Cơ hội cho một cuộc cách mạng trong giáo dục

Cơ hội cho một cuộc cách mạng trong giáo dục
TPO - Đó là ý kiến của tất cả các vị khách mời tham gia cuộc bàn tròn trực tuyến ngày hôm nay, khi nói về "sự kiện thầy Đỗ Việt Khoa" và căn bệnh thành tích trong giáo dục.

Theo dõi toàn bộ cuộc trực tuyến tại đây.

 Khách mời của chúng tôi gồm :

- Ông Trần Bá Giao, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT

- Ông Đỗ Việt Khoa, GV trường THPT Vân Tảo, Hà Tây

- Giáo sư Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội

- Cùng đông đảo các HS trường THPT Trần Phú, Hà Nội

Chúng tôi đã nhận được nhiều câu hỏi từ phía bạn đọc. Nhiều câu hỏi trùng nhau, nhiều câu hỏi chưa thể trả lời trong khuôn khổ của một cuộc trực tuyến kéo dài trong vòng 2 giờ đồng hồ. Chúng tôi sẽ chuyển lại những câu hỏi này đến với những người có trách nhiệm.

Mở đầu, Thầy giáo Đỗ Việt Khoa - người được cho là đã "châm ngòi" quả bom chất lượng giáo dục đã có đôi lời về "sự kiện" mang tên mình: Tôi phải đấu tranh rất nhiều trước khi lên tiếng, bởi tôi không nhằm nói về một trường hợp cụ thể nào là mục đích là nói lên tình trạng tiêu cực trong thi cử đang diễn ra rất phổ biến hiện nay.

Tôi cũng đã nhận được một số lời đe dọa va bôi nhọ, nhưng không có gì nghiêm trọng lắm.

Bệnh thành tích - không phải bây giờ mới có!

Đó là ý kiến của Thầy Văn Như Cương: Bệnh thành tích không phải chỉ trong giáo dục mà ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, báo cáo tốt hơn thực tế để mong có một danh hiệu nào đó.

Tuy nhiên, trong giáo dục, căn bệnh này có tác hại lớn hơn nhiều. Chúng ta dạy giỗ mầm non của đất nước nên đầu tiên phải đòi hỏi phải có tính trung thực. Nhưng nếu làm như vậy, không khác nào dạy trẻ em nói dối.

Khi dự giờ tiết học của một thầy giáo để đánh giá chất lượng học tập, thường đóng kịch. Như vậy rất nguy hiểm, khi các em ra xã hội, làm công việc khác thì sẽ ra sao

Thầy Nguyễn Dương Quang, Phó Hiệu trưởng trường Trần Phú cho biết: Trước hết tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của GS Văn Như Cương đã đưa ra, bệnh thành tích mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều có.

Tác động với xã hội khác nhau, tác hại với ngành giáo dục lại lớn hơn. Quan điểm của các trường thường là quan điểm chung của Bộ giáo dục. Chúng tôi đều tránh bệnh thành tích.

Từ trước tới nay, Trường Trần Phú làm gì làm cho mình là chính, chứ không cho ai cả. Vì thế, chúng tôi ít mời các vị lãnh đạo. Chính vì thế, trong kỳ thi tốt nghiệp không chỉ năm nay mà tất cả các kỳ trước đây, chúng tôi là trường đi đầu trong thí điểm chuyên ban.

Thầy cô giáo, các em học sinh đều lo lắng về kết quả kỳ thi. Chúng tôi không hề vì thành tích mà đạt được những gì mình đã đề ra. Chúng tôi duy trì thực hiện 11 đơn môn đều đặn. Tôi nhớ không nhầm khi kết thúc các môn học 1 tuần, chúng tôi mới cho các em học 6 môn ôn thi.

Tiếp đó, trong quá trình chỉ đạo kỳ thi, chúng tôi thực hiện tốt các kỳ thi do sở giáo dục và Bộ GD đề ra. Đối với Hà Nội, về cơ bản, tất cả các hội đồng thi đều thực hiện nghiêm túc trong các kỳ thi. Nếu có chúng tôi chỉ có một sự thông cảm nhỏ giữa các thầy cô giáo và học sinh trong kỳ thi mà thôi.

"Cấy điểm" để đạt thành tích

Cơ hội cho một cuộc cách mạng trong giáo dục ảnh 1
Thầy Đỗ Việt Khoa

Thầy Đỗ Việt Khoa kể một câu chuyện mà chính thầy đã trải qua trong công việc của mình: Là người trong cuộc, tôi thấy căn bệnh thành tích trong giáo dục rất nghiêm trọng, đáng tiếc là chưa có nhiều người dám lên tiếng để chấm dứt căn bệnh này.

