Mở rộng trường ĐH, sau 10 năm vẫn... giải phóng mặt bằng

Mở rộng trường ĐH, sau 10 năm vẫn... giải phóng mặt bằng
TPO -  Từng có ý tưởng về khu Đại học (ĐH) Quốc gia tại Láng - Hòa Lạc (Hà Nội) từ hơn 10 năm qua. Sau 10 năm, khu này vẫn đang ở giai đoạn… tiếp tục giải phóng mặt bằng. Phóng viên Tiền Phong trao đổi với ông Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐH Quốc Gia Hà Nội về vấn đề này.

> Thất bại do không tạo ra nguồn vốn 

Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội xem mô hình trường mình trong tương lai
Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội xem mô hình trường mình trong tương lai.

Ý kiến của ông về việc chuyển dời ĐH ra khỏi trung tâm thành phố Hà Nội?

Điều lý tưởng nhất là bài toán đào tạo và quy hoạch có tầm nhìn xa và làm đúng ngay từ đầu, không phải sửa đi sửa lại. Ví dụ, ngay từ buổi đầu thành lập, cách đây nhiều thế kỷ (từ thế kỷ 14), ĐH Cambridge hay Oxford (Anh - PV) đã nằm cách thủ đô 60 km. Qua 700 năm, cuối cùng, hai ĐH này thành trung tâm và tạo nên hẳn một thành phố. Còn ĐH Hardvard (Mỹ) khởi đầu cũng không phải cái rốn của thành phố.

Trong tường hợp các trường ĐH phát triển mạnh và nhanh quá thì phải tính đến mở rộng ra những cơ sở đại học khác nhau. Từ năm 1993 - 1994, ý tưởng đưa ĐH Quốc Gia Hà Nội lên khu Láng - Hòa Lạc là tầm nhìn chiến lược và đúng đắn. 1.000 ha quy hoạch cho ĐH này chỉ là mức trung bình của thế giới (ĐH Ohio của Mỹ rộng 3.600 ha).

Vì vậy, nhìn chung, với diện tích của các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay và với sự phát triển quy mô đào tạo, việc mở rộng diện tích các trường ĐH hoặc mở thêm cơ sở đào tạo khác ở nơi xa trung tâm là chủ trương phát triển, quan điểm rất đúng đắn, xét theo mọi phương diện.

Trong cuộc họp gần đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, UBND TP Hà Nội và TPHCM tổ chức họp với các trường ĐH, CĐ thuộc hai vùng để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo quy hoạch và hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ trước 15 - 4 - 2011.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo: từ 15 - 4 đến tháng 5 - 201, các trường thuộc Hà Nội và TP HCM phải đăng ký di dời, sau đó, Bộ GD&ĐT chọn danh sách các trường thực hiện thí điểm việc di dời.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, có vẻ các trường vẫn án binh bất động.

Câu trả lời chung của nhiều trường là: chưa có kế hoạch, chưa thấy thông báo, chờ Bộ GD&ĐT… Còn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thì cho biết: chưa xác định xong tiêu chí di dời chung cho các trường.

Vậy, khi nào ý tưởng về những thành phố ĐH sẽ được thực hiện?

Câu chuyện cơ sở mới của ĐH Quốc Gia Hà Nội ở Láng - Hòa Lạc bắt đầu từ 10 năm qua, nhưng vì sao hiện vẫn "chưa đâu vào đâu"? Việc mở rộng ĐH này đang ở giai đoạn nào, thưa ông?

Ở các nước, người ta giao đất sạch, có tường rào cho trường ĐH. Sau đó, nhà nước hoặc các tổ chức xây thành khu đại học, rồi giao cho các ĐH đến tổ chức đào tạo, nghiên cứu.

Ví dụ, ở Qatar (Châu Phi), dù còn non trẻ, người ta xây dựng cả một Education City (thành phố đại học), trong đó xây sẵn khuôn viên các trường... Tóm lại, họ tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể và trường ĐH chỉ việc đến đào tạo.

