Doanh nghiệp vận tải đồng loạt tăng giá cước

Nhiều DN vận tải tăng giá cước từ 10 đến 15%
Nhiều DN vận tải tăng giá cước từ 10 đến 15%
TP - Sau năm ngày xăng dầu tăng giá, ngày 1-3, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tăng giá cước vận tải từ 10 đến 15%.

> Doanh nghiệp chia sẻ với người tiêu dùng về giá

Nhiều DN vận tải tăng giá cước từ 10 đến 15%
Nhiều DN vận tải tăng giá cước từ 10 đến 15%.

Đồng loạt tăng giá

Tại bến xe Giáp Bát, nhiều hành khách đi tuyến Hà Nội - Nam Định, Thái Bình đã bị các nhà xe thu thêm từ 5.000 đến 10.000 đồng so với giá vé bình thường.

Cụ thể, trước ngày 1-3, giá cước tuyến Hà Nội - Nam Định chỉ 45.000 đồng/ hành khách thì ngày hôm qua các nhà xe đã thu với giá 50.000 đồng/ hành khách, vé đi Thái Bình trước ngày 1-3, giá 55.000 đồng/ hành khách, ngày hôm qua tăng lên 65.000 đồng/ hành khách.

Việc tăng giá này cũng xảy ra tương tự với một số DN vận tải đang hoạt động tại bến Gia Lâm, Mỹ Đình (Hà Nội). Nhiều hành khách đi trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng ngày hôm qua cho biết, các nhà xe đã thu giá vé cao hơn 10.000 đồng so với những ngày trước đây.

Cụ thể, giá vé từ Hà Nội đi Hải Phòng trước ngày 1-3, là 50.000 đồng/ hành khách, nhưng ngày hôm qua các nhà xe đã thu 55.000 đồng/ hành khách. Tương tự tại bến xe Mỹ Đình, trước ngày 1-3, giá vé đi Bắc Giang là 35.000 đồng/ hành khách, nhưng ngày hôm qua nhà xe đã thu 40.000 đồng/ hành khách.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Cty Quản lý bến xe Hà Nội xác nhận, tính đến ngày 1-3, Cty đã nhận được văn bản thông báo tăng giá vé của một số DN vận tải, như Xí nghiệp xe khách Nam (chạy tuyến Giáp Bát - Nam Định, Thái Bình), DN Vận tải Quân Trung (chạy tuyến Giáp Bát - Gia Lai), DN vận tải Hải Âu (chạy tuyến Gia Lâm - Hải Phòng), DN xe khách Bắc Giang (chạy tuyến Mỹ Đình - Bắc Giang).

"Trung bình mức giá mà các doanh nghiệp thông báo tăng từ 10 đến 15% so với giá vé trước khi tăng giá xăng dầu", ông Trung cho hay.

Cũng theo ông Trung, giá xăng dầu tăng, việc DN tăng giá vé vận tải là tất yếu, tuy nhiên cần giám sát chặt việc này.

Taxi, nhà ga rục rịch điều chỉnh giá

Ngày hôm qua, nhiều hãng taxi cũng đã tăng cước từ 1.000 đến 1.500 đồng/km. Cụ thể, nếu trước ngày 1-3, giá cước của hãng taxi Hà Nội với xe 4 chỗ đi 30 km đầu là 11.500 đồng, thì ngày hôm qua đã tăng lên 12.700 đồng/km (tăng 1.200 đồng); mức giá này cũng được áp dụng tương tự với các hãng taxi Mai Linh, Nội Bài, Thủ Đô...

Ông Lê Đức Trung, Phó Giám đốc Hãng taxi Hà Nội cho biết, với mức tăng này hãng mới đỡ một phần bù lỗ cho các tài xế sau khi giá xăng tăng. Tuy chưa điều chỉnh giá cước nhưng theo Hiệp hội taxi Hà Nội, hiện hầu hết các hãng đã lên xong kế hoạch điều chỉnh giá và trong những ngày tới nhiều hãng taxi cũng sẽ tăng giá cước vận tải.

Đại diện các hãng taxi Vạn Xuân, Hương Lúa, Xuân Thành cho biết, nếu không có gì thay đổi, trong ngày hôm nay hoặc mai, các hãng này cũng sẽ tăng giá cước...

Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, Tổng Cty vừa hoàn chỉnh phương án điều chỉnh giá vé ngồi cứng tàu Thống Nhất và trình Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Theo đó, từ ngày 1-4 tới, giá vé ngồi cứng tàu khách Thống Nhất sẽ tăng 5%.

Tại Cà Mau, Ngày 1-3, Cty TNHH Xe khách Hoàng Xuân (Cà Mau) tăng giá vé từ 120.000 lên 140.000đồng/lượt tuyến TP Cà Mau- TP HCM. Cty Vận tải Sông Biển (Cà Mau) tăng giá vé 15-20% tùy từng tuyến đường thủy. Ông Lê Hoàng Ngon, Phó giám đốc Sở GT-VT Cà Mau cho biết, đã có quy định mức tăng giá không quá 20%.

Lập biên bản 2 DN tự ý tăng giá

Để tránh việc các DN vận tải tăng giá quá cao cũng như việc tăng giá này phải công khai, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, chiều qua sở đã có văn bản gửi các bến xe, đơn vị chủ quản các DN vận tải, yêu cầu, ngoài hoàn thiện đầy đủ các thủ tục theo quy định, khi tăng giá, các DN phải công khai niêm yết giá vé tại các bến, nếu DN nào không thực hiện đúng, nhất quyết không cho tăng giá.

Trong ngày 1-3, 2 DN vận tải đầu tiên tại Hà Nội đã bị thanh tra Sở GTVT lập biên bản vì tự ý tăng giá cước. Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT cho biết, hai đơn vị vừa bị lập biên bản là doanh nghiệp vận tải xe khách Nam Hà Nội và Cty Cổ phần xe khách Hà Tây.

"Mặc dù hai đơn vị có làm thủ tục xin tăng vé tuyến Hà Nội - Sơn Tây và Kim Mã - Trung Hà (Ba Vì) với Sở GTVT, Sở Tài chính và Cục Thuế nhưng khi các cơ quan này chưa cho phép thì hai DN đã tự ý tăng giá vé", ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, ngoài xử lý hành chính vì lỗi trên, trong những ngày tới, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải và Tài chính sẽ kiểm tra hoạt động tại hai doanh nghiệp này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG