Chăm lo hơn nữa đời sống thanh niên công nhân

Chăm lo hơn nữa đời sống thanh niên công nhân
TP - Trong ngày làm việc cuối, Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ năm (khóa X) cho ý kiến về Nghị quyết về phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh; Chuyên đề thí điểm nhiệm kỳ ĐH Đoàn tại một số khu vực đặc thù; Kết luận “Một số giải pháp tăng cường đoàn kết tập hợp thanh niên tại khu vực đặc thù”.

> Năm thanh niên tình nguyện
> T.Ư Đoàn tuyển đại biểu chương trình Lãnh đạo trẻ sáng tạo

Thanh niên công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Thanh niên công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Các đại biểu nêu thực tế, hầu hết tại các tỉnh có khu công nghiệp, khu chế xuất đều giao chỉ tiêu thành lập mô hình hoạt động, tổ chức Đoàn ngoài quốc doanh, tuy nhiên mô hình có nhưng ít, thậm chí không tổ chức được hoạt động. Chỉ vài thành phố lớn có trung tâm hỗ trợ công nhân tổ chức các hoạt động khá hiệu quả.

Anh Hoàng Quốc Thưởng cho biết, thanh niên công nhân không chỉ gặp khó khăn về đời sống mà vấn đề sức khỏe cũng rất đáng lo ngại khi phần đông mắc các bệnh nghề nghiệp; nhiều công nhân nữ ít có cơ hội tìm kiếm bạn đời vì cường độ làm việc cao. “Nếu không có chính sách, cơ chế cụ thể, Đoàn lại không kêu gọi được nguồn lực hỗ trợ thanh niên công nhân thì lực lượng này bị “bỏ rơi” và đối mặt nhiều khó khăn trong công việc, trong cuộc sống”, anh Thưởng nói.

 Thời gian tới, BCH T.Ư Đoàn đánh giá sự chuyển động cụ thể của từng nghị quyết đã ban hành để đổi mới nội dung, cách ban hành nghị quyết theo hướng khoa học, thiết thực 

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn NGUYỄN ĐẮC VINH

Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh, xu hướng hiện nay là thanh niên chuyển từ nông thôn sang làm việc trong doanh nghiệp mà phần đông là doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Đoàn cần tập trung giải quyết vấn đề xây dựng mới đồng thời củng cố hoạt động hiệu quả của các địa chỉ hỗ trợ công nhân đã có để nâng cao điều kiện ăn ở học tập, sinh hoạt, giải trí ngày càng tốt hơn, góp phần giúp các doanh nghiệp phát triển hài hoà.

Về giải pháp tăng cường đoàn kết tập hợp thanh niên tại khu vực đặc thù, anh Nông Việt Yên, Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái cho biết, tại một số huyện của tỉnh đã gắn với hoạt động tình nguyện với giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc như thành lập hội nhóm, câu lạc bộ hỗ trợ việc làm, giúp nhau làm phát triển kinh tế.

Tỉnh Đoàn vận động một số doanh nghiệp đầu tư máy xay xát, máy trộn bê tông để các CLB tổ chức xay xát lúa, làm nhà cho cả thôn, xóm đó với tinh thần giúp đỡ nhau mà vẫn có kinh phí hoạt động.

Mặt khác, tại các khu vực đặc thù, Đoàn vận động, sử dụng thanh niên dân tộc khu dân cư đó làm nòng cốt xây dựng phong trào. “Tỉnh Đoàn đề nghị hình thức tuyển thẳng (không qua thi tuyển công chức) những sinh viên dân tộc phù hợp với các vùng đặc thù công tác tại huyện, tỉnh Đoàn”, anh Yên nói.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Đoàn luôn hướng về TN công nhân để giúp đỡ, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho họ nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thực sự hiệu quả, các hoạt động tổ chức giới hạn bởi ít có nguồn lực hỗ trợ.

“Đoàn luôn nỗ lực tiếp cận với giới chủ doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động cho công nhân. Để trở thành công việc thường xuyên, hiệu quả, chúng ta cần xây dựng chủ trương, phương hướng, từng bước để gây dựng hoạt động Đoàn trong DN. Hiện tại, vì chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng về tổ chức Đoàn, Hội trong DN nên phải từng bước tổ chức, xây dựng loại hình tổ chức mới này trong hệ thống hoạt động của Đoàn”, anh Vinh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG