Xếp hàng rồng rắn chờ mua đường

Người tiêu dùng đang rất lo lắng khi giá đường tăng cao. ảnh: Đ.N.Thạch (Thanh Niên)
Người tiêu dùng đang rất lo lắng khi giá đường tăng cao. ảnh: Đ.N.Thạch (Thanh Niên)
Người dân chen nhau, xếp hàng rồng rắn chờ mua đường trong các siêu thị ở TP.HCM. Đã xuất hiện tình trạng đầu cơ.

Xếp hàng rồng rắn chờ mua đường

Người dân chen nhau, xếp hàng rồng rắn chờ mua đường trong các siêu thị ở TP.HCM. Đã xuất hiện tình trạng đầu cơ.

Người tiêu dùng đang rất lo lắng khi giá đường tăng cao. ảnh: Đ.N.Thạch (Thanh Niên)
Người tiêu dùng đang rất lo lắng khi giá đường tăng cao. ảnh: Đ.N.Thạch (Thanh Niên).

Chỉ được mua 2 kg/người

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 8 - 11, giá đường bán lẻ tại các chợ khoảng 24.000 đồng/kg, đường cát rời 23.000 đồng/kg. Nhiều tiểu thương cho biết, giá đường đang tăng mạnh mấy hôm nay. Tại các điểm bán hàng bình ổn thị trường ở các chợ, người dân tranh nhau mua đường do giá chênh lệch so với các điểm bán lẻ khá nhiều. Giá đường trên thị trường bán lẻ cao hơn đường thuộc chương trình bình ổn từ 5.000 - 6.000 đồng/kg.

Tại các siêu thị có bán hàng bình ổn giá, người tiêu dùng đổ xô đi mua đường gây nên cảnh chen lấn, xếp hàng rồng rắn. Nhiều người dân bức xúc vì phải xếp hàng rất lâu, lại bị giới hạn số lượng hàng được mua. Chị Phương (quận 1. TPHCM) phản ánh: “Chiều 7-11, tôi phải xếp hàng rồng rắn chờ rất lâu mới được mua trong siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu. Tôi mua 10 kg đường nhưng nhân viên siêu thị chỉ cho mua 3 kg”.

Từ giữa tháng 11, thị trường đường sẽ ổn

Ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết, giá đường thế giới hiện tạm đứng ở mức 776 USD/tấn, mức cao nhất trong chín tháng trở lại đây.

Những ngày vừa qua, mới chỉ có khoảng 20 trong tổng số 38 nhà máy đường trên toàn quốc tiến hành ép mía nên lượng đường sản xuất ra chưa nhiều, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Hiện đã bước vào chính vụ sản xuất đường. Từ nay đến cuối tháng sẽ có khoảng 27 nhà máy đường tiến hành ép mía. Dự kiến, các nhà máy sẽ ép tổng cộng một triệu tấn mía, cung cấp cho thị trường trên dưới 70 ngàn tấn đường.

Lượng đường này cộng với 20 ngàn tấn đường còn tồn trong các kho sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, trung bình trên dưới 100 ngàn tấn/tháng.

“Từ giữa tháng 11, tình hình sẽ tạm ổn. Chúng tôi dự báo, tháng 12, cả nước sẽ sản xuất được trên 200 ngàn tấn đường”.

Ngày 8 - 11, tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, lượng khách mua đường, dầu ăn tăng đột biến. Rất nhiều người dùng xe đẩy “gom” cả chục ký đường, 5 - 7 bình dầu ăn (mỗi bình khoảng 5 lít). Trong đó, không ít trường hợp là người của các đại lý, cửa hàng bán lẻ gom hàng bình ổn giá để mang về bán lại kiếm lời.

Đại diện hệ thống Co.op Mart cho biết: “Để chống tình trạng gom hàng, đầu cơ hàng bình ổn, hệ thống siêu thị Co.op Mart quy định mỗi khách hàng chỉ được mua 2 lít dầu ăn/lần/ngày và 2 kg đường/lần/ngày. Định mức này được tính toán dựa trên nhu cầu tối thiểu của một hộ gia đình có thể tiêu thụ trong một tuần. Dù siêu thị đã giới hạn lượng đường, dầu ăn mỗi khách hàng được mua nhưng nhiều người vẫn trà trộn mua nhiều lần”.

Tại hệ thống siêu thị Big C, các quầy bán đường trống rỗng. Bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết: “Hiện tượng đại lý, cửa hàng bán lẻ thu gom đường, dầu ăn bán giá bình ổn là có xảy ra. Tôi đã được các doanh nghiệp, siêu thị phản ánh việc này. Hàng bình ổn là để phục vụ nhu cầu người dân nên các siêu thị phải giới hạn lượng đường, dầu ăn bình ổn mỗi lần mua nhằm ngăn chặn đối tượng gom hàng nhưng rất khó. Đối với các điểm bán hàng bình ổn thị trường tại các chợ thì vô phương, không thể ngăn chặn tình trạng mua gom được”.

Tại Cần Thơ, chiều 8 - 11, giá đường bán lẻ đang ở mức 22.000 đồng/kg. Một tiểu thương ở Trung tâm thương mại Cái Khế nói mọi năm sau Tết Trung thu, giá đường bắt đầu giảm dần và ổn định đến cuối năm thì năm nay lại trái ngược, giá đường cứ liên tục tăng và tăng mạnh. Các chủ vựa cũng chỉ cung cấp đường nhỏ giọt vì không đủ hàng.

Anh Hòa, tiểu thương ở chợ Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang), cho biết: Từ Tết Trung thu đến nay, đường đã có ít nhất 4 đợt tăng giá. Đợt tăng mạnh nhất là đầu tuần trước, với mức tăng hơn 1.000 đồng/kg, từ 232.000 lên 245.000 đồng/cây (12 kg). Như vậy, nếu tính từ dịp tết Trung thu đến nay, giá đường tăng khoảng 40 ngàn đồng/cây. Một số đại lý đã gian lận bằng cách tưới nước vào đường rồi hạ giá bán.

“Chính tôi đã chứng kiến một chủ kho ở Cái Răng đã tưới nước vào bao đường mới khui còn khô queo”, anh Hòa quả quyết.

Giá mía bán tại ruộng hiện lên đến 1.200đ/kg. ảnh: C.Nhân (Thanh Niên)
Giá mía bán tại ruộng hiện lên đến 1.200đ/kg. Ảnh: C.Nhân (Thanh Niên).

Đường thiếu bao nhiêu?

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu tiêu thụ đường cả nước vào khoảng 1,3 - 1,4 triệu tấn/năm. Lượng đường có thể cung ứng từ các nhà máy trong nước năm nay chỉ vào khoảng 800.000 - 900.000 tấn, lượng đường còn thiếu sẽ được cấp quota nhập khẩu để bổ sung. Tuy nhiên, năm nay, thị trường đường thế giới cũng lâm vào cảnh thiếu hụt do thời tiết bất thường ảnh hưởng tới sản lượng ở Trung Quốc, Nga và Brazil - những nước sản xuất đường lớn nhất thế giới.

Sản lượng ở khu vực Trung Nam Brazil, nơi trồng nhiều mía nhất nước này, giảm 30% trong nửa đầu tháng 10 so với một năm trước đó. Hiện giá đường thế giới đã tăng đến mức cao nhất trong vòng 29 năm qua và có thể còn tăng nữa trong vòng 2 tháng tới.

Bà Phạm Thị Sum - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần mía đường Biên Hòa - cho biết: “Giá đường tinh luyện RE của công ty chúng tôi vào giữa tháng 7, tháng 8 khoảng 17.800 đồng/kg, hiện nay giá đường bán sỉ tại nhà máy vào khoảng 19.200 đồng/kg. Giá đường tăng cao là do sản lượng trong nước giảm sút, đường thế giới cũng đang thiếu hụt. Hiện nay, tôi vẫn còn giấy phép nhập khẩu đường nhưng suốt cả tháng nay tôi tìm không được nơi nào bán. Hỏi các quỹ đầu cơ của thế giới thì giá rất cao, nhập về đến VN cũng lên đến 20.000 đồng/kg, cao hơn cả giá đường trong nước”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tổng số 300.000 tấn đường được cấp quota nhập khẩu thì đến nay mới chỉ nhập được 200.000 tấn. Nhiều doanh nghiệp đã được cấp phép nhập khẩu nhưng vẫn mua đường trong nước vì giá nhập khẩu quá cao.

Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (CASUCO) - cho biết, tình trạng khan hiếm nguyên liệu mía đang rất căng thẳng. Các tỉnh miền Tây đang vào vụ thu hoạch mía nhưng các nhà máy rất khó thu mua mía nguyên liệu để sản xuất do nhiều nông dân muốn neo mía chờ giá lên nữa.

Giá mía hiện bán tại ruộng lên đến 1.100 - 1.200 đồng/kg, nhiều nhà máy không đủ sức “đua” giá để mua mía mà chỉ tìm giải pháp hỗ trợ chi phí thu mua cho thương lái. Theo ông Long, với giá mía nguyên liệu hiện tại, để sản xuất được một ký đường, chỉ riêng tiền mua mía mất khoảng 15 ngàn đồng.

Theo Q.Thuần - H.Việt - Q.Duẩn - C.Nhân
Thanh Niên

MỚI - NÓNG