Chính vì bệnh thành tích mà chúng tôi bị "đề nghị" cấy điểm vào sổ.

Trong năm học 1998 -2001, chúng tôi đã phải cấy điểm vào sổ theo tỷ lệ 25% yếu kém, 25% khá giỏi, 50% trung bình. Khi 93% học sinh của tôi đạt tỷ lệ trung bình trở lên, 7% yếu kém thì tôi bị phê bình nặng nề vì không tuân theo tỷ lệ của trường yêu cầu.

Từ 2002 đến nay, thầy cô chúng tôi phải thực hiện tỷ lệ 4,8% yếu, 0,2% kém và 30% khá giỏi, còn lại là trung bình.

Cuối năm, nhà trường cho phép tỷ lệ cộng trừ 2%.

Nhiều thầy cô không đạt được yêu cầu nêu ra nên đã phải "cấy điểm" để được hiệu trưởng khen.

Tôi không hiểu vì sao trong giáo dục lại ép thành tích như vậy. Nó chứng tỏ bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay trầm trọng như thế nào!

Hiệu trưởng nói với chúng tôi rằng, Sở khoán thi đua cho nhà trường như thế, nên trường phải khoán cho giáo viên như vậy. Và giáo viên không có cách nào khác phải cấy điểm theo chủ trương của trường

Không chỉ "cấy điểm lấy thành tích", chuyện hạnh kiểm cũng phải "đua theo thành tích": Nếu thầy giáo nào để học sinh hạnh kiểm yếu thì phải làm rất nhiều giấy tờ. Tôi có một học sinh hư từng chém bảo vệ của trường, đánh nhau ngoài trường. Tôi đề suất hạnh kiểm yếu nhưng không được trường chấp nhận. Lý do: Học sinh lớp 12 rồi, thôi cho nó qua.

Tình trạng bệnh thành tích trong giáo dục một lần nữa được khẳng định trong kỳ thi vừa qua. Tại Hội đồng thi Phú Xuyên A, chính mắt tôi nhìn thấy tình trạng đưa bài giải vào trong hộp các tông lớn ở phòng nghỉ của bảo vệ. Bảo vệ và phục vụ mang lên phòng thi ném bài, có vị vung bài như vãi lúa. Thí sinh quay cóp ngay trước mặt giám thị không ai lập biên bản sai phạm.

Giáo sư Văn Như Cương: Tôi thấy chuyện thầy Khoa nói là 1 trường hợp khá đặc biệt. Tôi quan niệm bệnh thành tích là có, nhưng ở mức độ khá nhau. Nhưng như ở trường thày Khoa nói thì quá đặc biệt và thật đáng sợ.

Cơ hội cho một cuộc cách mạng trong giáo dục ảnh 2
Giáo sư Văn Như Cương

Tôi cũng đã gặp một trường hợp như thế này, khi tôi đến Nghệ An, biết được quang cảnh thi lấy chứng nhận phổ cập PTCS. Tôi đã chứng kiến cảnh, cả những em ở nhà cũng được tham gia vào kỳ thi đó và lấy chứng nhận tốt nghiệp phổ cập. Các em không đi học nhưng... được đi thi và thay cho các em đó trong phòng thi lại là những em khác, học lớp 10 và 11, cho vào phòng thi để chép ...đáp án cho đúng. Và được trả 10 nghìn cho việc thi hộ đó.

Nguyên nhân có nhiều. Ví dụ có 1 dự án nước ngoài, đòi hỏi một huyện phổ cập dân trí đạt mức nào đó... để có thể thực hiện dự án đó. Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện buộc phải có "phương pháp" thích hợp để tạo điều kiện cho dân làm giàu. Vì vậy, đó không chỉ còn liên quan đến giáo dục mà nó còn liên quan đến chính trị, xã hội, kinh tế...

Như vậy tất cả đều có nguyên nhân. Ngay cả chuyện thi học sinh giỏi, là một sức ép đối với các huyện , các tỉnh...  Nhiều tỉnh, huyện tìm mọi cách để có được đề thi học sinh giỏi.... Đó là biểu hiện bệnh thành tích. Đôi khi bệnh thành tích này cũng không liên quan đến vấn đề kinh tế. Tôi cho rằng điều này cũng khó hiểu.

Tôi cho là do cách thi đua của chúng ta không hợp với cuộc sống, thời buổi hiện nay. Thi đua phải là "tăng năng suất", thể hiện qua kết quả và năng suất. Trường tôi không đặt vấn đề thi đua nặng nề với giáo viên. Vì vậy giáo viên không phải giả tạo. Thi đua đánh giá qua năng suất và qua tiền lương. Vì vậy cần thay đổi quan niệm về thi đua.

