Trưởng khoa đại học trẻ nhất VN : 25 tuổi !

Trưởng khoa đại học trẻ nhất VN : 25 tuổi !
TP - Ít ai biết rằng người giữ vị trí Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch (QTKD&DL) của ĐH Hà Nội là một Thạc sĩ mới 25 tuổi! Khi nhậm chức năm 2002, Hoàng Gia Thư (sinh năm 1977) vừa tốt nghiệp thạc sĩ ĐH Central Queensland, Australia.
Trưởng khoa đại học trẻ nhất VN : 25 tuổi ! ảnh 1
Trưởng khoa Hoàng Gia Thư

Đây là khoa có tới 75 – 80% sinh viên khóa đầu tiên có việc làm từ khi chưa tốt nghiệp và trở thành sự lựa chọn “nóng” nhất của thí sinh thi vào trường ĐH Hà Nội.

Tiền phong đã có cuộc trò chuyện với vị Trưởng khoa Đại học trẻ nhất Việt Nam ngay tại buổi lễ tốt nghiệp cho sinh viên khóa học đầu tiên vào ngày cuối năm 2006.

Tuổi đời mới 25, kinh nghiệm giảng dạy hầu như chưa có, anh có thấy mình quá “ngợp” khi đảm nhận vai trò Trưởng khoa vào năm 2002?

Có nhiều người hoài nghi về điều đó. Thời điểm ấy, tôi cũng đã giảng dạy bằng tiếng Anh rồi. Nhưng tôi nghĩ, áp dụng phương pháp giảng dạy như đã được học ở Australia thì không có gì là mạo hiểm cả.

Điều đó hiện thực hóa mong muốn của tôi bấy lâu: Áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến, khoa học hơn để khẳng định vai trò, dấu ấn của một khoa cũng hoàn toàn mới mẻ.

Tuy nhiên, giờ nhìn lại tôi cũng thấy mình liều lĩnh vì ở tuổi 25 tôi chưa lường hết được sự phức tạp và nhiều thử thách.

Nhưng cũng như nhiều bạn trẻ khác, tôi luôn mong muốn được thử thách bởi một mặt phải đối diện và trải qua nhiều khó khăn, mặt khác công việc sẽ mang lại sự trưởng thành và tính trách nhiệm rất lớn.

Nghĩa là trong thời gian học ở Australia, anh đã chuẩn bị tinh thần để trở thành một giảng viên đại học?

Ban đầu, tôi không có mục đích làm giảng viên! Tôi thường xuyên quan sát và để ý phương pháp giảng dạy của các giáo sư nước ngoài bởi ngay kỳ học đầu tiên, tôi phải học rất vất vả.

Khó khăn đó không phải về ngoại ngữ, sự tiếp thu mà do quá quen với phương pháp học ở Việt Nam: Thầy đọc, trò ghi, lịch ôn và thi dày đặc. Tại ĐH Central Queensland, tôi thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của Trung tâm hỗ trợ sinh viên học tập.

Hiện nay, khoa QTKD&DL có 3 chương trình đào tạo là: Quản trị kinh doanh; Du lịch và Tài chính ngân hàng, mỗi năm tuyển sinh trung bình 200 SV.

Có gần 80% trên tổng số 150 SV khóa I đã được nhận vào làm tại Management Trainees Programme của tập đoàn Unilever, Cty kiểm toán Ernst and Young (Mỹ), Cty Canon và các ngân hàng, các sàn giao dịch chứng khoán…

Vì thế, cách học thường xuyên nghiên cứu và thực hành đã tác động rất mạnh đến tôi và tôi đã rút ra cách học đó cho mình và ứng dụng vào  giảng dạy hiện nay.

Là một trong những người sáng lập ra khoa QTKD&DL giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, căn cứ vào điều gì anh khẳng định sự lựa chọn của mình là đúng?

Điều này xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Tôi cho rằng, khoa QTKD&DL sẽ đáp ứng được nhu cầu của những người có tiếng Anh nhưng lại không có chuyên môn đang đổ xô đi học về quốc tế, kế toán, ngoại giao, ngoại thương và ngược lại, những người có chuyên môn lại đổ xô đi học tiếng Anh.

Vậy tại sao lại không có một khoa hoàn toàn có thể đáp ứng được 2 nhu cầu đó: vừa cung cấp kiến thức chuyên môn lại sử dụng tiếng Anh thực sự thành thạo.

Tiếng Anh có vị trí lớn đối với học sinh Việt Nam. Nhưng để có vốn ngoại ngữ sâu thì rất khó cho nên việc giảng dạy chuyên ngành hoàn toàn bằng tiếng Anh đã thỏa mãn yêu cầu bấy lâu của người học.

Hơn nữa, tiền thân của ĐH Hà Nội là ĐH Ngoại ngữ nên kinh nghiệm và việc giảng dạy bằng ngoại ngữ không có gì khó khăn.

Thuận lợi nữa là, nguồn giảng viên rất phong phú bởi đây là môi trường làm việc đáp ứng với mong muốn của nhiều thạc sĩ, tiến sĩ trẻ đã tốt nghiệp ở các trường danh tiếng trên thế giới vốn ao ước có nơi làm việc để được thể hiện năng lực, tri thức.

Nếu như ngày thành lập có 4 giảng viên thì nay lên tới 20 người và sẽ ổn định con số 30 giảng viên vào năm 2007 khi những du học sinh cao học tốt nghiệp về nước.

Giữa chúng tôi có một điểm chung là yêu thích công việc mới mẻ này. Cho dù thu nhập còn là vấn đề nan giải nhưng sự đam mê là một cam kết lớn nhất cho sự tồn tại và trưởng thành của khoa.

Phương Hiếu
thực hiện

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.