Trị viêm xoang bằng hoa ngũ sắc

Trị viêm xoang bằng hoa ngũ sắc
Hoa ngũ sắc (hay hoa cứt lợn) giã nát, vắt nước nhỏ mũi. Cách làm này đơn giản nhưng rất hiệu quả. Viêm mũi xoang là một bệnh lý khá phổ biến ở Việt Nam, gặp ở 15-20% dân số.
Trị viêm xoang bằng hoa ngũ sắc ảnh 1

Cây hoa ngũ sắc.

Bệnh mũi xoang bị ảnh hưởng rất nhiều bởi khí hậu, môi trường, độ ẩm, điều kiện sống và sinh hoạt... kết hợp với yếu tố nhạy cảm của từng cá thể vì vậy bệnh rất hay xuất hiện và bị đi bị lại.

Từ lâu trong nhân dân đã lưu truyền tác dụng chữa viêm mũi xoang của cây hoa cứt lợn. Hoa cứt lợn còn có nhiều tên gọi khác như hoa ngũ sắc, cây hoa ngũ vị, cây cỏ hôi. Tên khoa học là Ageratum conyzoides, thuộc họ cúc (compositae).

Cây hoa cứt lợn là một loại cây nhỏ, thân có nhiều lông mềm, cao chừng 25-50cm, mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta, nhiều nhất ở các vùng nông thôn. Lá mọc đối, hình trứng hay ba cạnh, dài 2-6cm, rộng 1-3cm, mép có răng cưa tròn, hai mặt đều có lông, mặt dưới của lá nhạt màu hơn. Hoa nhỏ màu tím, xanh. Quả bé màu đen, có năm sống dọc.

Hoa cứt lợn sống và phát triển rất dễ ở mọi loại đất, nên có những nơi mọc khắp cánh đồng. Người ta hái toàn cây cắt bỏ rễ, dùng tươi hay khô nhưng thường dùng tươi hơn.

Trong toàn cây có khoảng 0,16% tinh dầu đặc, màu vàng nhạt đến vàng nghệ, mùi thơm dễ chịu. Trong tinh dầu có cadinen, caryophyllen, geratocromen, demetoxygeratocromen và một số thành phần hóa học khác. Dùng cây cứt lợn trên súc vật thí nghiệm thấy có tác dụng chống viêm, chống phù nề, chống dị ứng trong cả đợt cấp và mạn tính.

Cách sử dụng:

Chọn lấy cây tươi về ngâm rửa sạch rồi để ráo, giã nát, vắt lấy nước tẩm vào bông. Dùng bông này nhét vào lỗ mũi bên đau khoảng 15-20 phút thì rút bông ra, để dịch mủ từ trong xoang và mũi giải phóng ra ngoài rồi xì nhẹ nhàng - tránh xì mũi mạnh vì lúc đó mủ từ trong mũi xoang có thể qua đường nối thông giữa mũi và tai - gọi là vòi nhĩ gây viêm tai giữa cấp.

Hiện nay đã có một số thuốc chiết suất sẵn từ cây cứt lợn có bán trên thị trường dưới dạng dung dịch nhỏ mũi rất thuận tiện cho người sử dụng. Tuy nhiên bạn cũng nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ tai mũi họng để có được chẩn đoán chính xác trước khi điều trị - loại trừ trước các khối u mũi xoang và hướng dẫn cách theo dõi bệnh khi tự dùng thuốc ở nhà.

Theo Thạc sĩ Phạm Bích Đào
Sức khỏe đời sống

MỚI - NÓNG