Giải pháp thời tăng giá

Giải pháp thời tăng giá
TP - Xăng tăng giá, điện tăng giá, thịt, rau, trứng, sữa tuốt tuột cái gì cũng tăng giá, tăng giá và lên giá. Tôi là người làm công ăn lương không bổng không lộc chỉ biết trông vào đồng lương 3 cọc 3 đồng.

>> Kiểm soát chặt khoản chênh lệch do tăng giá

>> Bám sát địa bàn,bình ổn giá cả thị trường

Giải pháp thời tăng giá ảnh 1

Là một cọc tiền gạo, một cọc tiền thức ăn, một cọc tiền nhà. Ngày xưa dùng tiền xu, mỗi đồng đều có lỗ ở giữa, người ta làm 3 cái cọc để dành tiền theo kiểu chia món… Bây giờ, lương tôi cũng về chia ra cọc này tiền gạo, thức ăn; cọc kia tiền điện, nước thuê nhà, cọc kia nữa tiền học cho con.

Chắc phải làm thêm vài cọc nữa, ấy là tiền điện thoại, xăng xe, ma chay, cưới xin, giỗ chạp, đầy tháng, sinh nhật, thăm người ốm đau, sinh nở…

Tôi đi làm đã được gần chục năm, bậc lương ba phẩy nhân với lương cơ bản rồi cộng với tất cả các khoản công tác phí làm thêm giờ, ăn ca… cũng được khoảng 4 triệu đồng. Về quê, ai cũng xuýt xoa, chồng lương bốn triệu, vợ lương ba triệu cơ à? Thế thì mấy mà giàu! Tôi cũng cứ cố ngoác cái miệng ra, khùng khục trong cổ, cười chẳng ra cười khóc không ra khóc.

Cả nhà tôi có 4 người, hai vợ chồng, hai đứa con. Thằng lớn học lớp 1, con nhỏ học mẫu giáo 3 tuổi. Đói thì đầu gối phải bò. Tôi đi làm thêm cho một Cty gần với công việc mà tôi hưởng lương nhà nước. Thì cũng chạy qua chạy lại, thì cũng ăn cắp tí chút thời gian, điện đóm, điện thoại cũng cơ quan công sở cho việc tư chứ biết làm sao.

Ai cũng thế cả thôi. Phòng tôi có gần chục người thì người nào chẳng có việc bên ngoài nghề tay trái. Có người đi dạy thêm ngoại ngữ. Có người buôn bất động sản. Có người lại môi giới, chạy chọt công việc… Những người ấy, ai cũng giàu có cả. Nghề tay trái, lái tay phải. Đậu phụ quan trọng hơn mỳ chính.

Phàm xăng tăng, điện tăng thì tuốt tuột đều ào lên theo. Bà bán rau đầu ngõ quát mớ rau muống mười ngàn, vợ tôi xanh mắt: “Xăng với điện thì liên quan gì tới rau mà bà nâng giá?”. “Thế mình nhà cô mới đi xe máy, thắp điện chắc!”. Vợ tôi hậm hực không cãi nổi, đi mua cải bắp: “Lá non thì luộc, lá già làm dưa muối, chẳng bỏ đi cái gì. Một cái bắp cải ăn được ba bữa”.

Vợ tôi còn đề ra nhiều quy định: Tuyệt đối không ăn sáng ngoài quán. Tuyệt đối không bỏ thừa thức ăn. Tiết kiệm điện thoại, điện thắp sáng, ti vi, Internet… Nhà có hai xe máy thì chỉ đi một, cả nhà 4 người trên một chiếc xe chật ních nhưng sẽ tiết kiệm được xăng. Cô ta còn dặn, cần đi đâu thì đi xe buýt, bí quá mới được đi xe ôm, tuyệt đối không được gọi taxi.

Buổi tối, thấy tiếng gõ cửa vợ chồng giật mình thon thót nhìn nhau nghi hoặc. Bà chủ nhà hiện ra trước cửa. Đã đến hạn đóng tiền nhà, tiền điện, nước tổng cộng ba triệu. Đành khất khéo rằng, nhà cháu quên chưa rút tiền, mai cháu sẽ thanh toán.

Hôm sau đưa con đến lớp, cô giáo gọi giật lại: Anh chị đóng tiền học cho con tháng ba nhé. Không có tiền dễ sinh cãi vã, trước tôi nói sẵng vợ tôi nhịn nhưng nay hắn cũng ăn miếng trả miếng. Chỉ vì tôi mua bao thuốc mà vợ tôi cằn nhằn suốt buổi. Thế là nói qua nói lại. Câu sau nặng hơn câu trước. Sau một hồi đỏ mặt to tiếng, mới giật mình vì hai đứa con của chúng tôi nước mắt lưng tròng nép vào nhau nhìn bố mẹ sợ hãi.

Cả đêm ấy tôi trằn trọc không ngủ. Phải kiếm tiền. Làm gì đây? À, á… ơ- rê- ka, tìm ra rồi. Tôi phục tôi quá, dự án này nhất định khả thi. Chiếc xe Wave của tôi để không cũng dễ hỏng. Cần có 2 chiếc mũ bảo hiểm, khẩu trang, áo mưa… Tất cả tôi đều có sẵn.

Ngày mai, từ ngày mai - tôi tự nhủ tôi sẽ xách xe ra ngã tư gần nhà, làm anh xe ôm. Có gì xấu đâu nào. Mỗi cây số tôi lấy mười ngàn. Nhất định sẽ được. Mình phục mình quá!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG