Quanh thông tin bệnh 'Mở khóa đầu'

Bà Vi Thị Ngọ vẫn còn ám ảnh bởi căn bệnh mở khóa đầu
Bà Vi Thị Ngọ vẫn còn ám ảnh bởi căn bệnh mở khóa đầu
TP - Đã hàng chục năm nay, căn bệnh mở khóa đầu được người dân ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) truyền tai nhau như một sự kỳ lạ. Bệnh này chủ yếu xuất hiện ở trẻ em sơ sinh.
Bà Vi Thị Ngọ vẫn còn ám ảnh bởi căn bệnh mở khóa đầu
Bà Vi Thị Ngọ vẫn còn ám ảnh bởi căn bệnh mở khóa đầu.

Lạ

Đến nhiều xã thuộc huyện Lục Ngạn như: Biên Sơn, Kim Sơn, Hồng Giang, Giáp Sơn, Phì Điền... hỏi về căn bệnh mở khóa đầu, hầu như người dân nào cũng kể vanh vách các triệu chứng. Nhiều cán bộ cấp xã, huyện cũng cho rằng trên thực tế có bệnh này và bản thân họ hoặc người thân trong gia đình từng phải chữa trị.

Nữ hộ sinh tại Trạm xá xã Kim Sơn, Nguyễn Thị Dung cho biết: Đó là căn bệnh thường gặp đối với người dân ở xã này. Bệnh xuất hiện trên địa bàn bắt đầu từ những năm 89-90 của thế kỷ trước nhưng không những không giảm mà ngày càng tăng. Đến nay, hầu hết trẻ em trong xã đều mắc phải.

Thời gian phát bệnh chủ yếu là trong tháng đầu tiên khi trẻ ra đời. Ngoài ra, cũng có trường hợp bệnh nặng dẫn đến sùi bọt mép.

“Cách đây vài tháng, có một bé mới sinh vài tiếng đồng hồ nhưng không khóc được, không bú, bọt mép sùi cả hai bên mà cứ thỉnh thoảng lại nấc lên. Tôi nghĩ là cháu bị mở khóa đầu nên bảo bố mẹ có phương án chữa trị. Lạ là khi chữa xong, cháu không còn nấc nữa, da hồng hào và đòi bú” - Chị Dung kể.

Cũng là người lâu năm trong nghề, thấy đây là căn bệnh khá phổ biến ở địa phương nên dự lớp tập huấn nào chị cũng tranh thủ hỏi ý kiến các thầy giáo có chuyên môn về lĩnh vực này, tuy nhiên câu trả lời là: “chưa từng gặp” hoặc “không có bệnh này trên thực tế”…

Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, ngay khi đỡ đẻ xong chị không quên nhắc sản phụ và người nhà để ý đến bệnh mở khóa đầu ở bé để có cách chữa trị kịp thời.

Người lớn cũng bị

Chỉ vào đứa bé đang chơi trong nhà, bà Vi Thị Ngọ (thôn Đồng Đèo, xã Kim Sơn) giới thiệu với chúng tôi đó là cháu ngoại. “Khi mới sinh cháu cũng bị mở khóa đầu đấy”.

Cháu Mã Văn Hà, hai năm trước đây cũng bị bệnh mở khoá đầu
Cháu Mã Văn Hà, hai năm trước đây cũng bị bệnh mở khoá đầu.

Cháu bé tên là Mã Văn Hà, năm nay hơn 2 tuổi, bị mắc bệnh mở khóa đầu khi vừa mới lọt lòng mẹ. “Cháu nó đẻ ra mà không thấy khóc, không thấy đòi bú, bụng căng đầy hơi. Chúng tôi lo lắng tưởng cháu bị sinh thiếu tháng, hỏi bác sỹ ở trạm xá xã thì bác sỹ bảo “cháu chịu cái bệnh này rồi, gia đình phải đi tìm thuốc Nam thôi”. Lấy thuốc Nam về đắp cho cháu thì khoảng 15 phút sau cháu đòi bú bình thường”.

Nhà bà còn một người con gái lấy chồng ở Đồng Rì (Sơn Động) năm ngoái khi sinh cháu cũng bị mắc bệnh này, phải về Lục Ngạn lấy thuốc mới chữa khỏi.

Tuy nhiên, người đầu tiên trong gia đình bị mắc căn bệnh này lại chính là bà Ngọ. Nhắc đến những ngày bị bệnh bà không khỏi bàng hoàng dù đã chữa khỏi cách đây gần 10 năm. Lúc ấy bà đã hơn 30 tuổi.

“Lúc không đau thì cái mắt mở được bình thường, nhưng khi đau thì phải ôm cái đầu mới chịu được. Khi ngủ đặt cái đầu xuống đã thấy đau trong não, phải lấy cái chăn bông kê thật êm nằm mới đỡ. Lúc ấy tôi tưởng là chết cơ đấy, ấy vậy mà khi bà lang đắp thuốc sau một tiếng tôi lại thấy khỏe hẳn. Đến giờ bệnh cũng không thấy trở lại nữa” - Bà Ngọ kể.

Cũng theo nhiều người dân ở Lục Ngạn, căn bệnh này mặc dù rất nguy hiểm, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong do không được điều trị kịp thời, nhưng lại rất dễ chữa. Hình thức chữa cũng rất đa dạng, có người thì đắp lá, có người xông hơi, có người lại đốt ngải… Song, có một điểm chung là hầu hết các trường hợp khi thấy các triệu chứng trên ở trẻ em, các gia đình đều không đưa đến các cơ sở y tế công cộng mà thường tìm đến các… thầy lang. Hai chục năm nay, người dân Lục Ngạn sống chung với căn bệnh này.

Không chỉ có ở Lục Ngạn (Bắc Giang), bệnh mở khóa đầu còn xuất hiện tại Mông Dương (Quảng Ninh). Triệu chứng của bệnh thường là trẻ biếng ăn, ngủ li bì, khóc nhiều hoặc không khóc. Đặc biệt, khi sờ lên đỉnh đầu và hai bên trên thái dương thấy rõ vết nứt của hộp sọ dưới lớp da. Vết nứt càng rộng tức là càng mở nhiều. Đứa trẻ nào mở to bằng ngón tay thì hầu như không có cơ hội sống. 

Bài 2: Bác sỹ, thầy lang nói gì?

MỚI - NÓNG