Bạo lực học đường xuất phát từ game online?

Bạo lực học đường (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Bạo lực học đường (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
TPO- Tình trạng học sinh kích động, giải quyết những va chạm thường ngày trong sinh họat, học tập bằng bạo lực ngày càng diễn ra nhiều hơn. Đâu là những nguyên nhân cụ thể của tình trạng xảy ra bạo lực học đường lan rộng hiện nay?
Bạo lực học đường (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Bạo lực học đường (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Sáng 28/7 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo về vấn nạn bạo lực học đường hiện nay: “Giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau ”. Nhiều ý kiến của các chuyên gia tâm lý cho rằng bạo lực học đường ngày càng gia tăng là do xã hội ở đâu cũng có bạo lực. Một số thầy cô cho rằng nguyên nhân của bạo lực học đường là do học sinh bị ảnh hưởng của game online đầy bạo lực.

Bạo lực... tràn lan

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý nhìn nhận, hành vi đánh nhau ở học sinh thời gian gần đây có hiện tượng ra tăng, các em không chỉ đánh nhau mà còn quay camera, tung lên mạng nhằm gây thêm tổn thương về tâm lý, tinh thần cho các bạn, gây bức xúc đối với xã hội, nhà trường.

Thứ trưởng cũng cho biết, theo báo cáo của các sở giáo dục và đào tạo, từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, trên tòan quốc đã xảy ra khoảng 1.598 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Các trường đã xử lý kỷ luật khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh, buộc thôi học có thời hạn là 735 học sinh.

Trong số các vụ việc học sinh đánh nhau được phân tích ở trên, phần lớn là vụ việc xích mích nhỏ giữa các học sinh. Nhưng vẫn có những vụ việc mang tính chất gây hậu quả nghiêm trọng như học sinh đánh nhau hội đồng, làm nhục bạn rồi quay phim xảy ra ở Hà Nội, TPHCM, Quảng Ngãi,...

“Học sinh đánh nhau có sử dụng vũ khí, gây thương tích nặng cho bạn, có vụ việc xảy ra chết người. Năm học 2009-2010 xảy ra 7 vụ việc học sinh đánh nhau dẫn đến chết người ở trong và ngoài trường học”- Thứ trưởng dẫn dụ.

Theo báo cáo của Vụ học sinh- sinh viên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thì đối tượng tham gia đánh nhau phần lớn là học sinh cuối cấp THCS và THPT. Đây là lứa tuổi mà sinh lý các em có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự mình giải quyết các mẫu thuẫn, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo.

Nguyên nhân số một Game online?

Theo anh Bùi Quang Huy, Phó trưởng ban Thanh niên trưởng học (TW Đoàn THCSHCM) cho rằng học sinh ngày nay dễ được tiếp cận với những phương tiện giải trí. Đối với trò chơi điện tử, các em sẽ làm theo những gì mình thích để thỏa mãn sự tò mò mang tính chất tâm lý. Game online là một trong những hình thức giải trí được học sinh yêu thích, trong đó có nhiều cảnh bạo lực, đấm đá man rợ mà các em học sinh là người nhập vai.

Ông Trần Khắc Huy- trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên (Sở GD- ĐT TP.HCM) cho rằng những truyện tranh bạo lực, những trò chơi điện tử, phim ảnh đầy những pha bắn giết, những phim ảnh kích động sự hung bạo của các em ngày một xuất hiện nhiều hơn.

“Với sự ám ảnh thường xuyên của phim, truyện, trò chơi điện tử bạo lực ấy đã làm suy nghĩ, tâm hồn, nhân cách của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thời gian dành cho việc học tập đã bị... chiếm đoạt bởi những trò game”- Ông Huy nhận định.

Cô Hồ Thị Ngọc Vương, trợ lý thanh niên Trường THPT Nguyễn Trung Trực, cho rằng học sinh khi đam mê, không có tiền để chơi, người chơi sẽ nói dối bố mẹ. Khi không có tiền, họ lấy cắm đồ đạc, họ còn trấn lột, thậm chí gây án mạng với mục đích đơn giản là để có tiền thỏa mãn thú vui chơi.

Từ cư xử trong cuộc sống

Thiếu tướng Phạm Thanh Đàm- Cục trưởng cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho rằng bạo lực học đường ngày càng lan rộng là do công tác quản lý các hoạt động như sách báo, phim ảnh, các trò chơi game trực tuyến mang tính kích động bạo lực có lúc còn buông lỏng đã tác động tiêu cục đến đạo đức và lối sống lành mạnh của học sinh, sinh viên.

TS Nguyễn Tùng Lâm- Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội, cho rằng: Vấn đề bạo lực học đường hiện nay giải quyết triệt để là một việc không dễ: “Chúng ta đã chỉ ra những thiếu sót của nhà trường, gia đình nhưng lại quên mất đối tượng cần giáo dục là chính những học sinh gây nên “bạo lực học đường” lại không được chúng ta nghĩ cách giáo dục đến nơi đến chốn”.

Ông Lâm cũng cho rằng, nguyên nhân của những vụ việc trên có thể do nhiều học sinh có cha mẹ hoặc người thân là những người hành nghề tự do trong xã hội và có cách cư xử không đúng chuẩn mực, thả nổi con cái, chúng muốn làm gì thì làm, cha mẹ đều không dạy bảo, chỉ có cách “trăm sự nhờ thầy cô”.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.