Xây dựng nhân cách đẹp cho thế hệ trẻ

Xây dựng nhân cách đẹp cho thế hệ trẻ
TP - Ngày 9/11, tại Hà Nội, diễn ra hội nghị nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân về “Nhân cách của thanh niên - Những giải pháp cơ bản, đồng bộ và kịp thời” do T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với T.Ư Đoàn tổ chức. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục, nhà quản lý, nghiên cứu về thanh niên tham dự hội nghị.

> Bàn về nhân cách thanh niên
> Giáo dục, phát triển nhân cách thanh niên

Giáo dục có ảnh hưởng rất lớn

Báo cáo đề dẫn của T.Ư Đoàn nhận định, trong giai đoạn hiện nay, thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang chứng tỏ được bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, tích cực lao động sản xuất, tiến vào khoa học, công nghệ.

Đa số thanh niên ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc và nhân dân, ra sức học tập, phấn đấu về mọi mặt với khát vọng cống hiến vì tương lai của dân tộc.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên có những biểu hiện tiêu cực. “Đó là những nguy cơ đe dọa tương lai của chính thanh niên, đồng thời cản trở sự phát triển theo hướng lành mạnh, tiến bộ và văn minh của xã hội”, báo cáo viết.

Anh Nguyễn Đắc Vinh
Anh Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại Hội nghị.

Nhân cách không tự nhiên mà có, cũng không mặc định ở mỗi con người. Vai trò của tổ chức Đoàn là phối hợp với các tổ chức xã hội khác, định hướng cho thanh niên hướng tới những giá trị tốt đẹp để thế hệ trẻ có thể hoàn thiện nhân cách của mình

Anh Nguyễn Đắc Vinh -
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, xã hội đang đau đầu với những hiện tượng bất thường của giới trẻ như các vụ bạo lực học đường, vi phạm pháp luật, hay việc giới trẻ Việt chửi tục, nói bậy, khoe thân trên mạng xã hội…

“Chúng ta phải phân tích, nhìn nhận nguyên nhân, cách khắc phục cụ thể. Nếu chỉ hô khẩu hiệu sẽ không giải quyết được vấn đề”, anh Vinh nói.

Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, có rất nhiều yếu tố tác động đến nhân cách, lối sống của thanh niên như gia đình, nhà trường, xã hội, các trò chơi bạo lực trên internet, mạng xã hội…

Tuy nhiên, theo ông, ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm lớn trong vấn đề này. “Chúng ta phổ cập giáo dục từ lớp 1 đến lớp 9, nhưng vẫn chú trọng dạy chữ hơn dạy người”, ông Cương nói. Ông lấy ví dụ, các môn học đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường ít được coi trọng hoặc có nội dung không phù hợp.

“Tại sao trong môn giáo dục công dân lại có những nội dung về quy luật biện chứng, quy luật kinh tế, mô hình nhà nước…”, ông Cương đặt câu hỏi. Ông cũng nêu hiện thực, việc giáo dục đạo đức trong nhà trường nhiều khi không có hiệu quả vì “thầy cô giáo dạy học sinh tính trung thực, không nói dối, nhưng trong giờ kiểm tra lại cho học sinh xem tài liệu, nhìn bài của nhau… thì dạy làm sao được”.

Cũng nói về tác động của hệ thống giáo dục, đại diện cán bộ Đoàn của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lấy ví dụ từ chính cuộc sống gia đình mình. “Con tôi sắp vào lớp 1. Thay vì những bài học phân biệt phải trái, đúng sai, nhận biết ban đầu về cuộc sống, hình thành nhân cách thì cô giáo lại dạy làm toán. Theo tôi, cái này là chưa cần thiết”, anh nói.

Tiến sĩ khoa học Ngữ văn Đoàn Hương cho rằng, chất lượng người thầy đóng vai trò quan trọng, vì người thầy là “máy cái” có ảnh hưởng rất lớn tới học trò. Ngoài ra, dạy cái gì và dạy thế nào cũng là một vấn đề cần được cải thiện.

“Có những cuốn giáo trình dùng liên tục tới 40 năm”, bà Hương nêu thực tế. Bà Hương cũng cho rằng, khả năng tự học, văn hóa đọc của thanh niên bây giờ còn yếu, trong khi đó, giới trẻ lại quá đam mê mạng xã hội. “Có quá nhiều vấn đề liên quan mạng xã hội. Có những trường hợp đau lòng về mạng ảo và cái chết thật”, bà Hương dẫn chứng trường hợp, có bạn trai vui đùa, ghép đầu một cô bạn thân vào thân hình khỏa thân trên mạng, dẫn đến cô bé xấu hổ phải tự tử.

Đoàn cần định hướng giá trị nhân cách

 Thanh niên cần sự giúp đỡ hơn là sự chê trách. Chúng ta phải giúp thanh niên xây dựng niềm tin, để thanh niên vượt qua được khó khăn, tự chủ đi lên, sáng tạo, tự lực, tự cường. Thanh niên hãy tự tin vào khả năng của mình

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Vũ Trọng Kim


Phát biểu tại hội nghị, anh Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư Thành Đoàn TPHCM nêu một thực tế về hoạt động Đoàn ở TPHCM: trong một cuộc khảo sát gần 10.000 người dân thành phố về chủ đề xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở TPHCM, thì phần lớn người dân đều có chung lo ngại về lối sống thiếu ý thức, lý tưởng của đoàn viên, thanh niên. Hiện nay nhiều đoàn viên, thanh niên đang mất định hướng về giá trị. Chuẩn mực xã hội đang bị đảo lộn.

“Đó là một thực tế đáng để chúng ta suy ngẫm về vai trò của tổ chức Đoàn đối với việc hình thành nhân cách thanh niên”, anh Thắng nói. Theo anh Thắng, vấn đề đặt ra là tổ chức Đoàn phải quan tâm đến các nội dung hoạt động, phải định hướng được giá trị đích thực cho thanh niên, tạo môi trường rèn luyện bằng các hoạt động, phong trào, cuộc thi thiết thực, tạo động lực phấn đấu bằng những giải thưởng tôn vinh, đồng thời luôn đồng hành, quan tâm thanh niên.

“Đoàn chỉ có thể xây dựng một môi trường lành mạnh cho nhân cách của thanh niên phát triển nếu trong đó không có những sự vẩn đục của các yếu tố khác. Tôi đọc được tài liệu cho rằng các yếu tố có ảnh hưởng đến hình thành nhân cách một con người gồm yếu tố di truyền, môi trường sống, hoạt động giao tiếp, giáo dục, hoạt động cá nhân. Duy nhất có di truyền là Đoàn không tham gia được, còn 4 yếu tố còn lại, Đoàn hoàn toàn có thể tham gia vào hình thành nhân cách”, anh Thắng đề xuất.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục (ĐHSP Hà Nội) đặt ra hai câu hỏi: Giáo dục cái gì? và Giáo dục bằng con đường nào?. Tiến sĩ Sơn đề nghị, nên giáo dục thanh niên có phẩm chất tự chủ, bởi chỉ có thế mới đứng vững và sáng tạo được. Cùng với đó là giáo dục nhân cách, giáo dục giá trị, trong đó cốt lõi nhất là giáo dục các giá trị nhân bản, các chuẩn mực đối xử giữa con người với con người. Tiến sĩ Sơn cho rằng, cách giáo dục này không thể bằng thuyết giảng mà phải bằng 2 con đường chính.

“Một là con đường trải nghiệm. Có một đứa trẻ ích kỷ không chịu giúp ai cả nhưng một buổi tối nó bị hỏng xe và được giúp đỡ. Điều đó sẽ khiến nó thay đổi suy nghĩ. Con đường thứ 2 là học tập kinh nghiệm ngoài xã hội thông qua việc quan sát hành vi của xã hội để thay đổi hành vi của mình”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, việc giáo dục qua truyền thông cũng là một biện pháp nên phát huy. “Tôi thấy trên Tiền Phong, Tuổi Trẻ có nêu các tấm gương về cuộc sống. Thanh niên rất khao khát những giá trị chân chính. Truyền thông phải làm thế nào để thanh niên vươn lên, học tập…”, ông Sơn cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG