Dòng nước chết người nơi bãi tắm

Dòng nước chết người nơi bãi tắm
TP - Không gây thiệt hại nhiều về vật chất, nhưng gây thiệt hại về người thì dòng rút lại không thua kém bất kỳ các thiên tai và hỏa hoạn nào. Sát thủ giấu mặt còn gọi là dòng chảy xa bờ này, có vẻ trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Một trong những khó khăn với người đi tắm biển là làm thế nào để nhận biết được dòng rút ở bãi tắm
Một trong những khó khăn với người đi tắm biển là làm thế nào để nhận biết được dòng rút ở bãi tắm.

Dòng rút được đánh giá là một hiện tượng tự nhiên nguy hiểm đối với những người làm việc hoặc tắm biển ở các vùng ven bờ, đặc biệt đối với những người không biết hoặc bơi yếu, do có hướng chảy chủ yếu tách bờ ra khơi và có tốc độ dòng khá lớn.

Lần đầu tiên ở Việt Nam, có một đề tài khoa học nghiên cứu về hiện tượng tự nhiên này với mục tiêu cảnh báo, phòng tránh và đề xuất giải pháp phục vụ hoạt động du lịch biển vừa được nghiệm thu tuần vừa qua ở Hà Nội.

Ở Việt Nam, dòng rút chưa được nghiên cứu và hiểu biết nhiều nên hiện tại vẫn chưa thống nhất được tên gọi nhất quán trong khoa học, nhằm để phổ biến rộng rãi trong công chúng. Tại các địa phương, dòng rút được gọi bằng các tên khác nhau, như dòng xoáy, dòng rút, dòng xoáy đứt đoạn, dòng nước lừa, ao xoáy, vũng xoáy, ống xoáy, lò hút, v.v....

Dòng rút được sinh ra thế nào?

Theo TS Nguyễn Bá Xuân, bãi tắm thường xảy ra dòng rút có dạng chảy ra biển theo các rãnh và xoáy trong các ao sâu, được hình thành do lượng bồi tích, hoặc do năng lượng phản xạ của sóng biển đập mạnh vào các bờ kè xây sát đường sát mép nước.

Những khu vực như vậy có khả năng xảy ra dòng rút khi có sóng lớn. Tại các bãi biển có độ dốc lớn, sóng biển làm cho bãi biển bị xói lở, bờ biển biến đổi, tạo thành các đỉnh nhọn địa hình, từ đó sinh ra dòng rút. Dòng rút ở khu vực này thường có tốc độ dòng chảy ở tầng sát đáy cao, do đó rất nguy hiểm khi sóng lớn tác động trong thời điểm thủy triều.

Dòng rút cũng có thể được tạo ra do sự tương tác giữa sóng và dòng chảy, giữa sóng và mực nước, giữa sóng và địa hình đáy, v.v…Tuy nhiên được lưu tâm nhất là dòng rút sinh ra do tác động giữa sóng và địa hình đáy vùng gần bờ, đặc biệt với cấu trúc địa hình đáy và bãi có dạng địa hình có đỉnh nhọn (cuspate) và kênh (channel).

Theo nghiên cứu, dòng rút chính là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng đánh và đưa nước biển vào bờ liên tục sẽ tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển.

Dòng nước ngược này có thể ổn định, không thay đổi trong suốt cả tháng hoặc cả năm. Tuy nhiên, chúng cũng có thể thay đổi liên tục vài giờ một lần. Dòng rút được xem là một trong những nguy hiểm hàng đầu trên bờ biển. Nó cũng là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp cứu nạn và chết đuối khi tắm biển.

Vận tốc trung bình dòng chảy này có thể thay đổi từ 0,5 m/giây đến 1m/giây, tương đương với vận tốc của vận động viên bơi lội. Khi đó, hầu như không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ.

Dòng rút thường hẹp, có chiều ngang khoảng từ 1-3 mét, làm cho người biết bơi kiệt sức, hoảng loạn rồi chết đuối do kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy vào bờ. Đối với người không biết bơi, dòng rút có thể kéo người đó ra chỗ sâu hơn.

Dòng rút đang mạnh hơn

Theo TS. Dư Văn Toán, Trưởng phòng Nghiên cứu Quản lý Tài nguyên Biển, Viện Nghiên cứu Biển&Hải đảo (Tổng cục Biển&Hải đảo, Bộ TN&MT), chắc chắn biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ làm gia tăng mực nước và sóng biển, dẫn tới dòng rút mạnh hơn, nguy hiểm hơn.

Ví trí dòng rút phụ thuộc vào địa hình và trường sóng tới. Các độ cao sóng tới khác nhau có thể gây ra các dòng rút ở những vị trí khác nhau. ”Dòng rút không phải là một hiện tượng bí ẩn, mà là một bộ phận tất yếu không thể tách rời trong hệ thống hoàn lưu chung ở các vùng ven bờ”, TS Nguyễn Bá Xuân khẳng định.

Vì có kích thước dạng tế bào, dòng rút luôn biến động theo thời gian và trong không gian, và rất nhạy cảm với biến đổi của thời tiết, nên chúng có thể hình thành và tồn tại ở bất kỳ bãi biển nào và vào bất cứ thời điểm nào.

Tuy nhiên, dòng rút xảy ra phổ biến chủ yếu vào các thời kỳ chuyển mùa, khi chế độ gió, sóng và dòng chảy thay đổi. Chúng cũng thường xảy ra vào khoảng thời gian trước và sau các cơn bão và áp thấp nhiệt đới, TS Xuân cho biết thêm.

Theo thống kê, tại các bãi tắm biển tại Vũng Tàu, năm 2008 có gần 900 vụ cứu nạn cứu hộ do tắm biển, trong đó, số vụ tai nạn do dòng rút gây ra là chủ yếu.

Dòng rút thường để lại những dấu vết khác biệt có thể dễ nhận biết bằng mắt. Đó là sự xuất hiện của một vùng xáo trộn lăn tăn hay một vùng bọt nước trắng xóa trên mặt biển gần sát bờ; một dấu hiệu rõ nét về màu sắc của nước biển khi nhìn từ trên cao xuống cũng có thể cho phép nhận dạng dòng rút; một dải hẹp tập trung những rác rưởi và vật trôi nổi trên mặt nước.

MỚI - NÓNG