Những kẻ 'kê khống tiền siêu hạng'

Những kẻ 'kê khống tiền siêu hạng'
Minh trong mắt bố mẹ là người con biết tiết kiệm, tiêu xài đúng mực nhưng Minh trong mắt bạn bè lại là cô nàng “kê khống tiền siêu hạng” để ăn chơi.

Mỗi tháng bố mẹ chu cấp cho một trăm nghìn tiền tiêu vặt, mua sắm linh tinh nhưng Minh vẫn rủng rỉnh tiêu xài.

Mỗi lần đi sắm đồ, cô thỏa thích mang về cả tá dây buộc tóc, khuyên tai, túi xách quần áo cùng những bữa ăn “vặt” cả trăm nghìn.

Minh cho rằng một trăm nghìn tiêu vặt một tháng với học sinh lớp 9 như Minh là quá ít, Minh áp dụng chiêu kê khống tiền mỗi khi có giấy báo đóng góp gửi về gia đình.

Bên cạnh những khoản đóng góp chính, Minh tự ý đặt thêm ra những con số và lý do rất chính đáng: Tiền học tăng tiết, tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt, tiền xây nhà tình nghĩa, mua quà tặng thầy cô nhân dịp… sinh nhật, và số tiền dôi ra cũng lên đến hai trăm nghìn nữa.

Bạn bè thì ganh tị trước những món đồ lấp lánh của Minh, còn bố mẹ thì thấy con ngoan ngoãn, tiền đóng học đầy đủ, chi tiết rõ ràng nên rất tin tưởng và tự hào.

Hồi đầu nói dối, Minh còn rụt rè lắp bắp với những món tiền khống chỉ từ 30 - 50 nghìn đồng, dần dần Minh “luyện” được giọng nói thản nhiên, ánh mắt thờ ơ khi mẹ đưa tiền và trong đầu luôn sẵn sàng bùng nổ những câu trả lời khi mẹ bất ngờ chất vấn.

Để “làm giàu” cho mình hơn nữa, cứ mỗi dịp lớp tổ chức liên hoan, đi tham quan, Minh tìm mọi cách kê số tiền chi phí lên đến vài trăm.

Vừa rồi lớp tổ chức đi Cúc Phương hai ngày và theo kế hoạch là sẽ dựng trại ngay ở bìa rừng, nhưng Minh báo lại với gia đình rằng đi hai ngày và phải thuê phòng nghỉ qua đêm ở khu du lịch sinh thái nên giá cả đắt đỏ, từ 150 nghìn ban đầu Minh nâng cấp thành 400 nghìn.

Bố mẹ chiều lòng con gái và đầu hàng trước lời mè nheo của Minh: “Năm cuối cấp rồi, bố mẹ cho con đi một lần, khi về con sẽ học hành cẩn thận”.

"Nhờ vả" bạn bè

Lan Phương, cô bé nhỏ nhắn của lớp 10A trường PTCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) đang dần bị bạn bè trong lớp tẩy chay. Phương chơi với mấy chị “sành điệu” lớp trên và được truyền “bí quyết” rủng rỉnh, ăn chơi thoải mái không mất tiền.

Phương chọn những anh bạn cùng lớp thân thiết, quý mến mình và bắt đầu chiến dịch “sự cố giữa đường”. Cứ hễ đi đâu một mình và không rủng rỉnh, Phương gọi điện cho vài người: “Đến giúp tớ với, tớ bị hỏng xe mà quên không mang theo tiền”.

Xe hỏng một cách “ngẫu nhiên” cộng với những chầu pizza, kem Ý đã khiến không ít chàng ngại ngùng không dám nghe điện của Phương đến lần thư hai.

Nếu không thích đi ăn, Phương sẽ tìm đến những shop đồ phụ kiện và thoải mái chọn vòng đeo tay, nơ buộc tóc… và chỉ nhờ gọn lỏn: “Cậu trả giúp tớ, mai đi học tớ gửi lại nhé.”

Lâu dần thành thói quen, Phương còn bịa ra cả trăm lý do để vay tiền bạn bè. Lúc thì: “Thiếu tiền đóng học”, khi thì “quên tiền ăn trưa ở nhà” và cả “hết tiền tặng quà cho ban trai ngày sinh nhật”…

Cứ đến hạn trả tiền cho bạn là Phương ù tai, bần thần cả người. Bạn bè riết róng, thậm chí có người đã từng giúp Phương khi “hoạn nạn giữa đường” đã làm khó Phương khi gọi điện nhờ “giúp lại”.

Uy tín và sự đáng yêu của Phương mất dần, những món đồ đẹp đáng yêu không còn mê hoặc được Phương nữa. Cô nhận ra mình đang mất dần mọi thứ, kể cả người bạn thân hay tâm sự khi Phương lỡ hẹn không trả tiền cho bạn đóng học.

Phi vụ "làm giàu" khiến Minh quay cuồng nhất là cách đây hơn 4 tháng, cô đã trót cầm 1 triệu đồng tiền học thêm tiếng Anh tại trung tâm để tổ chức sinh nhật ngoài quán café. Đổi lại vài ngày sinh nhật rủng rỉnh, cứ 19h30, Minh xách balô ra khỏi nhà và chờ hết 21h tan giờ “học thêm” mới dám về nhà.

Có những hôm trời mưa không biết đi đâu cô bé trú tạm tại quán net gần nhà. Minh lang thang như thế đúng hết 3 tháng học và gầy rộc đi trông thấy, học hành sa sút mà không dám nói với bố mẹ.

Theo T.Quỳnh
VTC

MỚI - NÓNG