Rác vũ trụ lại đe dọa ISS

Rác vũ trụ lại đe dọa ISS
Kế hoạch ráp nối tàu con thoi Discovery với Trạm Không gian quốc tế (ISS), vào lúc 21h13 GMT hôm nay, có thể thay đổi ngoài dự kiến vì một mảnh rác vũ trụ nguy hiểm đang hướng đến trạm.
Rác vũ trụ lại đe dọa ISS ảnh 1

Nguy cơ rác vũ trụ đâm vào trạm không gian và các tàu vũ trụ ngày càng lớn

Các chuyên gia Mỹ và Nga đã phải xem xét khả năng dịch chuyển ISS để né mảnh rác vũ trụ này khi tàu Discovery tiếp cận trạm.

Dời trạm né rác

Chỉ vài giờ sau khi tàu Discovery được phóng lên tối 15/3, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã theo dõi một mảnh rác kích thước khoảng 10cm có quỹ đạo gần ISS đến mức nguy hiểm vào thời điểm tàu Discovery tiếp cận trạm.

Mảnh rác này được xác định là một phần từ vệ tinh Cosmos 1275 của Liên Xô cũ phóng lên năm 1981. Vệ tinh này bị nổ không lâu sau khi phóng, tạo ra khoảng 310 mảnh vỡ, rơi dần xuống các quỹ đạo thấp.

SPACE.com dẫn lời người phát ngôn NASA, Kylie Clem cho biết, Trung tâm Kiểm soát chuyến bay của NASA tính toán, lúc 7h14 GMT hôm nay mảnh rác trên bay gần ISS nhất, chỉ cách 793m.

NASA và và Moscow đã lên kế hoạch dịch chuyển ISS vào tối nay nhưng chưa có quyết định.

Để dịch chuyển, ISS sẽ phải khởi động các động cơ tên lửa thuộc modul dịch vụ Zvezda của Nga trên ISS trước thời điểm dịch chuyển nhiều giờ đồng hồ. Nếu quỹ đạo ISS thay đổi do né rác vũ trụ, NASA sẽ phải định vị lại tàu Discovery để ráp nối với trạm.

Theo tin mới nhất từ AP sáng nay, NASA cho biết, các phi hành gia không cần phải sơ tán để né mảnh rác vũ trụ này. Các chuyên gia NASA đang theo dõi liên tục và sẽ có giải pháp trước khi tàu Discovery ráp nối với ISS.

Nguy cơ liên tục

Mảnh rác từ vệ tinh Cosmos 1275 nói trên là rác vũ trụ mới nhất đe dọa ISS. Hôm 5/3, ba thành viên trên ISS là chỉ huy Michael Fincke cùng 2 phi hành gia Yury Lonchakov, người Nga và Sandra Magnus, người Mỹ đã phải khẩn cấp sơ tán qua tàu Soyuz TMA-13 của Nga khi một mảnh rác vũ trụ nhắm đến trạm.

Mảnh rác này, kích thước khoảng 13cm, từ một động cơ tên lửa đã sử dụng, bay đến ISS với tốc độ... 31.865km/g, so với tốc độ quay của ISS quanh trái đất là 28.163km/g.

Trung tâm Kiểm soát chuyến bay phát hiện quá trễ, không kịp khởi động tên lửa dịch chuyển ISS nên các phi hành gia phải sơ tán qua “tàu cứu hộ” Soyuz. Trong 10 phút ở Soyuz, 3 phi hành gia đã chuẩn bị tình huống đóng cửa tàu này và bay khỏi ISS nếu mảnh rác đâm vào trạm.

Các nhà khoa học NASA xác định một “hộp vô hình” bao quanh ISS là vùng nguy cơ cao khi có rác vũ trụ lọt vào. “Hộp” này cách ISS 732m về phía trên và dưới, cách 24km về mỗi bên.

NASA từng có 8 lần dịch chuyển ISS khi có rác vũ trụ bay gần trạm, phần lớn những lần này trong tháng 8 năm ngoái. Việc dịch chuyển chủ yếu dùng sức đẩy của động cơ tên lửa Nga và tương đối đơn giản, chỉ tốn nhiên liệu vốn rất quý giá khi được đưa lên tới đây.

Từ sau vụ 2 vệ tinh của Nga và Mỹ đụng nhau ở độ cao 790km bên trên Siberia hôm 10/2, các đám mây rác vũ trụ đã gia tăng, làm nguy cơ gây hại cho tàu con thoi và ISS tăng 6%, theo NASA.

Theo Reuters, 3 giờ sau khi phóng lên, phi hành đoàn Discovery do phi hành gia Lee Archambault chỉ huy đã điều khiển cánh tay robot có camera để kiểm tra phần cánh và mũi tàu có bị hư hại gì sau khi phóng.

Đây là quy trình kiểm tra thường lệ trong các chuyến bay con thoi từ sau vụ tàu con thoi Columbia bị nổ khi trở về bầu khí quyển làm 7 phi hành gia thiệt mạng hồi tháng 2/2003.

Nguyên nhân vụ nổ được xác định do một mẩu cách nhiệt rời ra từ bình nhiên liệu bên ngoài khi phóng lên đã va đập làm thủng một lỗ ở cánh tàu Columbia. Khi tàu trở về, không khí quá nóng lọt qua lỗ thủng làm hỏng cánh và nổ tàu. Chương trình con thoi phải tạm ngưng đến tháng 7/2005 mới hoạt động lại với tàu Discovery.

Theo Thiện Nguyễn
SGGP-12G

MỚI - NÓNG