Hám lợi, đạo đức dễ méo mó

Nước thải Cty Sonadezi làm ô nhiễm kênh rạch. Ảnh: Mạnh Thắng
Nước thải Cty Sonadezi làm ô nhiễm kênh rạch. Ảnh: Mạnh Thắng
TP - Hiện tượng nhiều doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng thời gian gần đây bị phát hiện xả thải trộm cho thấy đạo đức của doanh nhân dễ méo mó nếu ở đâu và lúc nào đó hệ thống cảnh giới và trừng phạt của xã hội có vấn đề, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện Xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE), nhận định.

> Kiếm tiền bằng mọi giá
> Cử tri chất vấn ĐBQH vụ Sonadezi gây ô nhiễm
> Thu tiền để xả bẩn

Nước thải Cty Sonadezi làm ô nhiễm kênh rạch. Ảnh: Mạnh Thắng
Nước thải Cty Sonadezi làm ô nhiễm kênh rạch. Ảnh: Mạnh Thắng.

Mới phát hiện số ít

Ba năm sau khi các thương hiệu nổi tiếng như Vedan, Miwon, rồi Tungkuang bị vạch mặt bức tử các con sông, giờ lại thêm nhiều “ông lớn” mới bị lôi ra ánh sáng như Sonadezi và Thái Tuấn. Ông nghĩ gì về điều này?

Bất chấp thương hiệu, một số doanh nghiệp không ngần ngại làm việc gì miễn là có lợi nhuận. Thêm các doanh nghiệp lớn bị vạch mặt càng chứng tỏ, nếu doanh nghiệp cứ nghiêm túc như họ nói thì hệ thống sông ngòi Việt Nam không đến nỗi bẩn như hiện nay.

Báo cáo hiện trạng môi trường mới nhất của Bộ Tài nguyên & Môi trường cho thấy tất cả các con sông ở Việt Nam đều bẩn, chỉ còn phù hợp cho tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản. Tất cả các sông lớn, không sông nào đủ tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt, tức đạt loại A. Họa chăng chỉ nước thượng nguồn một số sông ở miền Trung đạt loại A, nhưng đấy lại là các vùng thường xuyên bị khô hạn, lại rất khó tích trữ để phục vụ cho sinh hoạt ở hạ du.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe.
 

Bẩn nhất bây giờ là ba hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai, sông Cầu, và sông Nhuệ - Đáy, những nơi có mật độ dân cư lớn nhất nước và sử dụng nước sông nhiều nhất. Các ông lớn bị phát hiện bức tử môi trường đều tọa gần các lưu vực sông lớn nói trên. Họ chỉ là một số ít trường hợp bị phát hiện mà thôi.

Ở các nước xung quanh ta, cơ quan chính phủ không tham gia quản lý doanh nghiệp. Họ hầu như không có doanh nghiệp nhà nước. Hễ doanh nghiệp nào gây ô nhiễm là bị phạt nghiêm. Ở ta, việc xử lý doanh nghiệp nhà nước vô cùng khó khăn. Trường hợp nhà máy Huyndai-Vinashin xả thải bột nix ở tỉnh Khánh Hòa bao lâu nay không xử lý được là ví dụ.

Hội chứng “nhìn mà không thấy”

Với hai trường hợp vừa phát hiện là Sonadezi và Thái Tuấn, ông thấy có vấn đề gì về thực thi không?

Công bằng mà nói việc thực thi luật pháp của ta không phải không có tác dụng. Điển hình là chúng ta đã cố gắng làm giảm tốc độ suy thoái môi trường. Tuy nhiên, mức giảm ấy mới đạt một nửa. Trước đây, để tăng 1% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), suy thoái môi trường làm giảm 3% GDP. Nay, để tăng 1% GDP, suy thoái môi trường vẫn làm giảm 1,5% GDP.

Chừng nào còn để lọt lưới các ông lớn gây ô nhiễm kiểu như mấy gương mặt vừa phát hiện, chừng đó còn khó làm giảm được tốc độ suy thoái môi trường. Hai trường hợp vừa bị phát hiện một lần nữa khiến người ta phải nhìn lại ba bất cập lớn sau đây trong thực thi pháp luật.

Thứ nhất, năng lực của hệ thống quản lý bao gồm chất lượng cán bộ, thiết bị giám sát, và hiệu quả công tác truyền thông còn bất cập.

“Nhiều doanh nghiệp lách luật, giảm xử lý chất thải để tăng doanh thu. Họ làm như thế là ăn vào môi trường, là tước đoạt môi trường, và là hành vi dối trá. Sử dụng quyền lực tối cao của người tiêu dùng, tẩy chay hàng hóa, là một trong những cách hữu hiệu để khiến doanh nghiệp phải dừng tay”.- PGS.TS Nguyễn Đình Hòe.

 

Thứ hai, rất có thể một bộ phận quan chức bị qua mặt nên mới dẫn đến hội chứng “nhìn mà không thấy, thấy mà không hiểu”.

Đồng Nai và TPHCM là hai địa phương có hệ thống quản lý môi trường rất mạnh, khó doanh nghiệp nào có thể qua mắt được họ. Thật ngạc nhiên là những hiện tượng lù lù như thế bao nhiêu năm trời mà họ không hề biết cho đến khi cảnh sát môi trường vào cuộc.

Thứ ba, sức ép kinh tế thiếu bền vững, nhu cầu phát triển kinh tế nóng, cực đoan, thấy lợi trước mắt và không hình dung được họa lâu dài. Có lẽ vì thế, một số địa phương cố tình lờ việc doanh nghiêp vi phạm. Có thể cơ quan quản lý môi trường phát hiện song, trước nhu cầu thu ngân sách cao, có khi chính lãnh đạo một số địa phương lại chỉ đạo cho qua.

Phần nào đây cũng là hậu quả của việc phân cấp quyền hạn cho địa phương quá lớn. Những Sonadezi hay Thái Tuấn kia là ở trong tình trạng trung ương không biết, địa phương không quản tốt. Và họ chỉ có thể bị phát hiện khi cảnh sát môi trường về bắt tận tay day tận trán.

Cám ơn ông.

Quốc Dũng thực hiện

Những vụ xả thải bẩn điển hình

- Tháng 9-2008, Cty Vedan ở Đồng Nai bị phát hiện xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Ước tính, Vedan xả nước thải bẩn 5.000 m3/ngày. Vedan bị phạt 267,5 triệu đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng. Vedan còn phải bồi thường cho nông dân gần 220 tỷ đồng.

- Tháng 4-2010, Cty Tung Kuang ở Hải Dương bị phát hiện xả nước thải chưa qua xử lý qua đường ống ngầm ra sông Ghẽ. Lưu lượng nước thải là 250m3/ngày đêm.

- Tháng 8-2010, Cty Vinamit ở Bình Dương bị phát hiện đấu nối trái phép hệ thống đường cống xả chui nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Mỗi ngày, Vinamit xả chui hơn 40 m3 nước bẩn.

- Tháng 9-2010, Nhà máy cồn rượu thuộc Cty CP Đường Quảng Ngãi bị phạt 150 triệu đồng và truy thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên 278 triệu đồng.

P.C tổng hợp

 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.