Nữ sinh khiếm thị đậu đại học mơ được đến trường

Hai chị em Sen - Thịnh đan phên cót để có tiền đến trường. Ảnh: Nguyễn Thành
Hai chị em Sen - Thịnh đan phên cót để có tiền đến trường. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Chị thi đậu trường ĐH Kinh tế TPHCM, em trai là thủ khoa trong kì thi tuyển THPT, nhưng con đường đến trường của hai chị em Phạm Thị Thu Sen và Phạm Phú Thịnh, thôn Đức Thành, xã Tam Vinh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) lắm nỗi gian truân vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.
Hai chị em Sen - Thịnh đan phên cót để có tiền đến trường. Ảnh: Nguyễn Thành
Hai chị em Sen - Thịnh đan phên cót để có tiền đến trường.
Ảnh: Nguyễn Thành .

Về xã Tam Vinh hỏi hai chị em Sen và Thịnh ai cũng biết, hai em là tấm gương tiêu biểu của huyện Phú Ninh trong phong trào vượt khó học giỏi. Sen và Thịnh sinh ra trong gia đình có ba người con, nhưng Sen bị cận và loạn thị hơn 13 độ khi còn mới học hết lớp 2, còn Thịnh bị đục thủy tinh thể ngay từ khi mới lọt lòng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cả nhà với 5 nhân khẩu sống phụ thuộc vào 2 sào ruộng.

Dù khiếm thị nhưng hai chị em Sen và Thịnh vẫn quyết tâm theo học đến cùng. Để có thể học và viết bài như bao bạn bè khác, cả hai chị em đều phải úp mặt vào sát trang sách, trang vở mới có thể viết và đọc như người bình thường. Nhiều người ví cách học của hai chỉ em là “ngửi chữ” để học bài. Dù khiếm thị nhưng hai chị em Sen và Thịnh đều nỗ lực học giỏi và nhiều năm liền là học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, nhiều lần được nhận bằng khen và giấy khen của sở GD & ĐT tỉnh Quảng Nam.

Sen là học sinh trường THPT Trần Cao Vân, một trong những trường chuyên nổi tiếng tỉnh Quảng Nam. Để có thể theo học, Sen phải xin tá túc tại nhà người thân ở thành phố Tam Kỳ, hằng ngày xin rửa chén bát cho một quán cơm sinh viên để kiếm tiền ăn học.

Vất vả là vậy, nhưng trong 3 năm liền Sen luôn là học sinh suất xắc nhất của lớp 12/1 trường Trần Cao Vân, thầy cô và bạn bè ai cũng nể phục. Đôi mắt khiếm thị, cận và loạn thị đến 13 độ nên việc học và sinh hoạt của Sen rất hạn chế. Cũng vì ham học nên đôi mắt của Sen ngày càng mờ đi trong nỗi lo của bố mẹ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, Sen làm hồ sơ thi ngành Quản trị kinh doanh của trường Đại học Kinh tế TPHCM và đạt 23 điểm, trở thành một trong những thí sinh đạt điểm cao nhất của trường.

Mặc dù đôi mắt bị đục thuỷ tinh thể, gần như không thấy gì, nhưng Phạm Phú Thịnh học sinh trường THCS Nguyễn Hiền nhiều năm liền là học sinh giỏi. Trong kì thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, Thịnh thi đậu trường THPT Nguyễn Dục với 51 điểm và là một trong những thí sinh cao điểm nhất trường.

Ngày hai chị em Sen và Thịnh cùng nhận kết quả trong niềm vui sướng, cũng là khi cả nhà hai em đối mặt với khó khăn và lo lắng. Ông Phạm Nhàn dù đã cố gắng hết sức để xin đi phụ hồ, làm thuê nhưng vẫn chưa nghĩ tới chuyện kiếm tiền để hai con ăn học.

Điểm chuẩn của trường ĐH Kinh tế TPHCM đã được công bố nhưng Sen vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện đi học khi bố mẹ không đủ tiền chu cấp cho Sen và em trai đi học.

“Thấy con bất hạnh nhưng gắng học tập, cả nhà ai cũng mừng. Giờ không biết làm sao kiếm đủ tiền cho con đi học nên tôi khổ tâm lắm. Tôi sẽ theo con vào TPHCM làm thuê để có thể nuôi và chăm sóc con. Giờ để con khiếm thị bơ vơ giữa đất khách quê người, tôi không yên tâm”, ông Nhàn tâm sự. Ông dự tính sẽ theo Sen vào nhập học rồi cha con nương tựa vào nhau mà sống, gắng kiếm việc làm tại TPHCM để có thể chu cấp cho con học hành, dù sức khỏe yếu và căn bệnh gai cột sống luôn hành hạ ông.

Hiểu nỗi khổ cực của bố mẹ và chặng đường khó khăn phía trước nên những ngày chờ nhập học hai chị em Sen và Thịnh cùng mẹ là bà Lưu Thị Huệ nhận hàng đan phên cót rồi mang ra chợ bán. Cả nhà làm quần quật ngày đêm mong kiếm đủ tiền cho hai chị em nhập học.

“Mỗi tấm cót được 6.000 đồng. Em cố gắng từ nay đến ngày nhập học kiếm đủ tiền học phí. Em sẽ gắng học thật giỏi, sau này kiếm đủ tiền chữa mắt cho em trai”, Sen tâm sự. Nhìn hai chị em Sen và Thịnh miệt mài, lần mò đan từng tấm cót, ai cũng phải khâm phục quyết tâm của hai em.

Tuy nhiên, điều bố mẹ hai em lo lắng nhất là đôi mắt của Sen và Thịnh đang ngày càng mờ đi. Dù nhiều lần được đưa đi khám nhưng khoản tiền để mổ mắt cho cả hai em lên tới hàng chục triệu đồng, vượt quá khả năng của cả gia đình. Đôi mắt của hai em đang ngày càng mờ dần trong nỗi đau và tuyệt vọng của bố mẹ em.

Con đường đến trường của Sen và Thịnh đang lắm gian truân khi một trong hai chị em đang giành nhau nghỉ học để nhường cho nhau đến trường. Ước mơ của hai em đang cần lắm sự sẻ chia.

Hằng năm, sau mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, báo Tiền Phong mở chuyên mục Gập ghềnh đường đến giảng đường với mong muốn những tấm lòng nhân ái trong và ngoài nước sẻ chia, giúp đỡ các thí sinh thi đậu ĐH, CĐ nhưng khó có cơ hội đến giảng đường do hoàn cảnh khó khăn. Bạn đọc có thể cung cấp cho toà soạn thông tin về những tấm gương vượt khó này qua địa chỉ: khoagiao@tienphong.vn hoặc Ban Khoa giáo, Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội. 

MỚI - NÓNG