Thắng lợi nhưng bộc lộ nhiều rủi ro

Thu hoạch tôm ở Kiên Giang Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Thu hoạch tôm ở Kiên Giang Ảnh: Lê Hoàng Vũ
TP - Năm 2010, xuất khẩu tôm nước ta đạt khoảng 2,1 – 2,2 tỷ USD (một trong số ít mặt hàng xuất khẩu vượt ngưỡng 2 tỷ USD). Điều này cho thấy khả năng cạnh tranh mạnh mẽ của con tôm Việt Nam, nhưng cũng lộ rõ nhiều rủi ro.
Thu hoạch tôm ở Kiên Giang Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Thu hoạch tôm ở Kiên Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thiên thời, địa lợi

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thắng lợi xuất khẩu tôm năm 2010 do nguyên nhân khách quan là chính. Sự cố tràn dầu trên vịnh Mexico cuối tháng 4-2010 khiến nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ tăng cao. Trong khi đó, dịch bệnh trên tôm lan tràn ở một số nước Đông Nam Á, nơi chiếm 75% lượng tôm xuất khẩu của thế giới, nên cầu vượt cung.

Tôm Việt Nam nuôi trong năm 2010 lại ít dịch bệnh hơn các năm trước, chỉ xuất hiện ở 4% diện tích, so với năm 2009 là 15% và năm 2008 là 27%. Kỹ thuật nuôi tôm của nước ta tiến bộ nhiều. Những vùng hạ triều ô nhiễm, thường xảy ra dịch bệnh đã được người dân chuyển sang nuôi xen ghép có hiệu quả cao như tôm-lúa, tôm-rừng.

Giống tôm nuôi ở ĐBSCL được sản xuất tại chỗ chiếm tỷ lệ cao, thay thế nhập từ miền Trung, nên thích nghi tốt với môi trường. Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước với 90.000 ha tôm-lúa (rừng) và đã tự sản xuất được 55% tôm giống, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau - Châu Công Bằng.

Năm 2010, tôm Việt Nam tăng ở hầu hết thị trường (trừ Canada). VASEP cho biết, thị trường Trung Quốc (kể cả Hongkong) tăng 54%, Mỹ 40%, ASEAN 30%, EU 18%, Nhật Bản 15%. Ba thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam là Nhật Bản (chiếm 28%), Mỹ (27%), EU (16%).

Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm đã xây dựng được vùng nguyên liệu, tăng sản phẩm giá trị gia tăng. Tôm chế biến đã chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu, cao hơn cá nhiều lần. Trong năm 2010 có một doanh nghiệp xuất khẩu tôm vượt 250 triệu USD là Cty Cổ phần Thủy Hải sản Minh Phú.

Người nuôi tôm đang thu nhập khá nhờ giá mua tôm nguyên liệu cao nhất từ trước tới nay. Theo tính toán của Tổng cục Thủy sản, giá bán tôm sú nguyên liệu hiện gấp 1,7 đến 2,8 lần giá thành, tùy theo kích cỡ; còn tôm thẻ chân trắng gấp 1,4 đến 1,8 lần.

Rủi ro

Thắng lợi xuất khẩu tôm năm 2010 lại ẩn chứa rủi ro cho năm 2011. Khi những hạn chế ở nước ngoài được khắc phục, lập tức con tôm Việt Nam phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt. Đây là thách thức lớn với con tôm Việt Nam vì theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, thống kê dự báo kém, mối liên kết trong quá trình sản xuất lỏng lẻo, không có sự hỗ trợ lẫn nhau trong khó khăn.

Có thể hình dung mức độ khó khăn của thị trường qua ví dụ của VASEP: Trong năm 2010 vẫn có doanh nghiệp thất bại. Doanh nghiệp này ký hợp đồng dài hạn với đối tác giữa năm 2010, khi giá nguyên liệu và xuất khẩu ở mức thấp. Cuối năm, giá tăng nên càng xuất càng lỗ. Doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ còn chịu rủi ro lớn do thuế chống bán phá giá, còn thị trường Nhật Bản kiểm soát hóa chất khắt khe.

Theo VASEP, thị trường EU có nhiều thuận lợi hơn cả và đang chuộng loại tôm nhỏ như tôm thẻ chân trắng. Dự báo, diện tích tôm thẻ chân trắng ở nước ta tăng trong năm 2011, tuy nhiên con tôm này không phải lợi thế của Việt Nam. Tôm thẻ chân trắng chỉ có thể nuôi công nghiệp, năng suất cao nhất ở nước ta mới đạt 25 tấn/ha/vụ, trong lúc ở Thái Lan là 150 tấn/ha/vụ.

Nuôi tôm thẻ chân trắng ở nước ta còn gặp khó khăn lớn về giống. Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2010 các trại giống tôm thẻ chân trắng mới sản xuất được 14,5 tỷ con. Với diện tích 25.397 ha, mật độ thả bình quân 100 con/m2, có nghĩa còn khoảng 11 tỷ con phải nhập từ Trung Quốc.

Khi mở rộng diện tích, lượng giống nhập khẩu sẽ lớn hơn. Theo Tổng cục Thủy sản, việc kiểm tra giống tôm thẻ chân trắng nhập khẩu từ Trung Quốc còn nhiều bất cập và đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh xảy ra ở tôm nuôi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG