Mỹ cũng chảy máu chất xám

Mỹ cũng chảy máu chất xám
TP - Cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra trầm trọng tại Mỹ đã khiến một số lượng lớn chuyên gia giỏi là dân nhập cư đã và đang chuẩn bị rời khỏi nước này. Một trong những trường hợp tiêu biểu là anh Svarup Ganguli, 32 tuổi, người Ấn Độ.
Mỹ cũng chảy máu chất xám ảnh 1
Một hội chợ việc làm ở Mỹ

Bị hấp dẫn bởi triển vọng nghề nghiệp rực rỡ, Svarup Ganguli đã từ New Dheli sang Mỹ vào năm 1999. Tại đây, anh đỗ bằng kỹ sư điện tử rồi tiếp đó nhận được học vị Tiến sĩ vào năm 2005 tại trường Đại học Texas.

Anh trở thành chuyên viên ngành điện tử học lượng tử. Anh làm việc đồng thời cho một vài công ty chuyên chế tạo mạch vi hình, mạch bán dẫn. Nhưng sắp tới đây anh sẽ trở về đất nước Ấn Độ của anh.

Mặc dù chưa hoàn thành luận văn Tiến sĩ khoa học tại trường Đại học Texas nhưng Ganguli tin rằng công cuộc nghiên cứu khoa học của anh sẽ có được những kết quả cụ thể chính là tại Ấn Độ chứ không phải ở Mỹ, Hơn thế nữa, ngay sau khi trở về Ấn Độ, anh sẽ được bổ nhiệm làm Giáo sư Viện Công nghệ Bombei với mức lương 15 nghìn USD một năm.

Tuy mức lương đó thấp hơn đáng kể so với mức lương anh nhận được ở Mỹ (100 nghìn USD một năm) nhưng chức vụ Giáo sư ở Ấn Độ cho phép anh được thuận lợi hơn nhiều trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Sở dĩ anh sang Mỹ hồi năm 1999 là vì anh thấy ở Mỹ có khả năng được tự do theo đuổi những công trình cách tân nghiêm túc nhưng giờ đây, khả năng đó đã bị hạn chế rất nhiều. Trong khi ấy, Chính phủ Ấn Độ lại thi hành chính sách thu hút nhân tài trở về nước bằng cách đầu tư những khoản tiền lớn vào khoa học và công nghệ. Bởi vậy, tuy tiền lương không cao nhưng triển vọng làm khoa học lại hết sức thuận lợi và sáng sủa.

Svarup Ganguli chỉ là một trong nhiều chuyên gia giỏi là dân nhập cư đang chuẩn bị rời khỏi nước Mỹ do sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ với tỷ lệ thất nghiệp hiện nay đã lên tới 9,5%, mức cao nhất trong vòng 26 năm qua.

Theo nhận định của tờ Business Week, việc đông đảo chuyên gia giỏi trong lĩnh vực khoa học và công nghệ rời khỏi nước Mỹ đã làm đẩy lùi triển vọng phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Bởi lẽ, chính những chuyên gia là dân nhập cư thường thành lập những công ty mới, nỗ lực thực hiện những bước đột phá công nghệ và nhờ đó tạo ra được công ăn việc làm cho mọi người, kể cả những người Mỹ bản địa.

Hiện tượng chảy máu chất xám nói trên chủ yếu liên quan đến các chuyên gia người Trung Quốc và Ấn Độ. Kết quả cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất do trường Đại học Havard thực hiện cho thấy trong số những chuyên gia người Trung Quốc đã từng đến Mỹ nhưng sau đó trở về Tổ quốc thì 72% tuyên bố họ rời khỏi nước Mỹ bởi vì họ thấy điều kiện làm việc ở đất nước họ hấp dẫn hơn.

Đó cũng là ý kiến của 56% chuyên gia người Ấn Độ đã rời khỏi nước Mỹ. Theo dự báo của nhóm các nhà phân tích thuộc trường Đại học Havard, nếu trong vòng 20 năm qua có 100 nghìn chuyên gia giỏi người Trung Quốc và Ấn Độ từ Mỹ trở về nước thì chỉ trong vòng 5 năm tới con số đó sẽ tăng gấp đôi, tức là vào khoảng 200 nghìn người.

Vũ Việt (Theo Vz.ru)

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).