Giải thể trường đại học, không để sinh viên bơ vơ

Giải thể trường đại học, không để sinh viên bơ vơ
TP - Các trường đại học (ĐH) nếu không đáp ứng được một số tiêu chuẩn sẽ phải giải thể, nhưng quyền lợi của người theo học lại chưa được tính đến.

> Vẫn còn nhiều băn khoăn

GS.TS Trần Hồng Quân
GS.TS Trần Hồng Quân.
 

GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh một số quy định của dự thảo Luật GDĐH.

Dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) bàn tới giải thể các trường ĐH nhưng lại không đề cập quyền lợi sinh viên. Theo ông, cần phải thêm những quy định gì để quyền lợi này được đảm bảo?

Trong trường hợp trường ĐH phải giải thể, trường đó phải đảm bảo cho sinh viên được học đến tốt nghiệp đúng ngành đó, ở một trường khác, chứ không thể để sinh viên bơ vơ. Định giải thể trường nào phải tính đến yếu tố xã hội để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên. Cái đó Luật GDĐH phải tính đến.

Ngoài ra, tôi cho rằng, sinh viên trường công lập và ngoài công lập đều là công dân của đất nước. Do đó, quyền lợi tất cả mọi sinh viên của bất cứ trường nào cũng phải được bảo đảm như nhau. Trong khi Nhà nước chi cho sinh viên công lập 60 - 70% chi phí đào tạo thì sinh viên ngoài công lập phải đóng hết. Như thế là không công bằng trong xã hội. Nhà nước không cần phải đầu tư cho trường ngoài công lập, nhưng đầu tư cho sinh viên thì phải như nhau.

Khi yếu tố lợi nhuận được đặt lên hàng đầu tại một số trường ĐH, làm thế nào để gánh nặng tài chính không đổ lên vai sinh viên, đồng thời chất lượng giảng dạy được đảm bảo?

Theo tôi, không chỉ người góp nhiều tiền mới được làm chủ nhà trường, mà phải tính đến giá trị, vốn liếng vô hình. Vốn liếng đó được tạo nên từ người sáng lập, từ thầy giáo, từ thương hiệu cá nhân của các nhà khoa học tiếng tăm tham gia trường đó, tạo nên sức hút cho sinh viên đến trường đó.

Toàn bộ giá trị đó phải không kém hơn giá trị tài chính. Nếu không, ai góp nhiều tiền thì làm chủ nhà trường trong khi người đó có thể không biết làm giáo dục, còn các nhà giáo, nhà khoa học góp trí tuệ thì trở thành người làm thuê vì không có tiền. Như vậy dễ làm cho các trường này phát triển theo khuynh hướng chạy theo lợi nhuận.

Phải thừa nhận rằng, nhiều nhà đầu tư cho giáo dục rất tâm huyết với giáo dục chứ không chỉ chạy theo kiếm lời. Chúng ta biết ơn họ, phải đảm bảo quyền lợi cho họ, chứ không phải mong họ bỏ số tiền to như thế làm từ thiện được. Nhưng không thể vì thế mà hạ thấp vị trí của các nhà khoa học và các thầy. Khi vai trò của thầy giáo và nhà khoa học bị lùi xuống thứ yếu thì việc đảm bảo chất lượng sẽ khó khăn.

Cảm ơn GS.

Mỹ Hằng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.