Chúng ta đánh giá kết quả thành tích học tập không nên theo phần trăm. Có những trường Dân lập nhận học sinh đầu vào rất yếu, vì thế khi đạt 50% đầu ra cũng là đáng khen. Nhưng nếu 1 trường đầu vào cao, toàn học sinh giỏi thì đấu ra 100% cũng không có gì đáng khen.

Vì vậy không nên chỉ thông qua những con số để kiểm định chất lượng, như vậy rất cảm tính.

Theo tôi, cần làm lại công tác kiểm định học sinh, giáo viên cũng như tòan bộ hệ thống quản lý. Có như vậy mới đạt được thay đổi. tích cực.

Ông Trần Bá Giao, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT phát biểu: Chúng

Cơ hội cho một cuộc cách mạng trong giáo dục ảnh 3
Ông Trần Bá Giao

tôi luôn quan tâm tới giáo dục, tới thi cử. Khi vụ việc ở Hà Tây xảy ra, chúng tôi thấy rất đáng buồn. Nhiều người đặt vấn đề, có phải thi cử hiện nay là vậy không?

Điều này chúng tôi chưa khẳng định chắc chắn nhưng đây là một hiện tượng trong ngành giáo dục phải chấn chỉnh đã gắn rất rõ với ý mà cuộc bàn tròn trực tuyến của Tiền Phong ngày hôm nay.

Nhận thức lâu nay của chúng ta, có lúc nào đó đã buông lỏng trong thi cử, vì thế dần dần, ở đâu đó đã có, ở mức độ này, mức độ khác. Tôi nhấn mạnh, chúng ta phải chuyển nhận thức, không riêng gì ngành giáo dục, mà toàn xã hội lên tiếng.

Phụ huynh học sinh ở nhiều địa phương đã quan niệm rằng, cho các cháu ra trường. Các thầy thì chẳng bắt làm gì, mà các phụ huynh thì nọp tiền. Dĩ nhiên có nhận thức sai. Cần chuyển biến nhận thức này.

Trong ngành gáo dục cần phải kiên quyết, phát hiện và xử lý khi phát hiện các trường hợp vi phạm. Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đã chỉ đạo chúng tôi và các em trong bộ Thanh tra phải làm một cách kiên quyết.

Mới đây, Tiền Giang đã có một việc làm rất dũng cảm. 546/551 học viên bị hủy kết quả vì giống nhau, đoàn thanh tra đã làm việc và hy vọng trong 2 t uần sẽ thực hiện xong.

Gian lận trong thi cử là hiện tượng đáng phê phán và được chấn chỉnh ngay.

Về sự kiện của tỉnh Hà Tây, ngày 23/6 Bành Tiến Long đã có công văn 389, trong đó ghi rõ 3 điều: Đánh giá các kỳ thi trong phổ thông, tiến hành lập phúc khảo bài thi tốt ngiệp, chấm lại bài thi của 3 hội đồng thi THPT phú Xuyên A, Đồng Quan và Xuân Tảo.

Phải thực hiện trước ngày 27/7/2006.

Giải quyết chuyện tố cáo của ông Đỗ Việt Khoa. Tỉnh Hà Tây cần báo cáo cụ thể về trường hợp này, tỉnh ủy Hà Tây đã có động thái thành lập ban thanh tra để vào cuộc. Nhưng theo tôi, họ cần phải xúc tiến công việc một cách nhanh chóng hơn.

Cơ hội cho một cuộc cách mạng trong giáo dục ảnh 4
em Trần Hồng Hạnh

Có mặt tại bàn tròn trực tuyến này, em Trần Hồng Hạnh, lớp 12 A2 trường Trần Phú, Hà Nội phát biểu ý kiến: Chúng em là học sinh rất bức xúc, vì trường mình các thầy cô trông rất chặt, trong khi trường ở Hà Tây lại được các thầy cô ưu ái thế.

Các tỉnh ngoài, theo em hiểu thì từ lâu đã có hiện tượng này. Các thầy sẽ làm mạnh tay để sự việc không bị chìm xuống. Theo em, một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là Bộ chưa hề có hành động thiết thực.

Thầy Cương nói đúng, ngay từ lớp 1, học sinh đã nói dối đã nói dối, vậy khi đến tuổi chúng em, không có cớ gì mà lại không nói dối. Em mong các thầy cô có hành động cụ thể về trường hợp này.

Thưa ông Trần Bá Giao, về sự việc của thầy giáo Khoa, Bộ sẽ xử lý thế nào?

Ông Trần Bá Giao: Bộ Giáo dục đào tạo kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Xử lý những người tham gia tổ chức những việc vi phạm quy chế có tổ chức thì phải xử lý. Đối với học sinh phải căn cứ vào trường hợp cụ thể cho Bộ trưởng có quyết định cụ thể.

Hiện tại, chúng ta chưa có kết quả cụ thể trường hợp thanh tra, nhưng chúng ta ví dụ rằng sự việc xảy ra là đúng như thế, thì từ chủ tịch hội đồng cho tới cán bộ coi thi và những ngưuời phục vụ cho kỳ thi, có vi phạm sẽ bị xử lý.

Thầy Đỗ Việt Khoa: Xin hỏi Phó chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Trần Bá Giao.

Cơ hội cho một cuộc cách mạng trong giáo dục ảnh 5
Thầy Đỗ Việt Khoa

- Thứ nhất, năm 2001, thầy Nguyễn Thượng Long (trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Tây) có tố cáo tiêu cực thi cử tương tự như tôi. Bộ có biết không và đã chỉ đạo như thế nào mà lại để sự việc chìm xuống>

- Thứ hai, chợ phao ở ngõ Tạ Quang Bửu, nằm sát cạnh Bộ, lãnh đạo Bộ có biết không và xử lý như thế nào?

- Thứ ba, các thầy trong lãnh đạo Bộ có con cái dạy học không? Các thầy có biết tiêu cực không?

Ông Trần Bá Giao, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD& ĐT trả lời:

Những dẫn chứng của thầy Nguyễn Thượng Long ngày ấy có khá nhiều, nhưng ý kiến tố cáo của thày Long là sau kỳ thi. Những bằng chứng đó chưa được kiểm chứng. Chúng tôi đã giao cho Hà Tây xử lý vụ việc này.Chính vì Bộ biết điều này, nên đã cắt thi đua của Hà Tây về công tác thanh tra năm đó.

Cơ hội cho một cuộc cách mạng trong giáo dục ảnh 6
Ông Trần Bá Giao

Nhân họp ban chỉ đạo, chính PA25 Hà Tây báo cáo là năm nay (2006) làm việc tích cực hơn năm trước,nhưng thực tế là vẫn xảy ra một số vụ việc. Đó vẫn là điều mà Hà Tây cần phải nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Còn vụ việc này của thày Khoa thì chính Thứ trưởng Bành Tiến Long đã ủng hộ. Ngay hôm sau Bộ đã cử thanh tra xuống Hà Tây. Và thậm chí là có phóng viên đi cùng. Điều này cho thấy chúng tôi không bao che, mà còn đồng tình với quan điểm của thày Khoa.

Tôi trưởng thành từ trường PT chuyên Lê Hồng Phong và cũng đã từng ngồi trên bục giảng, chúng tôi cũng đã từng đấu tranh, kiên quyết không chấp nhận những học sinh vi phạm trong kỳ thi.

Tiếc rằng, hôm nay chỉ có các em học sinh trường Trần Phú tham gia cuộc giao lưu. Giá mà có học sinh Phú Xuyên A, Đồng Quan và TH dân lập Xuân Mai, những người trong cuộc thì chúng ta có thể có thêm một cách nhìn đầy đủ hơn.

Có thể các em sẽ nói ra sự thật, có thể các em cho biết đã bị lôi kéo vào cuộc, nhưng quan trọng là các em có nhận ra được vấn đề không.

Chúng tôi mong và hy vọng có tiếng nói từ các em của trường Phú Xuyên A, Đồng Quan và TH dân lập Xuân Mai.

Tôi tin vào tuổi trẻ, tôi tin rằng các em có đủ dũng khí để nói lên sự thật.

Hy vọng báo Tiền phong sẽ cùng với chúng tôi phát động phong trào Trung thực trong thi cử.

Chúng tôi vừa đi công tác ở Vĩnh Phúc về và được biết Sở GD& ĐT Vĩnh Phúc vừa ra văn bản không được thu tiền bồi dưỡng của học sinh. Các thày giáo cũng cảm thấy thanh thản. Đó là việc làm đáng hoan nghênh.

Về vấn đề này, Giáo sư Văn Như Cương cũng nêu ý kiến:

Theo tôi, nếu chúng ta cử đòan của Bộ lên chấm lại tại một số địa điểm thi lộn xộn. Có 2 trường hợp: 1 là chấm sai, hai là chấm đúng.

Cơ hội cho một cuộc cách mạng trong giáo dục ảnh 7
Giáo sư Văn Như Cương

Nếu sai, chúng ta chỉ có thể xử lý người chấm.

Chấm lại không mang lại hiệu quả gì lớn.

Nếu có bài sai, phải trừ điểm - cái đó cũng không hợp lý và không hợp pháp. Do không "bắt tận tay, day tận trán", không có chứng cớ gì cả.

Nhưng vấn đề không phải là nằm ở chuyện chấm thi. Mà chúng ta phải chứng minh rằng chuyện lộn xộn là có thật và phải xử lý chuyện đó. Không chỉ tại Hà Tây mà có cả ở Hà Nội và những tỉnh thành khác.

Chuyện này từ xưa tới nay ai cũng biết cả  nhưng ai cũng nghĩ là "nó phải thế". Nhưng nếu đã có chuyện thày Khoa thì chúng ta cần phải đặt lại hoàn toàn vấn đề. Cần có những biện pháp nghiêm minh.

Cần đặt thành vấn đề toàn quốc. Thức tỉnh lương tâm thày giáo, thức tỉnh lương tâm phụ huynh và học sinh. Thức tỉnh nhận thức của các giám đốc Sở...

Đây cũng là một cơ hội nhưng cũng là thách thức dành cho tòan ngành giáo dục cũng như cho tòan xã hội.

Sau vụ này chúng ta sẽ làm đến những việc khác, thay đổi nội dung, chấn hưng giáo dục... Tôi cho đây là một thời điểm quan trọng.

Thưa thầy Văn Như Cương, theo thầy, kết quả thi tú tài như đề ra năm nay, nếu giám thị cả nước làm đúng nhiệm vụ kết quả có đạt trên 60%?(dat, 46 tuổi, 35 trần hưng đạo, đà lạt)

Thầy Văn Như Cương: Đứng về toàn quốc, thì có thể đạt 60-70% thì hợp lý, tuy cũng có thể cao hơn tùy thuộc từng địa phương.

Theo tôi suy nghĩ động thái tố cáo tính chất thiếu nghiêm túc của trường thi là mắc xích nhỏ trong chuỗi dài suy nghĩ về hậu quả tệ hại do tiêu cực của giáo dục tạo nên, mong được thầy tâm sự về chuỗi dài suy nghĩ trên ?(Võ Đình Minh, 45 tuổi, THPT BC Phan Bội Châu - Tam Kỳ)

Thầy Đỗ Việt Khoa: Thiếu nghiêm túc trong thi cử đúng là một biểu hiện của căn bệnh thành tích trong giáo dục. Nó gây ra sự day dứt trong những người đứng lớp như chúng tôi.

Chúng tôi phải... nói dối, làm dối, trong khi đang dạy các em sự trung thực. Thật đau lòng, tình trạng này đã và đang tồn tại từ rất lâu mà không ai lên tiếng.

Mong rằng, sẽ có cuộc cách mạng triệt để. 

Chào thầy Đỗ Việt Khoa! Tôi rất khâm phục đức tính trung thực của thầy, giá như nhiều giáo viên khác cũng như thầy thì chất lượng giáo dục nước nhà đã thay đổi cách đây nhiều năm. Tôi muốn hỏi thầy sau khi bài báo đăng các đồng nghiệp,đặc biệt là lãnh đạo trực tiếp của thầy đã đối xử với thầy như thế nào?(Phan Thị Giang, 30 tuổi, Vĩnh Nguyên, Nha Trang, Khánh Hoà)

Thầy Đỗ Việt Khoa: Mọi người nhìn tôi với ánh mắt e dè. Người thì động viên, người trách móc. Lãnh đạo thì chưa có động thái gì.

Ngày học thầy, em rất khâm phục thầy: Giỏi chuyên môn , nhiệt tình, vị tha. Nhưng em học kém mà vẫn đõ tốt nghiệp, em thấy mình giả dối. Các thầy có biện pháp gì chấm dứt tên nạn này không?(Phan Anh Tuấn, 19 tuổi, Cựu hs THPT Vân Tảo- học trò thầy Khoa)

Thầy Đỗ Việt Khoa: Chào Anh Tuấn. Cảm ơn em còn nhớ đến tôi và đặt câu hỏi.

Về biện pháp chấm dứt tệ nạn này chắc chắn đòi hỏi phải có sự đồng tâm hợp lực của nhiều ngành, nhất là của Sở và Bộ GD&ĐT.

Cá nhân thầy sẽ cố gắng chấm dứt tình trạng đó bằng tất cả khả năng của mình. Những việc thầy đã và đang làm cũng chính vì mục đích đó. Chúc em thành đạt!

Tôi thấy học sinh bây giờ do giáo viên chạy thành tích nên bị thủng về kiến thức, nhiều trường ở Hà nội cũng bị thủng kiến thức nhất là học sinh cấp I Thày giáo nghĩ gì?(Tiến đạt, 30 tuổi, Hà nội)

Giáo sư Văn Như Cương: Ở Hà Nội, theo tôi vấn đề thủng kiến thức không phải là vấn đề trầm trọng. Chỉ có là giáo viên chú trọng vấn đề này mà không chú trọng vấn đề kia. Học sinh cấp 1 hiện nay phải học quá nhiều, học nặng nề quá chứ không phải hổng kiến thức.

Theo thầy, đánh giá chất lượng dạy học qua tỷ lệ học sinh khá, giỏi, đậu tốt nghiệp có còn là tiêu chí phù hợp nữa không?(Pham Thi Kim Lien, 40 tuổi, 20 Lam Son)

Cơ hội cho một cuộc cách mạng trong giáo dục ảnh 8
Giáo sư Văn Như Cương

Giáo sư Văn Như Cương: Hoàn toàn không. Tất cả những con số và phần trăm ấy không nói lên được điều gì trung thực, kể cả những con số về học sinh giỏi quốc gia, cũng không nói lên được điều gì.

Bởi vì trong những con số đó có nhiều yếu tố ảo và có nhiều biện pháp thiếu trung thực để đặt được những tỷ lệ cao  như vậy. Chúng ta cần phải có một hệ thống kiểm định chất lượng dạy và học một cách khác hẳn, phản ánh đúng thực chất. Đây là một công việc hết sức khó khăn và phải làm đồng bộ từ trên xuống dưới.

GS Văn Như Cương, ông sẽ làm gì nếu anh Khoa là giáo viên tại trường do ông làm Hiệu trưởng? (Ngo Thi Thu, 26 tuổi, SN23 -P.Tran Hung Dao-TX Phu Ly-Tinh Ha Nam)

Giáo sư Văn Như Cương: Hiện nay thày Khoa là giáo viên tỉnh Hà Tây, nếu vì chuyện vừa rồi mà thày Khoa gặp khó khăn, thì tôi xin sẵn sàng mời thày về trường tôi dạy học.

Em học rất dốt vì lười học, hổng kiến thức từ bé, thầy côvẫn cho lên lớp, bố mẹ em vẫn bắt em đi học. Em không muốn thế, em phải làm gì? (nguyen v huy, 16 tuổi, hoc sinh Thuong tin ha tay)

Giáo sư Văn Như Cương: Nếu em chưa học hết cấp 2, thì em phải khắc phục bệnh lười biếng của mình để tốt nghiệp được PTCS. Còn sau đó, em có thể học nghề, những nghề mà em thích. Em phải thuyết phục bố mẹ em đồng ý với quyết định đó của em.

Thưa GS Văn Như Cương, ở Hà Nội nói chung và trường TH Lương Thế Vinh của giáo sư có hiện tượng như ở trường THPT Vân Tảo - Hà Tây không?(Đinh Đình Thăng, 35 tuổi, Hải Phòng)

Giáo sư Văn Như Cương: Ở Hà Nội thì tôi không thể nói một cách chủ quan là "có" hay "không" được. Nhưng ở trường Lương Thế Vinh thì không có.

Học sinh trường chúng tôi được giáo dục một cách trung thực là không quay cóp. Chỉ có điều, khi vào phòng thi tốt nghiệp, cũng có trường hợp các em cho các bạn trường khác xem bài. Có thể đôi khi là do sợ bị đánh.

Thầy Đỗ Việt Khoa xin hỏi thầy Trần Bá Giao. Tôi được biết trong kỳ thi vừa qua, hội đồng thi Phú Xuyên B (tỉnh Hà Tây) thu của học sinh 200.000 đồng? Bộ có biết không và nếu Sở khồn xử lý thì Bộ GD&ĐT sẽ làm gì?

Ông Trần Bá Giao: Chúng tôi không được biết rằng, Phú Xuyên B được thu tiền bồi dưỡng cho các giám thị. Vấn đề này chúng tôi chưa có báo cáo. Quan điểm của Bộ là không ủng hộ và nghiêm cấm việc thu tiền để bồi dưỡng giáo viên coi thi.

Xin hỏi thầy Khoa, nếu sở GDĐT Hà Tây mới thầy làm trưởng ban chống tiêu cực, thầy sẽ có kế hoạch gì để dập tắt tất cả các tiêu cực trong thi cử như trong năm vừa qua? (Pham Trung, 25 tuổi, 56 Quang Trung Hai Duong)

Nếu có cách làm việc "không đúng quy trình" thì đó chính là cách làm việc của thanh tra sở GDĐT Hà Tây , thay vì xem xét vụ việc , nhân chứng , vật chứng thì thanh tra lại rất tích cực làm ngay cái việc không cần thiết là quy kết thầy Khoa làm không đúng "quy trình"
(Đinh Trọng Nghĩa, 35 tuổi, Hải Phòng)

Thầy Đỗ Việt Khoa: Trước hết, tôi sẽ cho bỏ ngay việc khoán chỉ tiêu thi đua ở các trường.

Thứ hai, nghiêm cấm các khoản lạm thu ở các trường từ tiểu học trở lên.

Thứ ba, phát động phong trào dám nói, dám làm, dám lên tiếng tố cáo tiêu cực học hành, thi cử.

Mạnh dạn cho những học sinh yếu kém ở lại lớp.

Chao anh Do Viet Khoa: Truoc het, xin cam on anh da dung cam noi len duoc su nhuc nhoi da ton tai lau nay trong nen giao duc nuoc ta. Xin chuc anh thanh cong! Thu hai, xin hoi anh mot cau: Khi quyet dinh noi len van de tieu cuc trong thi cu, voi thuc te cua tinh trang quan lieu, vo trach nhiem cua cac cap noi rieng trong nganh giao duc hien nay, anh co danh gia va tien luong duoc su viec ma anh neu se duoc giai quyet nhu the nao khong? Lieu ket qua co duoc nhu anh cung nhu rat nhieu nguoi mong muon khong?(Ngo Duy Phuong, 33 tuổi, 32, hem 99/1/2 Duc Giang, Long Bien, Ha Noi)

Thầy Đỗ Việt Khoa: Bạn yên tâm là vụ việc đã được chuyển sang UBND tỉnh Hà Tây, công an Hà Tây, thanh tra tỉnh Hà Tây nên chắc chắn, sự việc sẽ được xử lý tích cực.

Cơ hội cho một cuộc cách mạng trong giáo dục ảnh 9
Thông qua báo Tiền Phong, thầy Đỗ Việt Khoa gửi đến các nam nhân của bão Chanchu 1 triệu đồng

Thưa thầy Khoa, tôi rất khâm phục thầy vì thầy là một trong những người tâm huyết với giáo dục, xin hỏi nếu thầy là người đứng đầu ngành giáo dục, thầy có dự định gì trong tương lai về nền giáo dục việt nam(Cong Hao, 25 tuổi, Vinh phuc)

Thầy Đỗ Việt Khoa: Chắc các bạn đoán được câu trả lời của tôi. Đó là phải làm một cuộc cách mạng trong giáo dục.

Về việc lãnh đạo trường áp đặt tỉ lệ học sinh khá, giỏi, nếu không làm trường sẽ trừ thi đua của giáo viên. Đây chính là biểu hiện của bệnh thành tích. Vậy xin thầy cho biết quan điểm của Bộ như thế nào?

Ông Trần Bá Giao, Phó Chánh thanh tra Bộ GD& ĐT: Vừa rồi, báo chí và truyền hình cũng nêu việc thay đổi học bạ tại trường Việt Nam- Angiêri. Nếu như chúng tôi biết được sai phạm cụ thể, chúng tôi sẽ yêu cầu Sở phải xử lý. Nếu Sở không làm được, Bộ sẽ trực tiếp xuống thanh tra.

Hiện nay, một số Sở đang áp dụng CNTT để nhập điểm hàng ngày của thày cô giáo. Với những biện pháp đó, không thể tự ý thay đổi được điểm số đó.

Việc ra đề thi bây giờ cũng có ngân hàng đề thi, nên thầy giáo cũng không thể dạy tủ học sinh được.

Chúng tôi hy vọng cùng với việc đổi mới giáo dục phổ thông trong thời gian tới cộng với việc sử dụng CNTT, việc quản lý giáo dục sẽ tốt hơn và công bằng hơn. 

Thưa ông Trần Bá Giao, ông có công nhận là những điều mà anh Khoa tố cáo không chỉ xảy ra ở Hà Tây mà đã là chuyện thường ngày của Bộ ta không? Ở cương vị của mình ông có đề xuất gì với LĐ Bộ và LĐ Nhà nước để chấm dứt tình trạng này không? Liệu ông có nghỉ đến việc đề nghị đổi mới đường lối Giáo dục của đất nước ta không? Liệu những nhà giáo sắp về hưu như chúng tôi có thể thấy được một nền giáo dục bình thường theo đúng nghĩa của nó không? Xin cám ơn ông và xin nhờ chuyễn lời cám ơn của anh em chúng tôi tới Thầy Khoa.(Trần Vui, 56 tuổi, Trường THPT số1 Quảng Trạch QB)

Ông Trần Bá Giao, Phó chánh thanh tra Bộ GD& ĐT: Trước hết xin ông bình tâm lại để cho rằng đây không phải là chuyện thường ngày vì chuyện thường ngày trong ngành giáo dục thì nhiều lắm. Mong rằng ông sẽ có những đề xuất cụ thể. Còn riêng về đổi mới giáo dục đã được Đảng ta đưa vào các nghị quyết.