Còn ở ta, đất giao cho nhà trường có cả đất của dân ở, đất nông nghiệp, đất quân đội, đất địa phương này, đất địa phương kia… Riêng việc đàm phán giữa các bên để xác định danh giới để có được 1.000 ha là cả câu chuyện, nhất là khi việc giải phóng mặt bằng ở Việt Nam là khâu nan giải nhất trong toàn bộ quá trình tổ chức xây dựng.

Năm năm qua, khu Láng - Hòa Lạc mới giải phóng được 800 ha, hiện nay vẫn là tiếp tục… giải phóng mặt bằng, và tài chính.

Còn bài học nào cho việc xây dựng mở rộng các trường ĐH từ câu chuyện chưa hồi kết của ĐH Quốc gia Hà Nội ở Láng - Hòa Lạc?

Không có mô hình tổng quát chung cho việc phát triển các trường ĐH ở Việt Nam. Chúng ta không có đủ kinh phí để làm. Kinh phí nên là sự kết hợp giữa chủ đầu tư và người sử dụng trong tương lai và sự cùng khai thác, sử dụng trong tương lai. Điều này sẽ ràng buộc trách nhiệm hai bên.

Điều căn bản là phải đa dạng nguồn tài chính, có cơ chế thông thoáng để kết hợp những nguồn lực xã hội, các nhà đầu tư khác nhau.

Một điểm cần lưu ý nữa là muốn thành công các khu đô thị ĐH cần có quy hoạch tổng thể, có lộ trình bài bản, phù hợp, chứ không thể thực hiện theo kiểu "bấm nút" một lần rồi tất cả cùng chạy.

Vậy, theo ông, ý tưởng về các khu đô thị ĐH sẽ được hoàn thành trong bao lâu, từ câu chuyện của chính ĐH Quốc gia Hà Nội?

Câu trả lời cho vấn đề phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu không có tiền, không có cơ chế thì vấn đề sẽ rất nan giải; nếu có cơ chế mạnh thì chỉ cần năm năm cũng xong. Thậm chí, như nước láng giềng là Trung Quốc, họ chỉ mất chín tháng để làm xong một trường ĐH với sức chứa 125.000 sinh viên.

Cám ơn ông.

Phóng sự ảnh: Kinh nghiệm mở rộng diện tích trường của ĐH Bách Khoa Quế Lâm (Trung Quốc)

Mở rộng trường ĐH, sau 10 năm vẫn... giải phóng mặt bằng ảnh 2

Năm 1956, ĐH Bách khoa Quế Lâm (Quế Lâm, Trung Quốc) được xây dựng trong khuôn viên rộng tầm trung bình. Cơ sở này hiện nay nhỏ và cũ. Sau đó, hơn 10 năm, trường này mở thêm một cơ sở hai ở Nam Ninh (Trung Quốc), rộng khoảng 20 ha. Đến nay, cơ sở này cũng được mở rộng thành 1.000 ha với khuôn viên và trang thiết bị hiện đại hơn rất nhiều.
Mở rộng trường ĐH, sau 10 năm vẫn... giải phóng mặt bằng ảnh 3

Năm 2005, do nhu cầu mở rộng trường, cơ sở ba của ĐH Bách khoa Quế Lâm được xây mới cách trung tâm thành phố 25 km, với tổng diện tích 150 ha. Cơ sở ba này có sân vận động…
Mở rộng trường ĐH, sau 10 năm vẫn... giải phóng mặt bằng ảnh 4

Một góc ký túc xá tại cơ sở ba.

Mở rộng trường ĐH, sau 10 năm vẫn... giải phóng mặt bằng ảnh 5
Một góc nhà ăn.
Mở rộng trường ĐH, sau 10 năm vẫn... giải phóng mặt bằng ảnh 6
Một góc sân tập
Theo Viết
MỚI - NÓNG