Có kìm cương được giá vàng?

Giá vàng trong ngày 9-11 như ngựa bất kham, đảo chiều liên tục
Giá vàng trong ngày 9-11 như ngựa bất kham, đảo chiều liên tục
TP - Bão giá vàng hôm qua lên đỉnh điểm, chỉ trong chốc lát leo lên 38,5 triệu đồng/lượng, tăng trên 2,5 triệu đồng/lượng so với ngày hôm trước, khiến thị trường có lúc rơi vào tình trạng hỗn loạn...

 >> Giá giảm mạnh, người dân đổ xô mua vàng
 >> Cho phép nhập khẩu, vàng giảm giá mạnh
 >> Giá vàng tăng ồ ạt lên 38,2 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong ngày 9-11 như ngựa bất kham, đảo chiều liên tục
Giá vàng trong ngày 9-11 như ngựa bất kham, đảo chiều liên tục. Ảnh: Hồng Vĩnh, đồ họa Trung Hiếu

Cơn điên

Tại TPHCM, ngay từ lúc mở cửa sáng qua, giá vàng đã nhảy vọt hơn 1 triệu đồng mỗi lượng sau khi thị trường thế giới lập kỷ lục mới 1.410 USD/ounce. Giá vàng liên tục biến động với biên độ lớn, tới hơn 2 triệu đồng/lượng (36 triệu - 38,2 triệu), chênh lệch mua vào - bán ra vàng miếng SJC có lúc được các doanh nghiệp kinh doanh vàng niêm yết đến 1,2 triệu đồng/lượng - mức cao nhất trong lịch sử giao dịch của giá vàng.

Lúc 8 giờ sáng, vàng miếng SBJ được bán với giá 37 triệu đồng/lượng. So với cuối ngày hôm qua, mỗi lượng vàng bán ra đắt thêm 1,06 triệu đồng, giá thu gom cũng tăng 1,16 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ nửa giờ sau đó, giá bán vàng SBJ đã được tăng thêm 300.000 đồng, đẩy lên mức 37,3 triệu đồng/lượng. Đến 9h30, giá bán tiếp tục tăng lên 37,7 triệu đồng/lượng. Nửa tiếng sau, đỉnh cao 38,2 triệu đồng lượng vàng được xác lập.

Riêng thương hiệu vàng miếng SJC, ngay từ sáng sớm cũng tăng mạnh 1,05 triệu đồng bán ra và 950.000 đồng mua vào đẩy giá lên mức 36,65-36,85 triệu đồng/lượng. Lúc 9 giờ 50, vàng miếng của SJC có giá mua vào là 37,4 triệu đồng/lượng, sau đó liên tục “nhảy nhót”, có lúc bán ra 38,2 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội, nếu như vào đầu giờ sáng, các đại lý của SJC Hà Nội vẫn không có niêm yết giá mua và bán thì tới 11h trưa, giá bán vàng trong nước đã được công khai tăng vọt lên mức 38,5 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, đến buổi trưa, khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng với khối lượng phù hợp, giá vàng trong nước đã quay đầu giảm mạnh.

Dân đổ xô mua vàng tại một cửa hàng vàng ở phố Trần Nhân Tông (Hà Nội)
Dân đổ xô mua vàng tại một cửa hàng vàng ở phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) . Ảnh: Hồng Vĩnh

Cụ thể lúc 12h trưa, giá vàng SJC chỉ còn 36,5 triệu đồng/lượng mua vào và giá bán ra còn 37 triệu đồng/lượng. Như vậy chỉ trong vòng một tiếng sau khi NHNN công bố quyết định cho nhập vàng, giá vàng trong nước đã giảm 1,5 triệu đồng/ lượng. Khoảng 14 giờ chiều, giá vàng có tăng nhẹ nhưng sau đó lại giảm trở lại về mức 36,5 - 37 triệu đồng/ lượng mua vào - bán ra.

Phó Phòng Kinh doanh vàng - Cty SJC cho biết, khối lượng giao dịch của hệ thống SJC trong ngày đã tăng kỷ lục: 8.000 lượng bán ra và 4.000 lượng mua vào. Giá vàng trong nước liên tục tăng cao do tâm lý người dân lo ngại trước việc giá vàng thế giới phá mốc 1.400 USD/Oz”.

Cách nào hạ nhiệt?

Theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Tài chính, Đại học Ngân hàng TPHCM, có 3 nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước tăng nhanh và mạnh hơn thế giới: Cầu của thị trường là có thật, bởi người dân mua vào cũng kỳ vọng giá sẽ còn lên cao; Cùng đó là tâm lý hoang mang của nhiều người dân tạo cơ hội cho một số đơn vị kinh doanh vàng đầu cơ, đẩy giá.

Và một nguyên nhân nữa xuất phát từ phía chính sách tuy ban hành đúng, nhưng cách triển khai chưa đồng bộ, kịp thời và quyết liệt nên hiệu quả không cao như mong muốn.

Còn theo bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng Giám đốc Sacombank-SBJ, thị trường biến động còn do tác động từ Thông tư 22, siết chặt việc huy động và cho vay vàng.

“Bản thân các ngân hàng hiện tại không dám bán - mua chênh lệch mà luôn phải cân đối trạng thái bán ra - mua vào bằng nhau. Chính điều này đã khiến nguồn cung vàng dù còn dồi dào cũng không được sử dụng” - Bà Chi nói. Liên quan đến sự “hỗn loạn” của thị trường vàng những ngày này, theo bà, rất nhiều khách hàng phía Nam phải đi mua vàng để cắt lỗ trả ngân hàng.

TS Trần Hoàng Ngân (TPHCM), cho rằng tại thời điểm này, NHNN cần thực hiện bán vàng trong kho của mình ra để can thiệp bình ổn thị trường. Bên cạnh, có thể vay vàng trong kho của các ngân hàng (hiện có khoảng 91 tấn theo công bố của NHNN), bằng cách phát hành trái phiếu dài hạn bằng vàng để bán cho các công ty kinh doanh vàng có nhu cầu, và phải bán bằng giá thế giới quy đổi ra tiền đồng. Việc này có thể thực hiện ngay lập tức và sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được một lượng ngoại tệ thay vì nhập vàng.

Ngoài ra, cần cho phép các công ty có chức năng kinh doanh vàng được xuất nhập vàng miếng tự do, để thị trường trong nước liên thông với thế giới, kéo giá trong và ngoài nước bằng nhau.

21.050 đồng - 21.350 đồng/USD là giá đỉnh mua vào - bán ra của đô la tự do ngày hôm qua. Giao dịch ngoại tệ tại phố Hà Trung (Hà Nội) tấp nập vào buổi chiều. Rất nhiều người khi thấy giá vàng tăng cao đã quay sang chọn mua USD. 
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.