Hoi anh Khoa: nhieu nguoi cho rang neu anh con cong tac tai tr­uong thi anh se gap nhieu kho khan, anh co phuong an moi nao chua?(Dang Van Loc, 32 tuổi, Hung yen)

Thầy Đỗ Việt Khoa: Tôi là một người... bách nghệ (cười). Tôi biết nhiều về máy tính nhưng cũng biết... nấu cơm cho vợ nữa.

Em Chào Thầy Cương. Thầy có bị sốc không khi biêt tin một trường Mầm non vì "cạnh tranh chất lượng" đã cho thuốc dexa và thuốc ngủ vào thức ăn cho trẻ? (Việt Anh, 30 tuổi, Vĩnh phúc)

Giáo sư Văn Như Cương: Tôi  căm phẫn vì một hành động hết sức vô nhân đạo và vô lương tâm. Người ta có thể vì cạnh tranh, vì lợi nhuận mà đi đến những hành động tàn tệ đối với trẻ em - không thể chấp nhận được. Pháp luật cần phải nghiêm minh trong vụ việc này.

Thưa ông Giao, Bộ GD và ĐT có thật sự muốn làm trong sạch thi cử không ? Bộ có dám làm triệt để không? Tôi sợ rằng lãnh đạo Bộ sẽ lại e ngại sự việc bùng to ra? (Mai Văn Nam, 50 tuổi, Ha Noi)

Ông Trần Bá Giao, Phó chánh thanh tra Bộ GD& ĐT: Bộ trong chỉ đạo của mình đều muốn các kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng qui chế. Muốn làm được việc này không chỉ mình Bộ làm, mà còn cần tới sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội. Việc tham gia vào diễn đàn này cũng góp phần tác động đến một số người để có nhận thức đúng hơn để từ đó có hành động đúng trong việc tham gia vào các kỳ thi.

Thực sự xã hội ta cần sản phẩm đào tạo gì? Những người lao động trung thực và sáng tạo hay những kẻ giả dối, thụ động, không dám chịu trách nhiệm về hành động của mình? Thi thế nào thì học sinh sẽ học như thế.Đây là một nguyên lý mà bất cứ nhà giáo dục nào cũng biết. Tại sao cứ để hiện tượng tiêu cự tràn lan mãi ?(Đỗ Đức Thắng, 51 tuổi, A201 M3M4 Nguyễn Chí Thanh Hà nội)

Giáo sư Văn Như Cương: Cũng như trong các lĩnh vực khác, chống tiêu cực là một việc làm hết sức khó khăn. Cần phải có sự đầu tư rất lớn về mọi mặt và đối với giáo dục thì đó là đầu tư về tâm huyết nghề nghiệp của thày giáo. Sản phẩm của giáo dục trước hết phải là những con người trung thực, dũng cảm, có trí thức, biết sống và biết làm việc để hòa nhập với xã hội.

Nếu chúng ta chỉ đào tạo ra những con người giả dối thì rồi đây toàn bộ xã hội của chúng ta sẽ như thế nào?

Đó là mối lo, tôi nghĩ, trước hết là của những người có trách nhiệm cao nhất trong việc điều hành đất nước.

Đôi nét về thầy giáo Đỗ Việt Khoa

Cơ hội cho một cuộc cách mạng trong giáo dục ảnh 10
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa sinh năm 1968 tại Vân Tảo, Thường Tín, Hà Tây. Sau khi tốt nghiệp khoa Địa Lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa học 1986 - 1992, thầy Khoa học thêm văn bằng hai, chuyên ngành Toán - Tin (1996 - 1999) tại Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

Có hai bằng đại học, năm 1994, thầy Đỗ Việt Khoa về giảng dạy tại trường THPT Đồng Quan, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây.

Năm 1999, thầy Khoa về công tác tại trường THPT  Vân Tảo (Thường Tín, Hà Tây). Thầy giảng dạy hai môn Toán và Địa Lý.

Năm học vừa qua, thầy Khoa là giáo viên chủ nhiệm lớp 12A - lớp chọn của trường THPT Vân Tảo.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.