Lăn vào cuộc sống

Lăn vào cuộc sống
TP - Mùa hè, nhiều sinh viên lên đường đi tình nguyện, quăng mình vào những nơi gian khó, nghèo khổ để có những trải nghiệm.

> Mùa hè xanh ở Thanh Hóa
> Áo xanh trải nghiệm vùng cao

Đến với dân bản

Gần một tháng nay, 7 đội sinh viên tình nguyện thuộc các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội về với vùng cao Văn Yên (Yên Bái) giúp đỡ người dân. “Trước khi về địa phương, các đội đã cử người lên khảo sát trước để lên kế hoạch”, anh Hoàng Kim Ninh, Bí thư Huyện Đoàn Văn Yên cho biết.

Theo đó, 7 đội được phân công về các xã còn khó khăn để giúp đỡ dạy học, sửa chữa, làm đường, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước… “Các đội nhiệt tình giúp đỡ bà con. Được bà con quý mến”, anh Ninh nhận xét.

Do mưa lũ ngập con đường dẫn vào hai bản thuộc xã Xuân Ái bị chia cắt nên chúng tôi không tiếp cận được 2 đội tình nguyện của ĐH KHXH&NV Hà Nội đang đóng quân ở đó. Chúng tôi ngược lên thăm đội sinh viên tình nguyện Khoa Luật tại xã An Bình.

Từ thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên), chúng tôi ngược gần 20 km mới tới được đại bản doanh của 41 sinh viên tình nguyện tại Trường mầm non xã An Bình. “Mấy hôm nay trời mưa, không đi làm được nên chúng mình tập văn nghệ chuẩn bị cho chương trình tổng kết”, Nguyễn Ngọc Quý, Đội trưởng Sinh viên tình nguyện, nói.

Theo Quý, hơn chục ngày nay, cả đội chia nhau thành các tổ đi dạy học, đi tuyên truyền, đi đào đường phục vụ bà con. Tranh thủ các buổi tối, những hôm trời mưa thì ở nhà tập văn nghệ.

Đội sinh viên tình nguyện tại xã An Bình (Văn Yên, Yên Bái) tập văn nghệ
Đội sinh viên tình nguyện tại xã An Bình (Văn Yên, Yên Bái) tập văn nghệ .

Cũng vì trời mưa nên hai cô giáo tình nguyện Đỗ Thị Nhàn và Đào Hà My ở nhà tập kịch. Nước ở con suối trên đường hai cô đi vào bản dâng cao và chảy xiết, không thể đi được. Hơn chục ngày nay, cứ mỗi buổi sáng, Nhàn và My lại đi bộ hơn 5 km đường rừng vào dạy chữ cho trẻ em. “Các em ham học. Mỗi lớp có 30 em. Mưa các em cũng đến lớp. Có em không có dép đến trường; có em phải đi bộ gần chục ki lô mét”, Nhàn nói.

Theo Nhàn, bình thường những ngày hè, các em thường ở nhà với gia đình, nhưng được sự động viên của sinh viên tình nguyện nên đến trường rất đầy đủ. “Ngoài việc dạy học, bọn mình còn tổ chức các trò chơi, dạy múa, hát nên các em rất thích và muốn học”, My kể. Tranh thủ trời mưa, Nhàn và My làm gấu bông tặng học sinh dịp kết thúc đợt tình nguyện.

Ngoài nhiệm vụ dạy học, những ngày bình thường, cả đội Nhàn, My đều đi sửa đường, đào hố rác, vệ sinh làng, bản cho bà con. “Có hôm, chúng mình phải đi bộ hơn 8 km để làm đường. Mệt nhưng vui lắm. Làm xong còn được bà con dân bản giết lợn mời cơm”, Quý nói.

Trải nghiệm

Ở Vĩnh Phúc, những ngày này đã là đợt cuối của các hoạt động tình nguyện. Vừa trải qua 15 ngày hoạt động, đang chuẩn bị gói đồ đạc về Nam Định thì Phạm Thị Dịu (sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội 2) nhận được cuộc gọi của bạn bè đề nghị ở lại tiếp tục tình nguyện.

Dịu lại vác cuốc cùng các bạn đi nạo vét kênh thủy lợi ở phường Xuân Hòa, thị xã Phúc Yên. “Mình quen với những công việc này rồi. Ở quê, nhà mình cấy 1,5 mẫu ruộng”, Dịu chia sẻ. Dịu kể, kỳ nghỉ hè, hoàn thành công việc ở nhà xong, Dịu mới xin phép gia đình đi tình nguyện.

 Hai năm mình đi tình nguyện, giờ việc gì cũng biết. Có thể nhóm bếp, nấu ăn, chặt củi….

“Tiểu thư” Nguyễn Ngọc Trâm- Sinh viên Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội

Để hoàn thành nạo vét kênh thủy lợi dài gần 2km, hơn 100 đoàn viên thanh niên thị xã Phúc Yên mất hơn một tiếng đồng hồ. Với Vũ Thị Lan Anh, sinh viên trường Trung cấp Xây dựng số 4, đây là lần đầu tiên Anh có cơ hội được cầm cuốc, xẻng đi làm tình nguyện. “Nhà mình không cấy ruộng. Nay được đi ra ruộng cuốc đất, rẫy cỏ, mệt nhưng vui”, Anh chia sẻ.

Cũng giống như Anh, với nhiều sinh viên, mỗi lần đi tình nguyện là một lần được trải nghiệm. Trước đây, mỗi mùa hè của Nguyễn Hoàng Long (sinh viên Khoa Luật – tình nguyện tại Yên Bái) thường gắn với bốn góc nhà và trò chơi điện tử. Từ ngày đi tình nguyện, Long hiểu biết thêm nhiều. Long thấy yêu mến và muốn cống hiến một chút sức lực nhỏ bé của mình cho bà con dân bản.

Cùng đội với Long, Nguyễn Ngọc Trâm từng được gọi là “tiểu thư”. Nhà Trâm ở phố cổ Hà Nội nên chưa bao giờ Trâm biết đến những việc như cắt cỏ, trồng lúa, cuốc đất, trồng rau. “Hai năm mình đi tình nguyện, giờ việc gì cũng biết. Có thể nhóm bếp, nấu ăn, chặt củi…”, Trâm nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.