5 năm để đổi mới thi cử là quá lâu

Theo GS Phạm Minh Hạc, nên giao việc thi tuyển sinh cho các trường. Ảnh : Hồng Vĩnh
Theo GS Phạm Minh Hạc, nên giao việc thi tuyển sinh cho các trường. Ảnh : Hồng Vĩnh
TP - Năm nào tôi cũng theo dõi kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Tuyển sinh ba chung đã được 10 năm mà năm nào cũng có sự cố - không sự cố nào giống sự cố nào. Năm nay sự cố rất đặc trưng: giám thị ký nhầm, mã đề thi nhầm trang, thí sinh cũng không làm tròn trách nhiệm…

> Bộ GD&ĐT sẽ đổi mới toàn diện tuyển sinh

Theo GS Phạm Minh Hạc, nên giao việc thi tuyển sinh cho các trường. Ảnh : Hồng Vĩnh
Theo GS Phạm Minh Hạc, nên giao việc thi tuyển sinh cho các trường. Ảnh : Hồng Vĩnh.

Vừa qua có 1.050.000 học sinh thi tốt nghiệp THPT thì đỗ gần hết, dẫn đến đợt 1 thi tuyển sinh có hơn 600.000 thí sinh dự thi, rồi còn đợt 2, đợt 3 thi tuyển sinh. Mỗi lần thi như thế hàng trăm ngàn người đổ về các thành phố lớn như HN và TP HCM, chưa kể mỗi thí sinh còn có 1-2 người nhà đi theo. Đi lại tốn kém, giao thông ách tắc, thi cử căng thẳng…

Thi ba chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả) được 10 năm rồi. Mỗi thời kỳ lịch sử có hoàn cảnh và yêu cầu khác nhau nên cách tổ chức thi cũng phải khác nhau. Vì vậy, đã đến lúc tổng kết lại, rút ra bài học và làm một cuộc cải cách thi cử cho phù hợp.

Theo tôi, nên giao việc thi tuyển sinh về cho các trường. Tất nhiên lúc đầu nên cẩn thận thí điểm chứ không làm ào ào. Các trường ĐH lớn, có kinh nghiệm tổ chức thi nên được làm thí điểm trước. Không thể đồng loạt hơn 400 trường ĐH, CĐ cùng làm, nhất là các trường mới, có trường chỉ có 1 tiến sĩ thì làm sao kham nổi, nhất là việc ra đề thi vốn là khâu khó nhất. Các trường mới thành lập hoặc còn chưa có kinh nghiệm thì phải tính cách khác.

Điều thứ hai cần lưu ý trong đổi mới là giao chỉ tiêu tuyển sinh. Phải tránh hiện tượng các trường dân lập và thậm chí cả công lập chạy theo chỉ tiêu vì chỉ tiêu gắn liền với thu nhập, đặc biệt trong tình hình nhiều nơi không quan tâm đến việc phát triển giáo dục đúng đắn và mà chỉ lợi dụng để kiếm lợi nhuận mà chạy theo chỉ tiêu.

Vấn đề đảm bảo quyền lợi cho thí sinh cũng cần được nghiên cứu kỹ trong quá trình đổi mới. Chẳng hạn, lệ phí thi cần vừa phải để đỡ gánh nặng cho các gia đình. Các trường lỗ vì phải trực tiếp tổ chức thi cho thí sinh. Nhưng có những nơi, theo tính toán, lãi hàng tỷ đồng do bán hướng dẫn, cẩm nang này nọ… Đó có thể gọi là tiêu cực trong vấn đề thu phí. Giáo dục không thể buông dây cương như thế được, phải có những quy định chặt chẽ, cụ thể về quản lý nhà nước.

Tôi cũng có nghe thấy nói về ý tưởng đổi mới thi cử trong những năm sắp tới –gần 10 năm nữa. Ngay cả 5 năm thì cũng quá dài so với tuổi thọ trung bình của người VN là 66 tuổi. Sao lại có thể chậm trễ như vậy? Thế giới đang đi những bước dài còn dân ta đang chịu đựng gánh nặng và sức ép của việc thi cử. Muốn lấy kinh nghiệm của thế giới chỉ cần kích chuột là có.

Cả một tập thể trí thức VN lớn và năng động như vậy, nếu cải cách chậm như thế, có thể gọi là kém cỏi, thiếu tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước xã hội. Trong tháng vừa rồi, tôi đến Bộ GD&ĐT hai lần để góp ý về việc giao chỉ tiêu cho các trường nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì.

Đổi mới mà làm chậm, đến khi đổi mới xong thì thế giới đã bỏ xa mình, và rồi mình lại trở thành lạc hậu.

Phạm Minh Hạc
(Hồ Thu ghi)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.