Tăng lãi suất huy động:

Gửi loại tiền nào để được lợi?

Gửi loại tiền nào để được lợi?
TP - Lãi suất cơ bản từ 1-12 đã tăng lên 8%/năm. Liệu sức hấp dẫn của tiền gửi tiết kiệm có bằng đầu tư vào các thị trường khác như chứng khoán, bất động sản? Tại thời điểm này, nên chọn loại tiền, kỳ hạn  nào khi gửi vào ngân hàng để có lợi?

Ngân hàng Quân đội (MB) - một trong những ngân hàng đầu tiên áp dụng mức lãi suất mới đối với hầu hết các kỳ hạn tiền gửi tiết kiệm VND và ngoại tệ. Theo đó, lãi suất tiết kiệm thông thường trả lãi cuối kỳ của MB tăng từ 0,15%/năm đến 0,3%/năm.

Mức tăng lãi suất cao nhất được áp dụng cho kỳ hạn một tháng với mức tương đương là 9,7%/năm. Lãi suất dành cho tiền gửi Euro và USD là 3,5%/năm dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Về lý do tăng lãi suất, đại diện MB khẳng định: “Để phù hợp với thị trường”.

Liền sau đó, Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) cũng thông báo tăng lãi suất huy động VND và USD ở tất cả các kỳ hạn trên toàn hệ thống. Đại Á Bank  lập luận: Việc tăng này để phù hợp với diễn biến thị trường và đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng. Cùng ngày 2-12, đại diện các ngân hàng ABBank, SHB cũng cho biết đã chuẩn bị tung ra biểu lãi suất mới.

Trao đổi với Tiền Phong, Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn cho biết: “Xu hướng tăng lãi suất huy động là không thể tránh khỏi. Dù lãi suất huy động đã “ngầm” khống chế  ở mức không vượt 10,5%/ năm nhưng nếu như các ngân hàng nhỏ tăng để hút tiền gửi, chắc chắn ngân hàng lớn sẽ phải tăng theo.

“Hiện tại thì chưa nhưng sang đến quý I/2010 sẽ... căng đấy. Nói chung, chúng tôi sẽ phải dự phòng ngay từ bây giờ chứ không thể để đến sát nút mới tính”.

Lãi suất huy động tăng sẽ dẫn đến áp lực tăng lãi suất cho vay? Theo các ngân hàng, với tình hình hiện tại và mức trần cho vay không quá 12%, chắc chắn trong thời gian tới sẽ chưa có điều chỉnh gì.

Gửi tiền nào có lợi?

Nhân viên phòng giao dịch một ngân hàng kể: “Đợt giữa tháng 11-2009, khi giá vàng  có dấu hiệu biến động lớn, mấy hôm liền bên em có khá nhiều khách hàng đến rút tiền về (chắc để mua vàng). Có khách hàng lớn, đích thân trưởng phòng của bọn em phải xuống thuyết phục”.

Cũng theo nhân viên này, tăng lãi suất, xu hướng khách hàng sẽ chia làm hai nửa. Với những người mới gửi, họ có thể rút lại gửi theo biểu mới; còn với những người đã gửi lâu, họ sẽ đợi cho đến hết kỳ hạn chứ không nhất thiết là phải chạy theo lãi suất mới ngay.

Nên gửi tiền nào (VND, USD, Euro...) và vào kỳ hạn nào?

Trưởng một phòng giao dịch một ngân hàng quốc doanh chia sẻ với PV: Chính sách tỷ giá bao giờ cũng có những bước thả lỏng từng khúc, chứ không bao giờ thay đổi liên tục. Trong 6 tháng tới, chắc chắn VND/USD sẽ ổn định nên khó có thể kỳ vọng lãi suất tăng nhiều. Còn với các ngoại tệ khác, tính thanh khoản sẽ khó hơn.

Trong khi thị trường chứng khoán phập phù, thị trường bất động sản sẽ trầm lắng hơn bởi đối mặt với thuế thu nhập. “Cá nhân tôi sẽ chọn gửi tiền đồng”- Anh khẳng định. Về kỳ hạn, theo anh với những biến động như vừa qua, hiện nay kỳ hạn từ 3 - 6 tháng, vẫn được nhiều người ưa chuộng.

TS Cao Sỹ Kiêm thì cho rằng trong thời điểm hiện tại, với những diễn biến của thị trường tiền tệ, gửi VND vào ngân hàng là tốt nhất. Tuy nhiên, để hấp dẫn theo ông Kiêm, cần điều chỉnh lãi suất dài hạn phù hợp với thị trường hơn. 

Kịch bản cho thị trường tiền tệ năm 2010

Trao đổi với Tiền Phong, ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia nhận định: Tính đến thời điểm này, tín dụng năm 2009 có thể xem là đã kết thúc tốt đẹp.

Theo ông, năm 2010 tín dụng cần lưu ý mấy diễn biến sau:

Thứ nhất, lượng tiền tệ tung ra năm nay đến hạn điều chỉnh vào năm 2010 cho nên gói hỗ trợ lãi suất rất cần có thanh tra, đánh giá;

Thứ hai, đến quý I/2010 sau khi Tết Nguyên đán Canh Dần tới, hàng hóa bán ra mạnh lượng tiền thu về sẽ lớn, nhu cầu cần tiền dồn dập quý II có thể sẽ không mạnh  nhưng lại tiềm ẩn yếu tố lạm phát có thể quay lại. Cùng nữa, đó là nhập siêu. Năm 2010 thị trường xuất khẩu chưa hẳn đã được cải thiện nhiều, giá cả thế giới có thể diễn biến phức tạp, nếu chúng ta sơ hở hoặc không có chính sách tài chính tốt, chắc chắn có rủi ro “dềnh” lên... 

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).