Oằn vai đi học

Oằn vai đi học
Chủ trương giảm tải là tín hiệu vui với hi vọng giúp học sinh (HS) bớt căng thẳng. Nhưng trên thực tế, HS vẫn phải “cày” hàng đống bài tập và bài “thuộc lòng”, phải nhồi nhét đủ thứ kiến thức mới mong đủ sức đi thi.
Truy bài cuối giờ học của học sinh lớp 9/1 Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM chiều 27-9 - Ảnh: Như Hùng
Truy bài cuối giờ học của học sinh lớp 9/1 Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM chiều 27-9 - Ảnh: Như Hùng.

Nhiều phụ huynh có con học lớp 4 và lớp 5 Trường tiểu học Trung Tự, Hà Nội cho chúng tôi xem một loại vở khá lạ là vở “tăng cường”. Trong vở này, HS ghi lại các yêu cầu của giáo viên và chuẩn bị cho bài học hôm sau.

Tăng vẫn cứ tăng

Một phụ huynh có con học lớp 4 trường này cho biết: “Chỉ riêng yêu cầu về tập viết và tiếng Việt thôi, cả mẹ và con đã phải đánh vật đến tận khuya. Nếu ngày hôm sau ở trường có giờ tập viết, thì tối hôm trước con phải viết trước một trang vào vở”. Giáo viên giải thích phải cho HS tập viết nhiều để “lớp được chấm 100% vở sạch chữ đẹp”.

Một phụ huynh khác nói: “Riêng môn tiếng Việt phải chuẩn bị bài ở nhà rất nhiều, trong khi con tôi đã học ở lớp hai buổi/ngày. Cô giáo yêu cầu HS về nhà phải đọc, trả lời tất cả câu hỏi theo sách giáo khoa của mỗi bài học sẽ dạy vào buổi hôm sau. Ngoài ra, cô còn có thêm những câu hỏi riêng liên quan đến bài học mới”.

Còn HS lớp 1 Trường tiểu học Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội chỉ sau một tháng vào học đã phải viết chính tả. Chị M. - phụ huynh lớp 1 - bức xúc: “Để có thể làm được việc này, các bé phải nghe và hiểu được các từ, cách viết đúng chính tả”.

Trong khi đó, giáo viên lớp 1 ở Trường tiểu học Thịnh Hào, Hà Nội cho biết: “Tuần thứ ba của học kỳ 1, đầu mỗi tiết học các em phải tự viết ngày tháng vào vở, viết tên bài vào vở theo nội dung cô giáo ghi trên bảng”.

Anh H. - phụ huynh HS, đồng thời cũng là giáo viên THPT - bức xúc: “Tôi không hiểu chương trình giáo dục hiện nay thế nào. Trên thì bảo giảm tải nhưng ở trường vẫn có những yêu cầu quá sức HS như thế. Để có thể chép nội dung cô giáo yêu cầu khi mới bắt đầu học kỳ đầu tiên, nếu không học trước chương trình, các bé lớp một phải bổ túc thêm ngoài giờ”.

Ở trường này, ngoài các yêu cầu bài tập trong sách giáo khoa và vở bài tập của NXB Giáo Dục, phụ huynh HS phải mua cho con sách Tiếng Việt thực hành, Toán thực hành và sách Tiếng Việt của riêng trường soạn. Trong hai buổi học ở trường, HS phải hoàn thành bài tập ở tất cả cuốn sách trên. Trong số những bài tập ở các sách “thêm”, có những yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đã đề nghị lược bỏ ở tài liệu giảm tải vừa ban hành.

Tối mắt tối mũi

Chính vì yêu cầu quá cao từ chương trình học, HS phải tăng ca mới mong theo kịp bài vở trên lớp. Thời lượng một HS ở TP.HCM phải đến lớp học chính khóa, tăng tiết, phụ đạo và học thêm có thể lên đến hơn 10 tiết học mỗi ngày (60-80 tiết/tuần).

Chị M., phụ huynh có con học lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, bức xúc: “Từ hồi lên cấp III, con gái tôi lúc nào cũng trong tình trạng thức đêm, dậy sớm, mỏi mệt. Ăn trưa phải ăn ở trường để kịp học phụ đạo buổi chiều. 17g mới ra, lại phải tắm rửa để đi học thêm tiếng Anh và toán buổi tối. Đã vậy bài tập về nhà lại quá nhiều, tối nào cũng làm bài tập 4-5 trang giấy. Sáng dậy sớm học thuộc lòng nhưng cháu bảo học như thế vẫn không hết bài.”

Trong khi đó, một phụ huynh có con học lớp 9 Trường THCS Tăng Bạt Hổ, Q.4, TP.HCM kể: “Con tôi nói giáo viên bộ môn thường cho bài về nhà yêu cầu làm, trong khi phần lý thuyết ở lớp cô chỉ nói sơ, như định nghĩa một định lý, đọc cho HS chép vào vở, vẽ được hình minh họa trên bảng là hết giờ, ít có thời gian giảng giải. Mỗi môn 3-4 bài tập thì mỗi ngày con tôi phải giải hơn chục bài tập, không còn thời gian để thở”.

Còn chị P., có con học lớp 9 Trường THCS Văn Thân, Q.6, TP.HCM, kể: “Sáng cháu học năm tiết. Buổi chiều học ở trường, ca một bắt đầu từ 13h -14h30, ca hai từ 15h-16h30, ca ba từ 16h45-18h15 và ca bốn từ 18h30-20h để phụ đạo, bồi dưỡng các môn chính là toán, lý, hóa, văn, tiếng Anh. Tùy ngày hai ca hay ba ca mà vợ chồng tôi thu xếp đón đưa cháu”.

Bên cạnh đó, chuyện tăng tiết, phụ đạo đã trở thành chuyện bình thường. Trước đây, nếu tăng tiết, phụ đạo chỉ dành cho HS yếu, kém thì hiện nay HS nào cũng phải được tăng tiết, phụ đạo mới mong theo kịp chương trình.

Thầy Nguyễn Đình Độ, giáo viên môn hóa có gần 30 năm giảng dạy tại TP.HCM, cho biết: “Chương trình hiện thời vẫn còn quá nặng dù đã giảm tải khoảng 5%. Dứt khoát phải có tăng tiết, phụ đạo thì giáo viên và HS mới chạy theo kịp chương trình để đáp ứng yêu cầu thi cử”.

Cũng vì chạy theo chương trình và chỉ tiêu, giáo viên buộc phải cho HS nhiều bài tập hơn và dạy nâng cao hơn để đạt thành tích cao hơn.

Một giáo viên dạy lớp 5 Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Gò Vấp, TP.HCM cho biết: “Nhiệm vụ của giáo viên là phải làm sao thì làm, phấn đấu càng nhiều HS đạt loại giỏi càng tốt. Muốn vậy, ngoài bài trong sách, phải cho các em bài tập tăng cường và yêu cầu cao, kiểm tra, hỏi bài liên tục và phối hợp với phụ huynh kèm thêm bài tập ở nhà”.

Quá tải do bị nhồi nhét, yêu cầu quá cao ở trên lớp, khiến nhiều HS không hiểu bài, bị điểm kém và đó là kết cục tất yếu dẫn đến việc phải học thêm ngoài giờ.

Phụ huynh cũng ép con học

Chị Nguyễn Ánh Tuyết - phụ huynh lớp 5A1 Trường tiểu học Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) - cho hay tại buổi họp phụ huynh ngày 25-9, cô giáo chủ nhiệm đã thông báo chương trình giảm tải sẽ giúp HS học tập trọn vẹn trên lớp mà không phải làm thêm bài ở nhà. Tuy nhiên nhiều phụ huynh lớp này tỏ ra lo lắng và lập tức đề nghị cô giáo giao thêm bài tập cho trẻ làm bài ở nhà vì “trẻ chỉ chịu làm bài khi cô giáo giao bài chứ không làm bài do bố mẹ giao”.

Trong khi đó, phụ huynh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm thấy số phiếu bài tập cô giao về nhà cho con giảm so với năm trước thì tỏ ra sốt ruột cho “đích” trường chuyên, lớp chọn của các cấp tiếp theo.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG