Là người số hai tốt nhất

Là người số hai tốt nhất
TPO - “Luôn luôn làm người số hai tốt nhất trong công việc. Đừng bao giờ vội làm người đứng đầu”. Đó là thông điệp mà diễn giả Thái Hòa, Giám đốc chiến lược tập đoàn FPT gửi tới các bạn trẻ.

>290 triệu đồng trao giải khởi nghiệp kinh doanh cho sinh viên
>Giúp bạn trẻ tránh vết xe đổ

Tối 20-3, tại Hà Nội diễn ra chương trình giao lưu “Chia sẻ kinh nghiệm giữa Doanh nhân trẻ tiêu biểu với Sinh viên, thanh niên về Khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp. Đây là hoạt động do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Việt Nam phối hợp với trường Đại học Ngoại thương.

“Việc giao lưu tăng cường chia sẻ kinh nghiệm Doanh nhân trẻ tiêu biểu Việt Nam với Sinh viên, thanh niên cả nước là một trong những hoạt động trọng tâm nằm trong chương trình Lập nghiệp kiến quốc mà Hội DNT Việt Nam sẽ đẩy mạnh triển khai rộng khắp từ trung ương tới địa phương nhiệm kì IV (2011 – 2014)” – anh Nguyễn Mạnh Cường, PCT thường trực Hội DNT Việt Nam cho biết.

Đông đảo các bạn sinh viên, thanh niên của nhiều trường Đại học, Cao đẳng đã tham dự buổi giao lưu. Tại đây, các bạn trẻ nghe những bí quyết thành công và giao lưu nói chuyện với các diễn giả là PGS.TS Phạm Bích San – Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Ô tô, xe máy; Doanh nhân Bùi Văn Quân – Phó Chủ tịch Hội DNT Việt Nam, Chủ tịch tập đoàn Anh Quân Strong; Doanh nhân trẻ Sao Đỏ 2011 Nguyễn Thành Phương – Tổng Giám đốc tập đoàn Kangaroo, Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Chiến lược tập đoàn FPT.

Cần biết bản thân muốn gì

Có mặt tại buổi giao lưu, không chỉ thu nhận những sẻ chia kinh nghiệm, các bạn sinh viên thanh niên còn có điều kiện đánh giá bản thân.

Nhận xét về những bạn trẻ, anh Thái Hòa nói: Rất nhiều bạn trẻ Việt Nam thích nói chuyện vĩ mô mà không liên quan tới mình. Suốt thời gian làm việc tại Hồng Kông, Trung Quốc, tôi thấy những nhân viên trẻ trong làm việc luôn tập trung vào nhiệm vụ được giao. Họ luôn khao khát muốn được trả lương cao hơn cho đúng nhiệm vụ được giao.

Anh Thái Hòa cũng ấn tượng mãi với cách suy nghĩ với thái độ của một nhân viên trẻ có sếp là một người năng lực kém: Ông ấy làm tốt hay không là do sếp ông ấy quyết định. Tôi tôn trọng vị trí của ông ấy chứ không phải ở con người ông ấy.

Mỗi người cần phải tập trung vào chuyên môn của mình và nỗ lực không ngừng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Suốt 21 năm làm thuê, đến giờ tôi vẫn làm thuê. Có nhiều cơ hội làm ông chủ. Nhưng tôi chưa bao giờ quyết định mình trở thành người đứng đầu” – anh Thái Hòa chia sẻ.

Trước khi hỏi người khác phải làm như thế nào cần phải xác định được bản thân cần gì? Phải cho người khác biết bản thân có điều gì đặc biệt hơn những ứng viên khác? PGS.TS Phạm Bích Sam khẳng định mỗi người cần phải xây dựng cho mình một lối tư duy độc lập. Muốn thành công cần phải lắng nghe thu nhận ý kiến của nhiều người. Nhưng cuối cùng phải có quyết định của riêng mình, khác so với đám đông.

Biến khó khăn thành cơ hội

Tại buổi giao lưu nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên dành cho các diễn giả đó là làm thế nào để thành công; có cách nào tránh những khó khăn, giảm bớt hy sinh trong khởi sự kinh doanh, lập nghiệp.

Trả lời vấn đề này, PGS.TS Phạm Bích Sam cho rằng: Không có con đường nào khác. Bắt buộc phải có những thử nghiệm, có những sai lầm. Hy sinh để đứng lên. Càng thất bại càng phải nỗ lực hơn nữa, phải cố gắng làm. Phải biết đương đầu với thử thách.

Ông dẫn chứng đất nước Hàn Quốc, phải mất 20 năm để tìm ra hướng đi riêng của mình đó là phát triển nền công nghiệp văn hóa giải trí. Đến bây giờ họ đã thành công. Hay như câu chuyện chính bản thân ông. Khoảng 15 năm trước rời khỏi môi trường nghiên cứu khoa học, ông lập ra trung tâm nghiên cứu thị trường. Ba năm đầu trung tâm của ông không có bất kỳ một hợp đồng nào. Nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân, tìm hướng ra, cuối cùng ông quyết định mở tờ tạp chí Ô tô, xe máy giữa lúc Việt Nam thưa thớt xe máy, huống hồ là ô tô – càng ít; Giữa lúc báo chí đều do Nhà nước quản lý. Mạnh dạn làm, đến giờ ông đã thành công.

Sinh viên gửi tới các vị diễn giả nhiều câu hỏi về khởi nghiệp
Sinh viên gửi tới các vị diễn giả nhiều câu hỏi về khởi nghiệp.

Anh Thái Hòa cũng góp thêm câu chuyện của riêng mình. Sau 21 năm làm việc ở nước ngoài anh đã quyết định trở về Việt Nam khi thế giới đang trong cơn khủng hoảng kinh tế và Việt Nam đang ở đáy của cuộc khủng hoảng. Quyết định trở về đó khiến nhiều người lo lắng. Nhưng lí giải điều này, anh Thái Hòa cho biết: “Những khó khăn là cơ hội cho bản thân. Đừng ngại chấp nhận khó khăn”.

Kiên trì, nỗ lực, mỗi một bạn trẻ cần rèn luyện cho mình “lối tư duy suy nghĩ tích cực” – anh Thành Phương chia sẻ. Không có thành công nào không phải trải qua những lần thất bại, vấp ngã. Cần phải biết cười sau mỗi lần vấp ngã. Biết rút ra những bài học để lần sau làm tốt hơn.

Anh Bùi Văn Quân lại chia sẻ kinh nghiệm thành công của bản thân bao gồm: Uy tín – Chuyên môn – Mở rộng quy mô. Ngay từ những lúc đầu kinh doanh phải tạo ra những uy tín xung quanh mình. Phải biết rõ ưu nhược điểm của bản thân để khởi nghiệp. Từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Những chia sẻ trao đổi của những doanh nhân đã mang lại cho các bạn trẻ những bài học bổ ích để xác định rõ ràng hơn, vững vàng hơn trên bước đường khởi sự lập nghiệp của bản thân.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.