thế nào thì cũng chưa biết được. Ông Nhì khẳng định: “Theo quy định về luật bảo vệ và phát triển rừng, không có bất cứ một trường hợp nào được sử dụng đất lâm nghiệp giao khoán để kinh doanh”.

 Theo lực lượng Kiểm lâm, trò chơi BSS tác động tiêu cực đến Voọc chà vá chân nâu và Cu li
Theo lực lượng Kiểm lâm, trò chơi BSS tác động tiêu cực đến Voọc chà vá chân nâu và Cu li.

Kiểm lâm nói “tạm dừng”, doanh nghiệp bảo “vẫn hoạt động”

Tại cuộc họp mới đây với các cơ quan chức năng, UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu tiến hành một cuộc khảo sát hiện trường cũng như đánh giá tác động của tour du lịch này. Chính quyền TP cũng yêu cầu Cty Trường Mai và các Cty liên kết lập hồ sơ, thủ tục để cơ quan chức năng thẩm định, sau đó sẽ quyết định tour BSS này có được phép tiếp tục hoạt động hay là chấm dứt. Trong buổi làm việc với chúng tôi, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn cho biết những ngày qua hoạt động BSS đã tạm dừng để chờ quyết định của UBND TP. BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, đơn vị xin chủ trương và đề nghị thành phố cho phép thành lập tour du lịch này cũng cho rằng mấy hôm nay tour không hoạt động.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thế Đức- Giám đốc điều hành Cty Huy Khánh, Phó Giám đốc Cty CP MDQ- đơn vị trực tiếp quản lý trò chơi BSS tại KBTTN Sơn Trà cho biết, trò chơi này vẫn hoạt động bình thường. “Vì tour du lịch này được UBND TP cho phép hoạt động nên chỉ khi nào thành phố bảo dừng thì chúng tôi mới dừng. Còn nếu không có chỉ đạo thì mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Hiện tại, các cơ quan chuyên môn đang khảo sát và đánh giá tác động”- ông Đức nói.

Không tham vấn ý kiến của cơ quan chuyên môn

Được biết, ngày 6/11/2012, sở VH-TT&DL TP đã khảo sát và có Công văn 1008/BQL xin UBND TP cho phép Cty Huy Khánh và Cty MDQ đưa vào khai thác tour bắn súng sơn tại khu vực rừng tự nhiên thuộc tiểu khu 63 của KBTTN Sơn Trà. Ngày 12/11/2012, UBND TP đồng ý chủ trương đồng thời yêu cầu Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng có trách nhiệm theo dõi việc tổ chức bắn súng sơn, đảm bảo không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái trong khu vực. Theo Chi cục Kiểm lâm, đây là khu đất lâm nghiệp được giao khoán cho ông Phạm Hùng Mạnh (trú P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà) làm vườn, trồng rừng với tổng diện tích là 33ha. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng đất, ông Mạnh đã tự ý xây dựng nhà, đường nội bộ, hồ nước để kinh doanh dịch vụ du lịch vi phạm hợp đồng khoán. Qua khảo sát về trò chơi bắn súng sơn, Chi cục đã có báo cáo gửi Sở NN&PTNT nêu rõ: hoạt động bắn súng sơn diễn ra tại khoảng rừng tự nhiên, là nơi sinh sống của các loài động vật hoang dã, đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có loài Voọc chà vá chân nâu và cu li.

Bên cạnh đó, trò chơi này còn sử dụng các phương tiện gây ồn, ô nhiễm môi trường, mang hóa chất độc hại gây tác động tiêu cực lên hệ sinh thái và vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ và phát triển rừng. “Cơ quan xin cấp phép để trò chơi này hoạt động ở đây không phải là cơ quan chuyên môn tham mưu quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, đã không tham vấn ý kiến của cơ quan chức năng thuộc ngành NN&PTNT. Hoạt động bắn súng sơn tại KBTTN Sơn Trà là không phù hợp với các quy định về Luật Bảo vệ và phát triển rừng”, văn bản của Chi cục Kiểm lâm trình Sở NN&PTNT nêu rõ.

Trên cơ sở đã nêu, Sở NN & PTNT đã có văn bản kiến nghị với UBND TP chỉ đạo dừng tour bắn súng sơn tại KBTTN Sơn Trà, đồng thời đề nghị Sở VH-TT&DL cần phải tham vấn ý kiến các cơ quan chuyên môn về quản lý rừng, bảo vệ rừng trước khi có kế hoạch tổ chức các hoạt động, sự kiện tại các KBTTN.

 Kiểm lâm nói không được, doanh nghiệp bảo... không sao
Kiểm lâm nói không được, doanh nghiệp bảo... không sao.

“Người kiến nghị không hiểu gì về súng sơn”?

Mang vụ việc này trao đổi với ông Phan Thế Đức - Giám đốc điều hành Cty Huy Khánh, Phó Giám đốc Cty CP MDQ, đơn vị trực tiếp quản lý trò chơi bắn súng sơn tại KBTTN Sơn Trà khẳng định: “Người viết văn bản kiến nghị không hiểu gì về súng sơn”. Ông Đức cho biết, tất cả trang thiết bị, phương tiện của trò chơi này đều chịu sự quản lý của Bộ Quốc phòng. Cụ thể, dụng cụ bắn súng sơn thực ra không phải là súng, còn các viên “đạn” có vỏ bằng con nhộng, bên trong có dầu thực vật và chất tạo màu.

Hỏi về diện tích trường bắn, ông Đức cho hay, tất cả chỉ 2.000m2 được quây lưới, xung quanh không hề có động vật sinh sống, không có cây cổ thụ. Về tiếng ồn từ việc bắn súng sơn và lưu lượng người lên xuống và ở trong trường bắn, ông Đức khẳng định là âm thanh không hề ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của voọc chà vá và cu li như phản ánh của Chi cục Kiểm lâm. Còn hoạt động của con người tại đây thì cũng như các tour khác đang khai thác tại KBTTN Sơn Trà.

Chiều 4/6, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Quỳnh - Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho hay, hiện tại Sở VH-TT&DL đã tổ chức họp để có câu trả lời chính thức về vụ việc này. BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng khi đề xuất UBND TP cho phép thành lập tour bắn súng sơn tại khu vực rừng tự nhiên thuộc tiểu khu 63 của KBTTN Sơn Trà đã không hề tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng. Việc này rõ ràng là không phù hợp với các quy định về Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Theo chúng tôi, trò chơi bắn súng sơn tại KBTTN Sơn Trà có hay không ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của động vật hoang dã và vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng hay không thì Chi cục KL, Sở NN&PTNT là cơ quan nắm rõ nhất. Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng khi đề xuất ý tưởng này chắc chỉ nghĩ tới việc phát triển du lịch mà không quan tâm đến sự tham vấn của cơ quan chuyên môn về đảm bảo sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái. Đã đến lúc các cơ quan phải ngồi lại để tìm tiếng nói chung và đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho vụ việc này.

Theo Công Khanh
Công an Đà Nẵng
Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG