Đề hay thường có bẫy nhỏ

Đề hay thường có bẫy nhỏ
TP - Dựa vào cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, các em có thể chọn phần kiến thức chiếm nhiều điểm để ôn tập trước và phải luyện thật kỹ để không bị mất điểm một cách đáng tiếc. Phần nào mình đã hiểu nhưng chưa thành kỹ năng, phải chọn bài tập (trong sách giáo khoa) làm đi làm lại cho thật thành thạo. Phần nào còn chưa vững, phải có kế hoạch và dành thời gian nhiều cho việc ôn tập phần đó.

>> Đề thi tốt nghiệp sàng lọc học sinh học tủ

Ôn tập có phương pháp, chắc chắn sẽ thành công Ảnh: Hồng Vĩnh
Ôn tập có phương pháp, chắc chắn sẽ thành công Ảnh: Hồng Vĩnh.

Hầu hết kiến thức trong đề thi tốt nghiệp nằm ở lớp 12 và là kiến thức phổ thông, cơ bản nên khá thuận lợi cho các em khi ôn tập. Tuy nhiên việc nắm vững các kiến thức lớp 11, lớp 10 sẽ giúp các em giải quyết triệt để các bài tập trong đề thi. Các em cũng phải có kế hoạch ôn tập những phần này (ví dụ phần lượng giác, phần phương trình, hệ phương trình đại số, phần quan hệ song song, quan hệ vuông góc trong không gian…).

Phần khảo sát, vẽ đồ thị hàm số và các bài toán liên quan luôn chiếm nhiều điểm nhất trong đề thi (từ 3 đến 3,5 điểm). Trong phần này, điểm số dành cho khảo sát, vẽ đồ thị hàm số lại cao nhất (từ 2 đến 2,5 điểm). Các em cần ôn tập thật kỹ từng bước của bài khảo sát vẽ đồ thị các hàm đa thức bậc 3, hàm đa thức bậc 4 trùng phương, hàm phân thức bậc nhất/bậc nhất. Rất nhiều thí sinh mất điểm ở phần này do trình bày cẩu thả, bỏ bước, làm tắt, điền không đầy đủ trong bảng biến thiên hoặc vẽ đồ thị không chuẩn xác…

Để làm tốt bài thi ở phần khảo sát, vẽ đồ thị hàm số, chỉ cần nắm vững các bước khảo sát hàm số, làm đi làm lại cho quen là được, không hề khó khăn.

Nguyên hàm, tích phân là phần khiến nhiều học sinh gặp khó khăn, bởi lẽ các em không thuộc công thức cũng như ghi nhớ các phương pháp tích phân. Để thuộc công thức, các em cần hiểu và tránh nhầm lẫn giữa các công thức tính đạo hàm và nguyên hàm. Các em cũng cần ghi nhớ, dạng toán nào thì áp dụng phương pháp đổi biến số, dạng toán nào thì áp dụng công thức tích phân từng phần, dùng như thế nào…

Nếu áp dụng sai phương pháp, các em sẽ gặp khó khăn trong tính toán, thậm chí còn không đưa ra được kết quả vì càng tính, càng phức tạp hơn. Nhớ sai công thức còn tệ hơn vì bao nhiêu công sức các em bỏ ra sẽ uổng phí, vì vậy hãy chú ý để tránh sai sót nói trên.

Cũng như vậy, phần phương trình mũ, logarit tuy không khó nhưng rất cần thuộc công thức và tính toán cẩn thận. Đề thi hay có những bẫy nhỏ để những ai không thực sự nắm vững kiến thức sẽ dễ nhầm lẫn.

Phần số phức là phần các em học gần lúc thi nhất, hầu như các em sẽ làm được bài nếu hiểu về số phức và thông thạo các phép toán trên tập các số phức. Chỉ cần các em học tập cẩn thận và không chủ quan là được.

Tưởng tượng, vũ khí lợi hại

Phần hình học không gian, đề thi sẽ hỏi các em về thể tích, diện tích các hình không gian, để làm tốt phần này, tất nhiên các em phải ghi nhớ các công thức đã học, đồng thời các em phải nắm vững quan hệ song song, quan hệ vuông góc trong không gian, cách xác định góc giữa đường thẳng, mặt phẳng, các kiến thức về khoảng cách cũng như các bài toán về thiết diện. Vì vậy, cần ôn tập phần hình học lớp 11 cẩn thận.

Phần phương pháp toạ độ trong không gian là phần rất dễ ăn điểm, học sinh cần ghi nhớ các công thức đã học, cách viết phương trình mặt phẳng, đường thẳng, mặt cầu, nhớ vị trí tương đối giữ điểm, đường thẳng, mặt phẳng và mặt cầu. Thí sinh thường mắc sai lầm khi xác định sai toạ độ điểm, toạ độ véc tơ chỉ phương, toạ độ véc tơ pháp tuyến, toạ độ tâm mặt cầu hoặc sử dụng sai các công thức. Trong phần này, nếu có sự tưởng tượng không gian tốt, các em sẽ có cách giải thích hợp, đỡ đi rất nhiều trong tính toán.

Phạm Văn Hoan
Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi – Ba Đình

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG