Trải nghiệm 'học không biên giới'

Trải nghiệm 'học không biên giới'
Tham dự diễn đàn Giáo dục không biên giới tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), Nguyễn Hoàng Vũ cùng 1.000 sinh viên của 131 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã trải nghiệm những phương pháp giáo dục rất mới mẻ, thú vị.

Trải nghiệm 'học không biên giới'

Tham dự diễn đàn Giáo dục không biên giới tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), Nguyễn Hoàng Vũ cùng 1.000 sinh viên của 131 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã trải nghiệm những phương pháp giáo dục rất mới mẻ, thú vị.

Hoàng Vũ (cầm cờ Việt Nam) cùng bạn bè quốc tế chuẩn bị lễ khai mạc dưới chân tháp Burj Khalifa - Ảnh do nhân vật cung cấp
Hoàng Vũ (cầm cờ Việt Nam) cùng bạn bè quốc tế chuẩn bị lễ khai mạc dưới chân tháp Burj Khalifa - Ảnh do nhân vật cung cấp.

Vũ đang là sinh viên năm 4 Đại học Ngoại thương (cơ sở 2 TP.HCM), đại diện duy nhất đến từ Việt Nam dự diễn đàn này, diễn ra từ ngày 28 đến 31-3 vừa qua.

Chúng ta cùng học

Với tên gọi Giáo dục không biên giới, diễn đàn đặc biệt chú trọng đến quyền được nói và chủ động thể hiện kiến thức của sinh viên tham gia. Các bạn được cùng nhau trao đổi dựa trên các bài viết xuất sắc của chính sinh viên ở đủ các chủ đề: kinh tế, khoa học, xã hội, hóa học, vật lý, chính sách và truyền thông...

Diễn đàn Giáo dục không biên giới (Education Without Borders) được tổ chức hai năm một lần tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) từ năm 2001 với tinh thần “Giáo dục không có biên giới” (Education has no borders), mục tiêu là kết nối các dự án trẻ nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu nhất cho những thách thức toàn cầu hiện nay.

Vũ cho biết trong đó có những bài viết gây ấn tượng mạnh với toàn bộ đại biểu tham gia như: kế hoạch phát triển dầu sinh thái (greening oil) của bạn Melissa Ta (Canada) về việc khai thác dầu khí nhưng đảm bảo không làm ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường xung quanh, hay bài viết mang tính đột phá về kỹ thuật với việc vận dụng tín hiệu GPS phát triển hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông cho phương tiện ưu tiên như xe cấp cứu, cứu hỏa (GPS based traffic signal controller for uninterrupted movement of emergency vehicles) của bạn Sudharssun Subramanian (Ấn Độ)...

Không có người làm “chủ xị” đứng trên bục cao, chỉ có những con người tuổi 19, 20 đầy nhiệt huyết cùng nhau tìm hiểu, chỉ ra các điểm yếu điểm mạnh của từng kế hoạch, tự học hỏi lẫn nhau. Bài viết tham gia hội nghị của Vũ là ứng dụng vật liệu xanh vào xây dựng (Green material in construction), vì hiện tại ngành xây dựng đang sử dụng đến 40% vật liệu thô và là ngành làm ô nhiễm môi trường lớn nhất thế giới. Không ngờ ý tưởng này cũng tương đồng với suy nghĩ của nhiều bạn khác, đặc biệt là các bạn đến từ Nam Phi, Trung Quốc, nên việc bàn luận và đóng góp phát triển ý tưởng cho nhau rất thuận lợi.

Bản lĩnh khi đứng trước hàng ngàn người trình bày và phản biện một vấn đề của các bạn sinh viên trên thế giới cũng là điều khiến Vũ ấn tượng: “Trước giờ tôi vẫn nghĩ các bạn ở các nước như Mỹ, Anh sẽ tự tin hơn, giỏi hơn các nước còn lại, nhưng trong diễn đàn tôi nhận ra các bạn đến từ Pakistan, Kenya, Ấn Độ... - những quốc gia còn nhiều khó khăn - vẫn rất đĩnh đạc và trình bày bài của mình lưu loát với kiến thức vượt trội khiến bạn bè nhiều nước phải ngưỡng mộ. Đó cũng là điều mình cần học hỏi khi ra biển lớn”.

Ai cũng có thể là thầy mình

Nhiều vị khách mời đặc biệt cũng đã xuất hiện trong diễn đàn trao đổi cùng sinh viên, trong đó có cựu thủ tướng Anh Tony Blair, cựu thủ tướng nước Cộng hòa Kenya Raila Amolo Odinga... Các diễn giả cũng chỉ đứng trên sân khấu khoảng năm phút để giới thiệu sơ lược, sau đó đi hẳn xuống hàng ghế sinh viên để trao đổi. Không khí rất cởi mở và thân thiện, nhiều bài học cứ thế được chuyển tải đến các bạn rất nhẹ nhàng, thoải mái.

Chẳng hạn như ông Robert Swan - nhà thám hiểm và hoạt động môi trường hàng đầu thế giới, không hề nói gì về các thành tích hoạt động nổi bật của mình hay các thông số, kiến thức môi trường, ngược lại ông chỉ kể tỉ mỉ về câu chuyện chiến thắng bản thân để đạt được mơ ước chinh phục “thế giới băng giá” Bắc cực cũng như những nỗ lực nhỏ từng bước một của bản thân để đạt được mục tiêu: “Hãy làm đi, nhiều bạn trẻ đã nghĩ và mơ ước rất xa nhưng khi nghĩ kỹ quá lại nảy sinh nhiều lo lắng, e ngại và cuối cùng thì bỏ cuộc!”.

Một nhân vật khác làm nhiều bạn bất ngờ nữa là cô bé diễn giả chỉ mới 13 tuổi người Mỹ Adora Svitak. Có lẽ nhiều người đã biết đến Adora như một thần đồng văn chương tí hon với cuốn sách Những ngón tay bay (Flying fingers) viết năm 7 tuổi (đã xuất bản tại Việt Nam) và nhiều buổi nói chuyện với thiếu nhi, tuy nhiên khi Adora xuất hiện để trò chuyện với các anh chị sinh viên lớn hơn mình lại là một ngạc nhiên thú vị.

Với cặp mắt kính thông minh, phong thái tự tin không thua gì người lớn, Adora đã nói đầy thuyết phục đề tài “Thế giới luôn cần cách suy nghĩ của trẻ em”, đó là những ý tưởng táo bạo, sự sáng tạo vượt mọi giới hạn và đặc biệt là tinh thần lạc quan. “Những giấc mơ lớn lao của trẻ em luôn mang đến khát khao mãnh liệt nhất, trẻ em không chỉ là đối tượng để dạy dỗ, ngược lại người lớn cũng có thể học từ chính cách suy nghĩ của chúng em”, thần đồng đĩnh đạc.

Hoàng Vũ cho biết: “Phần trò chuyện của Adora đã làm cả hội trường xôn xao, giống như có một làn gió mới thổi qua vậy, lần đầu tiên chúng tôi nhận ra rằng việc học rõ ràng không bao giờ có biên giới, đặc biệt là biên giới về tuổi tác, khoảng cách thế hệ. Ai cũng có thể là thầy mình, cũng có điều xứng đáng để mình học hỏi”.

“Người nhện” và thông điệp không có giới hạn đỉnh cao

Một hoạt động đặc biệt trong mỗi kỳ diễn đàn là “người nhện” nổi tiếng thế giới Alain Robert leo lên một trong những tòa nhà cao nhất ở Dubai, và lần này ông đã chinh phục thành công tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa (882m).

Ông cho biết: “Chúng ta luôn đặt ra cho mình nhiều giới hạn, nhưng kỳ thực ta luôn có đủ sức mạnh để vượt qua các đường biên đó để đi xa hơn và đạt được những thành tựu lớn. Đó cũng là lý do mỗi kỳ diễn đàn tôi lại chọn leo lên một tòa nhà cao hơn, cao hơn nữa”.

Theo Đoan Ly
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG